Chưa thi hành án được vì vận động không xong (!)

Đầu năm 2011, vợ chồng ông T. làm thủ tục mua căn nhà 421/25/9C Bến Phú Lâm, phường 9, quận 6 (TP.HCM) của ông H. và được UBND quận cấp đổi giấy hồng mới. Sau đó ông T. ký hợp đồng cho ông H. thuê lại với giá 2 triệu đồng/tháng. Do hai tháng liên tục ông H. không trả tiền thuê nhà nên ông T. đến tìm thì gặp mẹ con bà A. đang sinh sống trong căn nhà.

Không chịu trả nhà

Cho rằng phía người thuê không trả tiền thuê nhà, lại tự ý cho người khác vào nhà ở là vi phạm hợp đồng nên vào tháng 7-2011, ông T. khởi kiện yêu cầu ông H. phải giao trả nhà trong vòng một tháng. Tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà A. cho biết: Căn nhà trên có nguồn gốc là của gia đình bà nhưng bà đã làm hợp đồng sang nhượng cho ông H. do trước đó bà thiếu nợ ông H. Nay bà xin trả dần số tiền nợ cho ông H. và không đồng ý giao trả nhà cho vợ chồng ông T. Phía ông H. thì cho rằng trước khi mua bán ông có nói rõ tình trạng của căn nhà cho ông T. biết, việc ông hỏi thuê lại nhà là để gia đình bà A. có thời gian chuyển đi. Nay ông chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. và cũng mong muốn ông T. sớm được nhận nhà vì việc mua bán giữa ông với ông T. đã được thực hiện hợp pháp.

Cuối năm 2011, TAND quận 6 (TP.HCM) xử sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông T., tuyên thanh lý hợp đồng thuê nhà giữa ông T. và ông H. do vi phạm hợp đồng. Tòa còn tuyên buộc bà A. và những người đang ở trong nhà phải giao trả nhà trong vòng một tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tòa cũng ghi nhận ý kiến của ông T. không đòi hai tháng tiền thuê nhà, đồng thời hỗ trợ thêm cho gia đình bà A. 20 triệu đồng chi phí chuyển nhà và thuê nhà khác để ở. Phía bà A. đã kháng cáo theo hướng không trả nhà.

Tháng 4-2012, xử phúc thẩm TAND TP.HCM tuyên y án sơ thẩm. Tại tòa, phía ông T. tự nguyện tăng tiền hỗ trợ cho gia đình bà A. từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng để gia đình bà tìm chỗ ở mới và được tòa ghi nhận.

Trì hoãn vì nhiều lý do...

Vì phía bà A. không tự nguyện thi hành án (THA) nên Chi cục THA dân sự quận 6 đã ra quyết định THA theo yêu cầu của ông T. Tuy nhiên, từ tháng 5-2012 đến nay vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ do Chi cục THA quận không kiên quyết tổ chức thi hành bản án.

Ông T. trình bày: Ông đã nhiều lần yêu cầu Chi cục THA quận tổ chức cưỡng chế việc giao nhà theo Điều 115 Luật THA dân sự nhưng chấp hành viên chỉ ghi nhận ý kiến rồi để đó trong khi bản án của tòa tuyên rõ ràng và chức năng của cơ quan THA là phải bằng mọi cách thi hành bản án của tòa trong thời gian sớm nhất. Ông T. đã liên tục gửi đơn khiếu nại đến Cục THA dân sự TP.HCM, UBND quận và các cơ quan này đều có thông báo đã chuyển đơn cho Chi cục THA quận thi hành theo thẩm quyền.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 6, lý giải: Nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do cơ quan THA gặp khó khăn trong việc yêu cầu gia đình bà A. giao nhà. Sau khi ra quyết định THA, chấp hành viên đã tống đạt công văn yêu cầu bà A. cùng các con bà phải giao nhà cho vợ chồng ông T. Thế nhưng khi chấp hành viên đến vận động thì phía bà A. nhất quyết không giao nhà vì cho rằng trước kia họ chỉ mượn tiền của ông H. chứ không bán nhà. Chấp hành viên liên hệ với chính quyền địa phương trực tiếp đến gặp phía bà A. để giải thích, vận động, yêu cầu giao nhà cũng không được vì bà không hợp tác.

Cũng theo ông Minh, trong thời gian này phía bà A. gửi hồ sơ vụ án đề nghị TAND Tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vì cho là hai cấp tòa xét xử vi phạm pháp luật. Do bà A. có đơn đề nghị dừng việc THA nên Chi cục THA quận phải chờ ý kiến của TAND Tối cao. Ngày 7-8-2013, TAND Tối cao có thông báo trả lời cho bà A. là “không có cơ sở để kháng nghị như yêu cầu” vì theo hồ sơ thì việc sở hữu căn nhà của ông T. là hợp pháp. Lúc đó Chi cục THA quận mới tiếp tục THA. Đến cuối năm 2013, bà A. chết, việc THA tiếp tục bị ngưng lại để xác định đối tượng phải thi hành tiếp bản án.

“Hiện Chi cục THA quận đã lên kế hoạch làm việc với ban chỉ đạo cưỡng chế gồm các đại diện ban, ngành có liên quan để thống nhất thời gian và lực lượng để cưỡng chế giao nhà cho vợ chồng ông T. Thời gian cưỡng chế dự kiến vào khoảng tháng 7 tới. Bấy giờ, Chi cục THA quận sẽ kiên quyết giải quyết dứt điểm việc cưỡng chế giao nhà chứ không trì hoãn nữa” - ông Minh nói.

THANH TÙNG - NGUYỄN HIỀN

 

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Không có cơ sở để tạm dừng THA

Việc Chi cục THA quận tự ý tạm dừng việc THA để chờ kết quả xem có kháng nghị hay không là không đúng theo quy định pháp luật. Bởi lẽ việc kiến nghị giám đốc thẩm là quyền của đương sự nhưng nó không phải là cơ sở để họ yêu cầu dừng việc THA. Ngoài ra theo Điều 286 BLTTDS thì chỉ người có thẩm quyền kháng nghị bản án có hiệu lực pháp luật mới có quyền yêu cầu tạm hoãn THA để có thời gian xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy chỉ khi có yêu cầu bằng văn bản của chánh án TAND Tối cao hoặc viện trưởng VKSND Tối cao thì cơ quan THA mới được dừng việc THA.

Cưỡng chế trả nhà

Trường hợp người phải THA có nghĩa vụ trả nhà thì chấp hành viên buộc người phải THA và những người khác có mặt trong nhà ra khỏi nhà, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra khỏi nhà; nếu họ không tự nguyện thực hiện thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi nhà…

Trường hợp người phải THA cố tình vắng mặt mặc dù đã được thông báo quyết định cưỡng chế thì chấp hành viên thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại khoản 1 điều này…

(Trích Điều 115 Luật THA dân sự)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm