Chấp hành viên sai, VKS phải kháng nghị

Theo báo cáo, TP.HCM là địa phương có số lượng bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật phải tổ chức thi hành chiếm tỉ lệ cao so với cả nước. Trung bình hằng năm ngành THA dân sự TP thụ lý trên 50.000 vụ việc với số tiền THA lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

Thời gian qua, công tác kiến nghị, kháng nghị của VKS hai cấp đã khắc phục phần lớn hạn chế, vi phạm trong quá trình tổ chức THA. Theo thống kê, trong hai năm 2012 và 2013, VKS hai cấp đã ban hành 149 kiến nghị (140/149 kiến nghị được chấp nhận toàn bộ), 16 kháng nghị (14/16 kháng nghị được chấp nhận toàn bộ).

Theo VKS TP, công tác kiến nghị, kháng nghị gặp thuận lợi là do Luật THA dân sự và các văn bản hướng dẫn đã quy định về trình tự, thủ tục ngày càng cụ thể, chặt chẽ. Tuy nhiên, luật vẫn còn điểm cần được sửa đổi, bổ sung là thời hạn kháng nghị của VKS quá ngắn, không đảm bảo thời gian để VKS thực hiện quyền kháng nghị (VKS cùng cấp là 15 ngày, VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện vi phạm). Mặt khác, cần quy định chế tài cụ thể đối với cán bộ, chấp hành viên để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động THA mà VKS đã kiến nghị, kháng nghị...

Bên cạnh đó, VKS TP cũng kiến nghị VKSND Tối cao thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để kịp thời giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Vụ trưởng Vụ Kiểm sát THA dân sự VKSND Tối cao) lưu ý: “Số vụ được VKS hai cấp ở TP kiến nghị, kháng nghị còn thấp. Nếu chấp hành viên sai thì VKS cứ kháng nghị, tránh tình trạng nể nang nhau mà bỏ qua. Nếu không kịp thời phát hiện ra sai sót để kháng nghị thì sau này khắc phục rất khó”.

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm