Chưa nên bỏ hẳn thời hiệu khởi kiện

Trong bản tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ở lần sửa đổi này chỉ ưu tiên tập trung vào những thiếu sót, vướng mắc quan trọng, còn vấn đề thời hiệu, vì chưa được nghiên cứu đầy đủ nên chưa cần phải bỏ hẳn.

Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện chung cho tất cả các loại quan hệ tranh chấp là chưa hợp lý. Để thuận lợi cho hoạt động xét xử thì nên bỏ thời hiệu khởi kiện với một số quan hệ tranh chấp đặc thù như yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, tuyên bố một người mất tích, đã chết…

Tại một hội thảo góp ý gần đây nhất (cuối tháng 1-2011) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến đã đồng tình với hướng sửa đổi như trên. Các ý kiến này cho rằng việc chỉ bỏ thời hiệu khởi kiện theo phương pháp loại trừ là phù hợp với thực tế và giải quyết được những khó khăn mà ngành tòa án đang gặp phải.

Một nội dung khác cũng gây nhiều chú ý là chuyện tòa có được hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan khác hay không? Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây quy định tòa có quyền hủy các quyết định rõ ràng trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đến nay, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành lại bỏ hẳn quy định này là không phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập, không kịp thời bảo vệ được lợi ích của các bên đương sự. Bởi trong thực tiễn xét xử, khi phát hiện các quyết định rõ ràng trái luật, tòa chỉ có quyền kiến nghị cơ quan ban hành bãi bỏ quyết định đó. Quá trình chờ cơ quan ban hành quyết định kết luận hủy hoặc không hủy quyết định rất mất thời gian, thậm chí nhiều cơ quan không xem xét.

Về việc định nghĩa rõ dấu hiệu để nhận biết một quyết định rõ ràng là trái pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đó là quyết định được ban hành không đúng thẩm quyền và có nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự trong vụ án.

Nhiều chuyên gia cũng đồng tình là khôi phục lại quyền hủy các quyết định trái pháp luật cho tòa. Tuy nhiên, một số ý kiến thận trọng lại đề nghị loại trừ các quyết định liên quan đến việc quản lý đất đai bởi có thể dẫn đến tình trạng tòa lạm quyền để hủy không đúng. Quản lý đất đai có tính chất phức tạp và đặc biệt, phải do UBND cấp huyện trở lên mới có quyền hủy các quyết định liên quan.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm