Chủ tịch nước: Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người

Sáng 15/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và công tác 6 tháng cuối năm. Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Chủ tịch nước: Tòa án phải mang lại công lý cho mọi người ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc với Tòa án Nhân dân tối cao

Theo báo cáo của TANDTC, 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự tiếp tục gia tăng... Để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, TANDTC đã xác định và chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá là tiếp tục thực hiện tốt tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy định pháp luật; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; đồng thời tăng cường tổng kết công tác thực tiễn xét xử đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật... qua đó 6 tháng đầu năm hoạt động của các tòa án đã có chuyển biến tích cực, không để xảy ra trường hợp kết án oan sai, tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại đó là tỷ lệ giải quyết các loại án nhìn chung chưa cao, số bản án, quyết định bị hủy chưa giảm mạnh, thủ tục hành chính tư pháp còn nhiêu khê gây khó cho người dân; vẫn còn trường hợp cán bộ vi phạm đạo đức, kỷ luật thậm chí vi phạm pháp luật... Đây là những vấn đề mà ngành tòa án cần nghiêm túc rút kinh nghiệm đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước ghi nhận những kết quả đạt được của ngành tòa án trong 6 tháng qua, nhất trí với những tồn tại cần khắc phục mà các đại biểu đã chỉ rõ. Chủ tịch nước nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý phát huy vai trò tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp, là cơ quan xét xử đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: "Xu hướng kết quả tiến bộ tăng lên, phấn đấu theo hướng tòa án phải mang lại công lý cho mọi người, phải bảo vệ quyền lợi ích của nhà nước và của công dân. Đây là 2 vấn đề được coi trọng chứ không chỉ coi trọng lợi ích nhà nước mà không coi trọng lợi ích của công dân. Tòa án là cơ quan nhà nước được nhân dân giao phó phán quyết việc tranh tụng, không thể xét xử các doanh nghiệp nhà nước nhẹ tay còn dân hay doanh nghiệp tư nhân thì làm triệt để. Điều đó không thể chấp nhận được. Nếu ai còn tư tưởng này thì phải thay đổi".

Đánh giá cao việc ngành tòa án đã kịp thời đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, Chủ tịch nước lưu ý tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được tòa án cho hưởng án treo giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước là nghiêm minh, nhưng phải căn cứ trên cơ sở xét xử, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nhấn mạnh cần khắc phục các vụ án oan sai theo Luật Bồi thường nhà nước, Chủ tịch nước cho rằng ngành tòa án cần thẳng thắn nhìn nhận lỗi, khắc phục và bồi thường kịp thời, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đề cập việc sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp mới, Chủ tịch nước đề nghị cần làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn để luật hóa, đồng thời gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ. Đây là nhân tố quan trọng trong việc chống oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Ghi nhận việc ngành tòa án đẩy mạnh số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và tỷ lệ hòa giải thành cao đã góp phần nâng cao tính răn đe cũng như hiệu quả tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đối với người dân, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần khắc phục những bất cập trong thủ tục hành chính tư pháp nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo sự độc lập, công khai, minh bạch trong xét xử đáp ứng mục tiêu chiến lược cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra./.

Theo Hoàng Dũng/VOV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm