Chủ nghĩa “yêng hùng” trong giao thông người Việt

Số vụ tai nạn giao thông ở ta xảy ra hàng chục vụ mỗi ngày, gây chết chóc và thương vong cho cả trăm người. Quả là một con số và hiện thực nhức nhối! Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hậu quả này, nào đường xá chật hẹp, nào xe cộ đông đúc, mật độ dày đặc, nào hệ thống biển báo, hay phân luồng còn chưa hợp lý… Đó là những nguyên nhân chủ quan! Nhưng còn một nguyên nhân nằm ngay trong ý thức của mỗi người tham gia giao thông, được gọi là ý thức tự giác, có lẽ vẫn chưa được nhìn một cách trọn vẹn đầy đủ.

Thấy đèn đỏ, mọi người dàn ngang xếp hàng chờ. Đèn xanh, mọi người vừa kịp nhấn ga để chạy, thì bỗng nhiên, từ hướng vuông góc đang ở chế độ đèn đỏ, một anh chàng hoặc hai ba chàng ngổ ngáo rồ ga phóng vọt qua ngay trước mũi mọi người… Tất cả khối xe cộ vừa lấy đà để đi bỗng phải phanh khự lại.

Một người Tây, thấy vậy đã bình luận: anh ta đã ăn cắp thời gian của mọi người. Ăn cắp ư? Không đúng! Ăn cướp thời gian thì đúng hơn! Bởi lẽ ăn cắp tức phải che giấu lén lút, đằng này anh chàng lại vênh vênh mặt phóng vọt qua như thách thức mọi người. Một người khác bảo. Như vậy rõ ràng là ăn cướp! Một khuôn mặt làm việc trái, trái cả qui tắc giao thông, trái cả với hành xử của mọi người, vậy mà vẫn ngênh nghênh ngáo ngáo, đi qua còn vênh mặt lên như thách thức. Đấy gọi là gì? Rõ ràng có thể gọi là "yêng hùng".

Chủ nghĩa “yêng hùng” trong giao thông người Việt ảnh 1

Nhưng trường hợp như vậy không hề hiếm ở ta. Tại sao người ta lại có thể cư xử trái với ý muốn của mọi người mà không hề thấy áy náy hoặc xấu hổ. Theo nhiều điều tra, rõ ràng người Việt có cả một trào lưu “yêng hùng” ở trong giao thông. Một khi trào lưu khá rộng, thì chúng ta có thể gọi đó là thứ "chủ nghĩa yêng hùng".

Cụ thể, ra đường chúng ta thường xuyên bắt gặp những chiếc taxi móp mép tứ bề. Tại sao? Chúng lạng lách, đánh võng, tranh cướp khách, dường như chẳng bao giờ muốn nhường ai hay tránh ai, chính vì thế mà các lỗi va quệt mới thường xuyên xảy ra khiến vỏ xe bị móp méo. Nhìn những chiếc taxi chạy bạt mạng để đón khách, dân chúng thường bảo, tránh chúng đi, tránh voi chẳng xấu mặt nào, chúng lo kiếm ăn ấy mà, chúng không nhường ai đâu, thi gan với chúng thì chỉ có thiệt.

Nhưng những chiếc taxi này khi nhìn thấy "hung đồ trên đường phố" là xe ca, xe khách thì lại phải nhường một cửa, bởi vì những xe kia còi to hơn, xe to hơn, không tránh thì bị "đè" liền. Một tài xế xe ca tâm sự, phương châm của bọn tôi là "chạy nhanh-phanh gấp". Chạy nhanh không phải để về sớm một tẹo mà để cướp khách trên đường, mình chạy chậm một tẹo, xe khác vượt lên, nó "vợt" mất của mình mấy "khứa" thì đói dài ngay.

Mới đây, còn có một anh bạn của lái xe ca đã kể "ký sự tài xế" biến thành bi kịch thê thảm. Anh ngồi cạnh bạn mình, thấy chạy nhanh nguy hiểm quá liền can "Kìa, cậu chạy cẩn thận, chậm lại đi, kẻo tai nạn bây giờ!" liền nghe mấy chị em buôn chuyến nói: "Giời ơi, anh khuyên anh ấy chạy chậm thì chết bọn em, hàng họ chỉ cần đến chậm một tẹo thì bán tống cũng chẳng ma nào mua!". Rồi các bà các cô ào ào khích lệ "Chạy máu vào! Mát ga đi! Cho xe sau ăn khói đi anh tài đẹp trai ơi!". Thế là tài xế nhấn ga, đến khúc quanh cũng không giảm ga, không xử lý kịp, xe liền bay xuống ruộng, lại quệt phải cột điện, gây tai nạn, kẻ chết, người bị thương, còn lái xe bị què sợ đến già không còn dám lái xe nữa.

Ở đời, các lý thuyết có người chủ xướng thì thường được gọi là chủ nghĩa. Nhưng có một số như "chủ nghĩa cá nhân" chẳng hạn, không ai nghĩ ra cả, nhưng do tính chất ích kỷ đại trà của nó mà người ta đã gọi là “chủ nghĩa cá nhân”. Còn "chủ nghĩa anh hùng" cũng không ai nghĩ ra, về mặt văn hóa và chữ nghĩa có lẽ nó được xuất hiện sớm ở Hy Lạp với các anh hùng ca là Illiad và Odyssey.

“Chủ nghĩa anh hùng” xưa nay người ta thường ấn định thuộc về những anh hùng của chiến trận như Illiad, Hector, Odyssey hay Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… Nhưng ở thời đại mới, “chủ nghĩa anh hùng” được mở rộng rất nhiều.

Chẳng hạn, khi nữ bác học gốc Ba Lan Marie Curie, chẳng quản nguy hiểm khi cùng chồng là Pierre nghiên cứu tia X và phóng xạ nguyên tử miệt mài ngày đêm trong phòng thí nghiệm, và dù cho gặp bao cản trở khó khăn, nào đàn bà thì không thể nghiên cứu khoa học, nào các giấy phép của việc nghiên cứu, nào mặc dù người chồng đã ngã xuống vì cật lực và nhiễm bệnh, Marie Curie vẫn tiếp tục nghiên cứu để giành được hai giải Nobel về khoa học…

Cuộc đấu tranh của bà đã chiến thắng nhờ vượt qua những xung lực nào? Trước hết là khó khăn tài chính bám đuổi khi học và mở phòng thí nghiệm, rồi nạn kỳ thị phụ nữ ngay cả với Pierre là người yêu sau trở thành chồng của bà, rồi chính quyền, rồi chất phóng xạ rình rập thẩm thấu đêm ngày. Vậy bà có phải là một anh hùng và xứng đáng làm anh hùng không? Câu hỏi này là thừa, vì đất nước chúng ta lâu nay vẫn có cả anh hùng chiến đấu và anh hùng lao động.

Một chiến sĩ đối đầu với bom đạn trên chiến trường là anh hùng. Vậy một người làm chứng cho công lý, phải đối mặt trước luật pháp, rồi thế lực của mafia, rồi nhiều áp lực "nén bạc đâm toạc tờ giấy" khác, có anh hùng không? Tất nhiên đó cũng là anh hùng!

Mới đây, khi một hãng truyền hình làm phim tài liệu về con tàu thảm họa Titanic (4/1912), một con tàu khổng lồ nhất thời đó, rất nổi tiếng đã đâm vào băng trôi, bị gẫy đôi, gây ra cái chết của hơn ngàn rưỡi người… Những người làm phim đã bình như sau: khi con tàu gặp thảm họa đã kề cận cái chết, tàu đã gẫy, nước đã ập vào như thác, vậy mà dàn nhạc vẫn bình thản chơi. Họ chơi vì cái gì vậy? Đơn giản họ là nhạc công thì dù ở đâu họ cũng phải chơi hết bản nhạc mà họ đã bắt đầu. Đó là đạo đức nghề nghiệp không bao giờ khác đi. Chẳng hạn, một dàn nhạc đang chơi ở đâu đó, một nhạc công vấp hay tự thôi giữa chừng, chắc chắn anh ta sẽ làm hỏng bản nhạc của cả dàn nhạc, và sẽ bị sa thải liền.

Còn có một trường hợp đặc biệt hơn. Hai vợ chồng tỉ phú kia đi du lịch. Người ta mời ông bà xuống xuồng cứu hộ vì người già được ưu tiên. Nhưng ông bảo: "Tôi già rồi xin nhường người khác để họ sống". Họ lại mời bà xuống xuồng, vì bà có hai ưu tiên, một là già, hai là "lady first", nhưng bà đã bình thản ngả đầu vào vai chồng trả lời: "Tôi không thể không ở lại với ông ấy để chia sẻ giờ phút chia tay với cuộc đời". Đôi uyên ương tỉ phú không chỉ từ chối cuộc đời mà còn từ chối sống để tiêu số tiền tỉ của mình. Trong sự êm đềm của hai vòng tay bình thản nhìn cái chết dâng lên cùng sóng đại dương, người ta chỉ có thể buông ra một lời bình duy nhất: "Đó cũng là một chủ nghĩa anh hùng!".

Một người chồng đang đêm nghe có biến liền đứng dậy cầm gậy ra ngoài để bảo vệ vợ con, đó cũng là anh hùng thuộc "chủ nghĩa anh hùng", nhưng vào một ngày định mệnh, anh ta nghe tin vợ không chung thủy với mình, trái tim anh tan nát đã cố mở khe hở cuối cùng cho lòng tha thứ, cái đó còn khó hơn cầm gậy xông ra gấp vạn lần. Cầm gậy xông ra chỉ là anh hùng của cơ bắp. Còn tha thứ đó là sự gượng dậy của mọi tế bào đang giày vò tan nát. Một cuộc anh hùng được thực thi từ lý do được cất từ vô vàn những lời biện hộ cuối cùng đã rút chạy… nhưng mà tế bào trắc ẩn thương xót cuối cùng đã đứng lên ra quyết định không cho tay vào cò súng…

Anh hùng là tâm cảm tích cực, nhưng “yêng hùng” là mặc cảm lên gân ra vẻ, đó là cách từ xưa người ta đã ví hai con dê đi qua chiếc cầu không chịu nhường nhau, nên cả hai đã rơi xuống nước. Đó là chuyện ngày xưa, con dê đi qua cầu khỉ với làn nước trong veo lững lờ chảy. Còn giờ đây là chuyện của những “anh hùng xa lộ” đang lao trên đường cao tốc, nếu không chịu nhường nhau như chúng ta đã thấy, chúng gây ra những kết cục thật thê thảm.

Như chúng ta đã bàn, có thể chúng ta mới chỉ biết đến thứ “yêng hùng” tiến tới không nhường ai, nhưng anh hùng hơn sẽ là tư thế nhường nhịn bao dung, mà mình nhường người khác thì có người khác nhường mình, như người phương Tây có câu: hãy chăm lo cho người khác thì Chúa sẽ chăm lo cho bạn.

Người Trung Quốc có câu "đoản hình tức tiếng", nghĩa là tâm hồn ai nhỏ bé loi choi thì hay ra vẻ chành chọe hiếu thắng, còn tâm hồn ai quảng bác bao dung nó sẽ luôn bình thản để nhường nhịn người. Nhiều khi, ai cũng tranh đi gây tắc đường, kết quả còn đến chậm hơn, nhưng khi người ta biết nhường nhau, anh đi rồi tôi cũng đi, thì vừa thông thoáng vừa nhanh nhẩu. Đúng là hãy nhường người thì người khác sẽ nhường ta. Còn nếu tranh người, người khác sẽ tranh ta. Vậy thì chúng ta hãy dẹp chủ nghĩa “yêng hùng” đi mà thay vào đó là chủ nghĩa anh hùng của lòng nhân ái.

Theo Nguyễn Hoàng Đức (CSTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm