Chỉ khi dân kiện mới rõ đúng, sai!

Khi tuyên buộc Chi cục Thuế quận 10 (TP.HCM) phải trả lại cho phía nguyên đơn 200 triệu đồng là số tiền thuế TNCN mà họ bị buộc nộp khi bán một căn nhà vào tháng 2-2013 theo sự ủy quyền của ba đồng sở hữu chủ, tòa này đã đưa ra nhiều căn cứ thuyết phục.

Cụ thể, Chi cục Thuế quận chỉ được thu thuế từ việc bán nhà của các chủ sở hữu nhà. Còn việc thu thêm 200 triệu đồng của hai người được ủy quyền bán nhà là vi phạm quy định của pháp luật. Chi tiết hơn, hợp đồng ủy quyền của các chủ nhà cho phía nguyên đơn là hợp pháp, không có căn cứ để xác định đó là hợp đồng mua bán nhà trá hình như lập luận của Chi cục Thuế quận...

Theo Công văn số 1133 ngày 5-4-2011 của Tổng cục Thuế thì “việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà ủy quyền cho cá nhân khác không thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định được toàn quyền thực hiện việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt bất động sản (BĐS) của mình…, đồng thời bên được ủy quyền không nhận thù lao thì thực chất đây là hoạt động mua, bán BĐS. Do đó người ủy quyền phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế TNCN”. Chỉ đạo này hoàn toàn sai luật. Bởi về pháp lý ủy quyền không đồng nhất với mua bán, không phải là chủ quyền sở hữu. Tai hại hơn, từ chỉ đạo này mà nhiều địa phương đã yêu cầu người bán nhà theo ủy quyền phải nộp hai khoản thuế: 1. Khoản thuế dành cho chủ sở hữu khi bán nhà; 2. Khoản thuế dành cho người được chủ sở hữu ủy quyền bán nhà.

Nếu khoản 1 hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Thuế TNCN (khi có phát sinh việc mua bán) thì khoản 2 vừa trái luật này (không có căn cứ cho rằng tiền bán nhà là thu nhập của người được ủy quyền), vừa trái với Bộ luật Dân sự (không thể suy đoán có việc né thuế để đồng nhất hợp đồng ủy quyền với hợp đồng mua bán). Chính vì lý do này mà nhiều người sau khi miễn cưỡng nộp thuế để được giải quyết hồ sơ bán nhà đã chọn sự “vô phúc” là “đáo tụng đình” để đòi cơ quan thuế hoàn lại khoản 2. Và đáng lưu ý là hầu như đã khởi kiện là dân đều… thắng tựa như vụ kiện ở quận 10!

Cứ ngỡ từ các phản ứng gay gắt của dư luận và từ các vụ cơ quan thuế liên tiếp thua kiện thì Tổng cục Thuế ắt có sự điều chỉnh quy định cho phải lẽ hơn nhưng không. Thay vì tồn tại trong công văn của Tổng cục Thuế (mà nhiều tòa án đều cho rằng đó không phải là văn bản quy phạm pháp luật), giờ việc thu thuế “ủy quyền BĐS” đã được “chính danh” trong Nghị định 65/2013 của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNCN sửa đổi, bổ sung năm 2012). Theo nghị định này, thu nhập từ việc ủy quyền quản lý BĐS mà người được ủy quyền có quyền chuyển nhượng BĐS hoặc có quyền như người sở hữu BĐS theo quy định của pháp luật thì phải đóng thuế. Nghị định này tiếp tục chứa đựng một khái niệm nhập nhằng là thu nhập từ việc ủy quyền quản lý BĐS. Trên cơ sở đó, trong một văn bản trả lời thắc mắc của Cục Thuế tỉnh Bình Thuận vào tháng 11-2013, Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo thu cả khoản thuế thứ hai nêu trên.

Tại thời điểm này, báo chí chưa ghi nhận được việc khởi kiện cách thu “thuế chồng thuế” từ việc ủy quyền cho người khác bán nhà theo quy định của Nghị định 65/2013. Chưa rõ nếu có thụ lý thì các tòa xử như thế nào nhưng chắc rằng khi đó việc tận thu bất hợp lý của các cơ quan thuế sẽ lại được “xới” lên để đúng, sai được truy đến tận cùng.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm