Chưa có luật, dân yêu cầu, tòa vẫn phải xử?

Trình bày tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về quy định tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự trong dự luật. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng việc quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì tòa không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là phù hợp.

Xử theo tập quán, lẽ công bằng?

Lý lẽ được Chính phủ nêu ra để ủng hộ cho đề xuất trên là Hiến pháp đã quy định “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định trên là cần thiết nhằm để góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước.

“Trong trường hợp chưa có điều luật thì tòa án cần áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ luật Dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì TAND không được từ chối với lý do chưa có điều luật để áp dụng”. Ảnh: T.VĂN

Ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án) lại băn khoăn về quy định trên. Theo ông Lý, Hiến pháp, Luật Tổ chức TAND và các luật về tố tụng hiện hành đều quy định “thẩm phán, hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Như vậy nếu chưa có luật, chưa có quy định thì tòa án, thẩm phán không thể giải quyết được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng việc buộc tòa án phải thụ lý tất tần tật các vụ, việc dân sự là không phù hợp với thực tế của Việt Nam. Bởi chúng ta quy định rất rõ là tòa án phải giải quyết theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. “Nay chưa có luật thì tòa án, thẩm phán làm sao mà giải quyết được? Quy định này chỉ phù hợp với những nước áp dụng án lệ, còn chúng ta chưa có án lệ thì không thể thực hiện được” - ông Hiện nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu không quy định như vậy thì quyền yêu cầu tòa án bảo vệ của công dân sẽ bị từ chối. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng cho rằng trách nhiệm của tòa án là phải bảo vệ lẽ công bằng, đúng sai cho người dân ngay cả khi pháp luật chưa có quy định chứ từ chối, không xét xử là không phù hợp.

Tranh luận về đề xuất bỏ thời hiệu khởi kiện

Một điểm mới nữa của dự luật cũng được các đại biểu thảo luận là việc không quy định thời hiệu khởi kiện dân sự mà chỉ quy định về thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự.

Trong tờ trình, Chính phủ khẳng định việc quy định thời hiệu khởi kiện như hiện nay chưa giúp giải quyết được một cách triệt để các tranh chấp phát sinh, đồng thời nảy sinh hiện tượng khi không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, chủ thể có thể sử dụng những biện pháp hành xử ngoài vòng pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Vì thế, Chính phủ cho rằng việc bỏ thời hiệu khởi kiện sẽ khắc phục được tình trạng trên. Ngoài ra, việc bỏ thời hiệu khởi kiện sẽ hạn chế tình trạng tòa án có thể căn cứ vào thời hiệu để từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc, góp phần cụ thể hóa và triển khai thi hành khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 (TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân).

Ông Phan Trung Lý một lần nữa thể hiện sự băn khoăn về những quy định trên bằng dẫn chứng: Nếu không quy định thời hiệu khởi kiện để xác nhận, bác bỏ quyền thừa kế hay yêu cầu chia di sản… thì sẽ dẫn tới hệ quả là tài sản lúc nào cũng có thể là đối tượng tranh chấp dù trước đó có được pháp luật thừa nhận, bảo đảm hay không. “Việc không quy định về các thời hiệu yêu cầu này cũng cần tính đến khả năng gia tăng các tranh chấp, gây xáo trộn các quan hệ xã hội, đồng thời có thể gây quá tải cho hoạt động xét xử của tòa án” - ông Lý nói.

Theo ông Lý, Bộ luật Dân sự sửa đổi nên cân nhắc kế thừa quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành về thời hiệu khởi kiện thừa kế, đồng thời bổ sung các nội dung xác lập quyền sở hữu đối với di sản thừa kế.

THÀNH VĂN

Kiểm soát chặt việc ban hành thông tư, nghị quyết

Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đa số các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với quy định không ban hành hình thức văn bản liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ…

Ngoài ra, các đại biểu cũng ủng hộ cơ chế kiểm soát chặt việc ban hành thông tư của cấp bộ và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, khi xây dựng dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì bắt buộc phải gửi xin ý kiến của VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Còn với dự thảo thông tư của các bộ thì phải thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.

Bảo vệ người thứ ba ngay tình

Theo dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một hành vi pháp lý khác cho người thứ ba và người thứ ba căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện hành vi pháp lý thì hành vi pháp lý đó không vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản đó đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp, ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Lý giải, Chính phủ cho rằng quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình sẽ bảo đảm công bằng, hợp lý hơn đối với người thiện chí, ngay tình cũng như đảm bảo sự ổn định trong các quan hệ dân sự. Đối với những trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu có quyền yêu cầu bồi hoàn giá trị tài sản, bồi thường thiệt hại, thậm chí kiện bồi thường Nhà nước đối với cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm