Cảnh sát dẫn đoàn - Bài 3: Nặng nợ với nghề

Đại úy Nguyễn Văn Thúy - đội phó còn nhớ vụ sập hai nhịp dẫn cầu Cần Thơ năm 2007, cả đội phải lần lượt dẫn đoàn Chủ tịch nước, Thủ tướng, bộ trưởng GTVT từ TP.HCM xuống hiện trường ngay trong đêm. “Đường đi lúc ấy còn khó khăn, chưa có đường cao tốc mà lại bị mưa nữa” - Đại úy Thúy kể.

Xe: Không được phép hỏng hóc

Những trục trặc trong khi dẫn đoàn hiếm khi xảy ra vì xe dẫn đoàn phải được bảo trì, sửa chữa hằng ngày, nếu có trục trặc khi đang dẫn đoàn sẽ bị kỷ luật nặng. Trong suốt lộ trình, nơi đoàn đi qua đã được CSGT tại các chốt phối hợp dẹp đường, an ninh cho đoàn đã có cơ quan an ninh chuẩn bị. Tuy nhiên, vẫn có thể có sự cố khiến lộ trình bị thay đổi.

Trung tá Nguyễn Văn Hải, đội trưởng, tâm sự: “Làm dẫn đoàn nhìn có vẻ oách vậy chứ cực nhọc lắm. Những dịp lễ, hội là anh em mệt nhừ!”. Các dịp tết Nguyên đán, TP thường tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa. Trước đó, đội phải đi lấy pháo tại quận 9 rồi chia làm nhiều tốp đưa pháo đi bảy điểm bắn, xong lại tiếp tục tuần tra bảo đảm an toàn cho người dân chơi xuân.

Đỉnh điểm vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 tại TP.HCM liên tục đón các đoàn khách quốc tế: Đại hội Thể thao trong nhà châu Á với 45 nước tham dự, Hội nghị Chánh án các nước châu Á-Thái Bình Dương gồm 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hội nghị Nữ Phật giáo thế giới với gần 2.600 đại biểu của 37 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những lần ấy, CSGT toàn TP được huy động cùng với đội, xoay tua liên tục để dẫn các đoàn khách tham dự hội nghị xong rồi đi tham quan... Nhiều đoàn khách các nước cảm ơn các chiến sĩ bằng tiếng Anh kèm theo bàn tay giơ ngón tay cái “number one”.

Cảnh sát dẫn đoàn - Bài 3: Nặng nợ với nghề ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, chiến sĩ CSGT dẫn đoàn (Trung tá Phạm Văn Tho, bên phải Chủ tịch nước và Đại úy Lưu Văn Công, bên trái Chủ tịch). (Ảnh do Trung tá Phạm Văn Tho cung cấp)

Học được văn hóa ứng xử

Qua những đợt công tác như vậy, gần 100 lính trẻ mới vào nghề đã có dịp “thử lửa” với áp lực công việc. Họ được các “lính già” tận tình chỉ dẫn cho không chỉ kỹ thuật lái xe, kinh nghiệm dẫn đoàn mà cả văn hóa ứng xử.

“Lính già” là những người đã nghỉ hưu, đã chuyển đơn vị khác theo quy định luân chuyển cán bộ và cả những người còn ở lại đội. Mọi người đùa vui gọi họ “người dẫn đoàn cho ba thế hệ tổng thống Mỹ”: Bush “cha” (đến TP.HCM năm 1995), Bill Clinton (năm 2000) và Bush “con” (năm 2006). Họ làm công tác dẫn đoàn đã gần 20 năm trở lên như nguyên Đội trưởng Trương Văn Thuyết, Đội trưởng Nguyễn Văn Hải, Đại úy Nguyễn Văn Tiềm, Đại úy Nguyễn Văn Cường (mới nghỉ hưu).

Trung tá Hải cho rằng điều thú vị khi làm công tác dẫn đoàn là gặp được các nguyên thủ, các nhân vật đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Như thế mình có cơ hội biết thêm về văn hóa của họ để ứng xử phù hợp và chỉ dẫn lại kinh nghiệm đó cho lính trẻ.

Chẳng hạn như khi đón các đoàn dự Hội nghị Chánh án các nước châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị Nữ Phật giáo thế giới, cùng lúc có nhiều đoàn thì phải bố trí dẫn từng đoàn cách nhau khoảng 15 phút để đến khách sạn không phải chen nhau vào cửa. Hoặc một lần khác, đội dẫn một đoàn khách Thụy Điển làm việc với UBND TP. Đoàn khách này ở tại khách sạn REX kế bên trụ sở UBND TP nhưng về nghi thức ngoại giao vẫn phải dẫn. Tuy nhiên, khi xe cả đoàn bắt đầu lăn bánh thì chỉ huy đoàn nhận được thông báo do đột xuất nên phải 20 phút sau chủ tịch UBND TP mới có thể làm việc với đoàn khách. Thế là chỉ huy đoàn phải dẫn khách đi tham quan qua tuyến Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn… rồi mới về lại UBND vừa kịp lúc chủ tịch ra nghênh đón. Khi đến trụ sở UBND thì đoàn khách mới ngạc nhiên là trụ sở cách khách sạn chỉ… mấy bước chân.

Ngoài ra, việc để ý phong cách, sở thích của từng nhân vật sẽ giúp cho cán bộ dẫn đoàn lên kế hoạch dự phòng, tránh bất ngờ. Chẳng hạn, thủ tướng Campuchia những lần qua TP.HCM thường đi đánh golf, bà Hillary Clinton quan tâm đến bình đẳng phụ nữ và giáo dục, hoàng tử và công chúa Thái Lan thích đi chùa, trại dưỡng lão, một số khách khác thích đến tham quan di tích lịch sử chiến tranh hoặc mua sắm…

“Người sửa xe không công”

Theo quy định của ngành về luân chuyển cán bộ, nhiều cán bộ có thâm niên, kinh nghiệm công tác tại đội được chuyển đi nơi khác. Nhiều chiến sĩ đã xin ở lại khi biết mình sẽ chuyển đi như Trung tá Phạm Văn Tho, Đại úy Nguyễn Văn Lên, Thượng úy Nguyễn Trọng Luật. Đặc biệt, Đại úy Nguyễn Văn Công đã không rời đội ngày nào ngay cả khi nghỉ hưu.

Cảnh sát dẫn đoàn - Bài 3: Nặng nợ với nghề ảnh 2

Đại úy Lưu Văn Công sửa chữa, bảo trì xe. Ảnh: ÁI NHÂN

Trước đây anh Công chơi chính cho đội bóng chuyền Công an TP, một đội thuộc hàng mạnh nhất nước. Từ năm 1993 anh về công tác tại đội cho đến năm 2010 thì nghỉ hưu. Thế nhưng hơn một năm nay anh vẫn đều đặn ngày nào cũng lên đội để bảo trì, sữa chữa cho hơn 70 chiếc môtô của đội. Anh Công có thể kể vanh vách “bệnh”, “tật” của từng chiếc: Từ chiếc môtô hiệu Honda 1.500 phân khối (lực lượng dẫn đoàn cả nước chỉ có hai chiếc), hai chiếc Yamaha 900 cc, 15 chiếc BMW 850 cc, hơn 40 chiếc Honda 750 cc và khoảng 10 chiếc Honda 250 cc.

Chỉ mấy chiếc môtô 250 cc, anh Công cho biết từ khi được trang bị những chiếc môtô 250 cc sơn màu trắng, đội trở thành nỗi ám ảnh của dân đua xe ở TP khi “bồ câu trắng” xuất hiện. Anh Công mê môtô, khi về đội anh tự mày mò, học để tự bảo trì, sửa xe cho đội. Chỉ những khi xe bị hư máy quá nặng mới mời thợ chuyên nghiệp về, anh Công phụ vào sửa.

“Chiếc 1.500 cc kia được trang bị cho đội từ năm 1995, chuyên đi ở vị trí mở đường 1. Ai được giao chuyên lái chiếc đó là rất tự hào” - mắt anh Công lấp lánh niềm vui. Anh nói từ năm 1995 đến nay chiếc xe ấy đã chuyển qua năm người chuyên lái. Đầu tiên là Đại úy Tiềm, đến anh Công, anh Tho, anh Thúy và bây giờ là Thượng sĩ Nguyễn Thanh Trà.

Hằng ngày, anh Công đều lên đội để bảo trì, xem chiếc xe nào đề không còn “ngọt”, đã đến lúc thay nhớt, châm bình. Anh Công cũng là người có các sáng kiến tiết kiệm được cho đội số tiền đáng kể để bảo trì xe. Xe nhập nguyên chiếc, bộ lọc khí có miếng lọc bằng giấy carton gặp mưa, bụi, thời tiết Việt Nam nên vài tháng là hư. Nếu thay mới miếng lọc có giá khoảng 200.000 đồng nhưng cũng không bền. Anh Công tham khảo một số môtô và về thay miếng lọc bằng mút xốp rất bền, rẻ, nếu bám nhiều bụi đem ra giặt là xong. Hầu hết xe của đội đã sử dụng từ 15 năm trở lên nên nắp thùng hai bên hông xe nguyên bộ bằng nhựa dễ bị giòn, vỡ khi ngã, va chạm. Nếu thay mới khoảng 2 triệu đồng nhưng đặt cơ sở ở ngoài làm bằng thiếc chỉ tốn 200.000 đồng vừa bền, đẹp. Anh còn mày mò tìm kiếm được bố thắng do Thái Lan sản xuất phù hợp cho xe môtô của đội chỉ vài trăm ngàn đồng.

Trung tá Nguyễn Văn Hải cho biết mặc dù anh Công làm việc cho đội không có chế độ gì nhưng vào những ngày có kế hoạch dẫn đoàn sáng sớm thì tối hôm trước anh đã lên đội kiểm tra thật kỹ các xe lần nữa.

Vợ anh thấy anh làm cực đôi lần khuyên anh nghỉ ngơi nhưng chị hiểu anh “nặng lòng” với xe nên cũng vui vẻ. Bù lại “tôi phụ trách lo đưa đón con trai đi học, đi thi đấu bóng chuyền” - anh Công kể về cậu con trai duy nhất (16 tuổi) của mình đang thi đấu bóng chuyền cho đội trẻ chuyên nghiệp của TP.

Đang nói chuyện dưới hầm để xe của đội, anh Công phải chạy ra vì một chiến sĩ trẻ nhờ xem xe không nổ máy được. Hóa ra anh lính kia quên bật công tắc phụ. Anh cho biết kể cả chiến sĩ các đội khác khi xe gặp sự cố trên đường cũng gọi cho anh nhờ tư vấn sửa chữa qua điện thoại. “Đội đã là nhà của tôi rồi, mình hiểu rõ từng chiếc xe thì bảo trì, chăm sóc xe cũng tốt hơn mà lại tiết kiệm được cho đội”- anh kéo tay áo, quệt mồ hôi lấm tấm trên trán.

ÁI NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm