Chữ hiếu thời nay - Bài 4: …Gánh cả “giang san” nhà chồng

Nhà chị Lê Thị Mai Lan nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Trần Phú (quận 5, TP.HCM). Căn hộ chưa đầy 20 m2 với 12 con người của ba thế hệ chen chúc nhau sống.

Mười năm làm vợ, một đời làm dâu

Căn phòng quá hẹp, không đủ để trải nguyên chiếc bàn mà phải gấp đôi để trừ phần cho lối đi ra vào. 12 con người sống trong căn phòng chỉ đủ mỗi người có một góc nhỏ để ngủ. Bữa cơm chung của cả gia đình phải ngồi lẻ tẻ vì không có khoảng không gian nào đủ lớn để cả nhà ngồi chung. Chiếc giường cũ nằm lọt thỏm bên chiếc cầu thang gác vừa là nơi bốn mẹ con ngồi ăn cơm, vừa là sân chơi mà cũng là góc học tập của ba đứa con.

20 tuổi chị lấy chồng. 10 năm sau, có với nhau ba mặt con thì chồng lâm bệnh rồi mất. Cha mẹ chồng chị già yếu, hai đứa em chồng lại nghiện ngập, không nghề nghiệp, bản thân chị phải nuôi ba đứa con thơ. Nhưng suốt 10 năm, chị đã tất bật kiếm sống, làm trụ cột cho gia đình chồng.

5 giờ sáng chị thức dậy chuẩn bị cho gian hàng hủ tiếu cùng bán với bốn người chị chồng. 6 giờ chạy về nhà đưa hai đứa con đi học rồi quay lại quán hủ tiếu, bận luôn tay với thực khách. Chờ quán vơi khách chị quay về nhà hầm nồi xương chuẩn bị cho ngày mai tiếp tục bán hàng. Sau 11 giờ, chị lại tất bật chạy đi đón con rồi trở về nhà giặt đồng phục để ngày mai còn kịp khô cho các con đến trường. Đầu giờ chiều chị chạy dọc các khu phố, ôm mớ áo quần bán tới tối mịt. Phút thảnh thơi chỉ có thể từ sau 10 giờ tối.

Chữ hiếu thời nay - Bài 4: …Gánh cả “giang san” nhà chồng ảnh 1

Chị Lan và mẹ chồng. Ảnh: HÀN GIANG

Tận dụng những lúc rảnh vào buổi tối chị học cách pha chế nước rửa chén bán cho các mối tại chợ An Đông. Những ngày trái gió trở trời, mẹ chồng trở bệnh, chị lại chạy vạy thuốc thang, đưa mẹ nhập viện chữa trị.

Động lực: Lời trăng trối của chồng

Nhiều lúc khó khăn tưởng chừng sẽ gục ngã chị lại nhớ lời chồng: “Em hãy gắng sống thay anh phụng dưỡng ba mẹ, lo cho hai em và ba con nên người”.

Chỉ vào tấm giấy khen của UBND quận 5 tuyên dương em chồng tên Trương Chấn Biêu (là thanh niên tiến bộ năm 2006), chị rạng rỡ khoe: “Chú Biêu đó, giờ chú ấy giỏi lắm rồi. Chú ấy ngoan ngoãn, tiến bộ, chu đáo và là công dân tốt rồi, tôi vui lắm”.

Ngày chồng chị vừa mất, Biêu nghiện ngập. Thương em, chị khuyên gia đình đưa em tới trung tâm cai nghiện. Sau khi em chồng cai nghiện trở về, những ngày đầu chị luôn ở bên cạnh động viên, an ủi và vay mượn mua cho em một chiếc xe để chạy xe ôm gần nhà cũng là để tiện đường theo dõi, giám sát vì sợ em lại tái nghiện ngập.

“Ngày chú Biêu nghiện ngập phải đi cai, cô vợ không chấp nhận nên đòi ly dị. Tôi phải tâm sự, khuyên nhủ mãi cô em dâu mới chịu quay lại. Giờ đây nhìn cô chú hạnh phúc, chăm chỉ làm ăn tôi vui lắm” - chị cười trong nước mắt.

Ngày đó Kim Phụng (con gái đầu của chị) còn bé, sau buổi đi làm về chị nghe con tỉ tê: “Mẹ biết không, tất cả cuốn tập của cả lớp cô giáo treo trên giá nhưng con nhìn là nhận ra ngay cuốn tập của mình liền!”. Hỏi ra mới biết tập của các bạn trong lớp Phụng trắng phau, còn của con mình bị nhuốm vàng do căn phòng quá chật, khói bếp ám vào làm hoen ố. Chị nghe con kể mà trào nước mắt.

Cô con gái đầu giờ đã là sinh viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cậu con trai kế học lớp 12 và bé út lớp 8. Gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn trút lên vai chị. Thu nhập từ việc bán hàng hủ tiếu chừng 200.000 đồng/ngày. Chừng đó số tiền cho chi phí ăn uống, sinh hoạt của 12 con người.

Chị kể: “Có ngày mưa tầm tã, hàng ế ẩm, vừa bước chân vào nhà ba đứa con chìa ba cuốn sổ liên lạc báo nộp học phí, nhìn mà muốn ngã quỵ”. Nhưng rồi mỗi lúc như vậy hình ảnh và lời trăng trối của chồng lại hiển hiện giúp chị vượt qua.

Mẹ chồng chị tấm tắc khen ngợi sự đảm đang và hiếu thuận của chị.

Nhìn người dâu thảo đang vội vã đong nước rửa chén vào can đi giao cho khách, cụ nói: “Lại chạy đấy, cái chân chạy mà, tội nghiệp!”.

Phải nuôi cả nhà, vẫn học giỏi

14 giờ 30, chuyến xe buýt từ thành phố mới về đến bến Củ Chi, Linh vội vã bước xuống, mồ hôi nhễ nhại. Chưa kịp ăn uống, cô đã vội vào BV Củ Chi nơi bà ngoại đang nằm điều trị và mẹ đang chạy thận do bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối.

Ba mất sớm, năm Linh học lớp 9 thì mẹ bệnh. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai cô bé 15 tuổi. Chỉ có một mình nhưng Linh vun vén mọi việc đâu vào đấy, tranh thủ thời gian rỗi hai chị em làm hoa bằng vải để bán. Trong chuồng nhà em lúc nào cũng có một đàn heo hơn chục con. Linh nói: “Những lúc heo bệnh, em mất ăn, mất ngủ, nhìn đàn heo mà lo lắng phát khóc. Heo không kịp lớn, lấy tiền đâu mà chạy thận cho mẹ được”. Vừa đi học cô vừa làm gia sư, cùng em gái làm hoa vải, nuôi heo, gà. Trường trên Thủ Đức, nhà ở Củ Chi, Linh phải đi bốn tuyến xe buýt, mất hơn 3 giờ mới tới nơi. Về tới nhà, lo cơm nước, giặt giũ cho mẹ xong em lại tất bật chạy ngay vào bệnh viện với bà ngoại.

Chữ hiếu thời nay - Bài 4: …Gánh cả “giang san” nhà chồng ảnh 2

Linh cần mẫn chăm sóc cho mẹ suốt nhiều năm nay. Ảnh: HÀN GIANG

Dù vậy cô vẫn học giỏi. Trần Thị Hồng Linh là sinh viên năm thứ ba khoa Ngữ văn Anh Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Sức khỏe mẹ em ngày càng giảm sút, mình mẩy đau đớn, tay chân nhức mỏi. Thương mẹ, Linh đăng ký một lớp học bấm huyệt ở Trung tâm Y tế quận Phú Nhuận để chăm sóc mẹ. Chứng đau nhức của mẹ nhờ vậy cũng thuyên giảm nhiều.

Mang trong mình căn bệnh tiểu đường nhưng em chưa thể lo cho bản thân lúc này. “Khi biết mình bị bệnh em suy sụp dữ lắm nhưng nhìn thấy mẹ đầy nghị lực để vượt qua bệnh tật nên em càng cố gắng hơn”. Có những lúc hai chị em đi học cả ngày, không ai đưa mẹ đi chạy thận, em phải xin bác sĩ chạy vào ban đêm: “Nhiều hôm máy móc trục trặc, mệt quá em để mẹ nằm trong phòng, chạy ra ngoài hành lang nằm chờ, rồi ngủ quên lúc nào không hay”. Linh nói: “Em chỉ mong sau khi tốt nghiệp, kiếm được việc làm với tiền lương khá, em sẽ chăm sóc mẹ thật tốt. Tại đời mẹ đã khổ nhiều rồi”.

Ngày 20-10, báo Pháp Luật TP.HCMcó đăng bài “Những phụ nữ quên mình vì chữ hiếu”. Trong đó có kể về gương hiếu thảo vượt lên chính mình để chăm lo cho gia đình của em Linh. Sau khi báo đăng, một bạn đọc là doanh nhân ở quận Bình Thạnh đã đến thăm gia đình em Linh, tặng em 5 triệu đồng, nhận hai chị em của Linh làm con nuôi và hứa tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ hai em trong quá trình học tập.

GIANG HÒA - HUY THU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm