Chăm chút từng sản phẩm truyền thống

Đó là những thương hiệu đặc sản các vùng miền đã có mặt ở nhiều kênh phân phối hiện đại, thậm chí xuất khẩu đi nhiều nước.

Chăm chút từng sản phẩm truyền thống ảnh 1

Chăm chút từng viên kẹo dừa ở cơ sở sản xuất thủ công Anh Quí - Ảnh: H.T.Vân

Nếu ai đã từng dừng chân trước gian hàng bánh kẹo ở siêu thị bán buôn Metro Bình Phú (TP.HCM) hay bất kỳ trung tâm nào khác của Metro, đều phải choáng ngợp trước sự phong phú của số lượng bánh kẹo nhập khẩu. Nhưng thật thú vị và bất ngờ, chen chân với hàng trăm thương hiệu bánh kẹo ngoại kia có hai thương hiệu Việt là kẹo dừa Anh Quí và Xuân Thanh. Nếu như Xuân Thanh mang vóc dáng hiện đại, chẳng thua kém bao bì các hãng kẹo sôcôla đến từ châu Âu thì Anh Quí kiên định với phong cách truyền thống, nhìn vào có thể biết đó là sản phẩm thủ công mang đậm tính địa phương. Càng bất ngờ khi Xuân Thanh xuất hiện không chỉ một, hai loại kẹo mà chiếm cả một quầy rộng, bao bì trang nhã, bắt mắt. Còn Anh Quí không chỉ có kẹo dừa truyền thống mà đến 70 loại kẹo, mứt và có mặt tại Metro ngay từ những ngày đầu siêu thị bán sỉ này vào VN.

Nên chuyện nhờ con đường riêng

Bà Cao Thị Anh Quí, chủ cơ sở kẹo mứt Anh Quí (Mỹ Tho), nói như vậy khi kể câu chuyện làm kẹo dừa, mứt trái cây như thế nào. “Mình chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ, lại làm thủ công, nếu không kỹ càng 100% trong khâu vệ sinh, không chăm chút từng ly trong khâu đóng gói, bao bì thì dễ gì đứng được trong siêu thị” - bà Quí chia sẻ. Để có được viên kẹo dừa ngọt thanh lọt vào mắt xanh của những nhân viên thu mua Metro, bà Quí phải đích thân lựa chọn trái cây tươi về làm hương liệu cho kẹo. Lá dứa mua ở Vĩnh Kim, sầu riêng ở Cái Mơn, sơri và mãng cầu Gò Công, cóc Cần Thơ, dừa Bến Tre... Theo bà Quí, để đi đến thành công hàng làm không kịp bán như hiện giờ đã bao lần phải nếm mùi thất bại vì lô hàng sau không bằng lô hàng trước bị nhà nhập khẩu trả lại. Bài học bà rút ra là: vì là sản phẩm truyền thống, mang tính đặc sản địa phương nên cách đóng gói, bao bì không thể giống các loại kẹo, bánh sản xuất công nghiệp.

Tương tự như vậy, để danh tiếng trái bưởi da xanh Thanh Thủy ngày càng lan xa, vợ chồng chủ thương hiệu này đã phải chăm sóc, cải tạo, sáng tạo các cách chăm sóc của riêng mình, cách chăm sóc xuất phát từ thực tế, nhỏ nhặt đến từng chi tiết mà ngay cả những nhà khoa học chuyên ngành trồng trọt còn chưa nghĩ ra.

Không có tiền quảng bá rầm rộ, bà chủ Nguyễn Thanh Thủy một mình đi tiếp thị cho trái bưởi da xanh. Năm 2007, trong một hội thảo nông nghiệp, đại diện của Metro chú ý đến một nông dân chăm chú nghe thuyết trình về quy cách và yêu cầu hàng nông sản vào hệ thống phân phối này. Đến cuối buổi, đại diện của Metro đã chủ động làm quen với bà Thủy, cuộc gặp khởi đầu cho sự kết duyên giữa Metro với bưởi da xanh Thanh Thủy. Nhân viên Metro đã đến tận trang trại của bà để tham quan và đánh giá chất lượng. Sản phẩm chất lượng và quy trình sản xuất đã thuyết phục được họ. Không phải trang trại nào cũng có thể cung cấp 6-7 tấn bưởi/tuần cho Metro.

Ước mơ mang tên toàn cầu

Hiện nay trái bưởi da xanh Thanh Thủy đã có mặt trong gian hàng trái cây của các siêu thị và cửa hàng chuyên cung cấp trái cây như Lotte, Wellcome, Vgfood... “Có tới 70% bưởi da xanh Thanh Thủy được tiêu thụ ở hệ thống siêu thị và cửa hàng chuyên dụng, chỉ 30% còn lại là bán lẻ”. Trong số 30% còn lại đó, nhiều khách hàng đã mua số lượng lớn để xuất khẩu. Mục tiêu được Thanh Thủy xác định phải thực hiện trong năm 2010 là xây dựng một nhà kho bảo quản hiện đại ngay trong vườn.

Không hẹn mà gặp, mơ ước của hai nữ doanh nhân đến từ Mỹ Tho và Trà Vinh đều giống nhau. Bà Thủy mong tìm đến một thị trường lớn hơn, nhưng trước hết là phải chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cùng khâu tiếp thị quảng bá. Bà Quí thì mơ một ngày nào đó sẽ tìm được nhà cung cấp máy đóng gói và cắt kẹo phù hợp sản phẩm của mình. “Không phải tôi không biết đến công nghệ. Cũng có nhiều người đến tư vấn, giới thiệu máy móc nhưng chưa phù hợp. Hàng chúng tôi làm ra tới đâu bán hết tới đó. Nhiều khách hàng tận Hà Nội biết chúng tôi gọi điện thoại đặt hàng, khách Đài Loan cũng tìm đến hỏi nhưng chúng tôi chưa dám nhận vì sợ làm không nổi. Làm hàng thực phẩm thủ công nên quan trọng là phải trong tầm kiểm soát của mình” - bà Quí tâm sự.

Qua mấy cuộc bán hàng về nông thôn, bà Kim Hạnh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp - trầm tư: “Mỗi lần đi là mỗi lần phát hiện sản vật mới từ bà con mình. Đặc sản nào cũng mang một giá trị không nhỏ nhưng họ chỉ loay hoay bán ở xung quanh nơi mình sống. Chỉ cần hướng dẫn thêm cho họ chút ít kiến thức về bán hàng, tiếp thị và kết nối với những doanh nghiệp lớn hoặc kênh phân phối trên thành thị, tôi tin họ sẽ làm nên những thương hiệu truyền thống đặc sắc”.

Theo Lê Nguyên Minh - Trần Mạnh (Tuổi trẻ Xuân)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm