Cần cơ chế thuận lợi phát triển nghề luật sư

Ngày 13-10, góp ý cho dự thảo Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, các thành viên Hội đồng khoa học Bộ Tư pháp cho rằng nhiều mục tiêu được nêu trong dự thảo này rất duy ý chí và xa rời thực tế; các chỉ tiêu nêu ra mang nặng tính áp đặt, khó khả thi...

Dự thảo đưa ra khá nhiều chỉ tiêu như: Phấn đấu tăng tối thiểu gấp ba lần số luật sư trong 10 năm tới, từ khoảng 6.000 hiện nay lên 18.000-20.000 luật sư; đào tạo 150 luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế; tại mỗi địa phương khó khăn về kinh tế-xã hội phát triển được từ 30 đến 50 luật sư…

Nhiều mục tiêu xa vời

Nhóm soạn thảo giải thích: Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP đến năm 2020, chỉ số phát triển con người, tỉ lệ gia tăng số lượng doanh nghiệp… Tuy nhiên, những lập luận này chưa thuyết phục được các thành viên trong hội đồng khoa học Bộ Tư pháp.

Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp, chất vấn: Liệu con số 20.000 luật sư mà dự thảo đưa ra có phải tham khảo từ tỉ lệ luật sư trên số dân của Thái Lan hay không?

Cần cơ chế thuận lợi phát triển nghề luật sư ảnh 1

Các luật sư tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm thì nói việc số lượng luật sư  phát triển không đồng đều giữa các vùng miền là quy luật chung của tất cả các nước trên thế giới. Ở Việt Nam, có địa phương còn chưa thể thành lập được đoàn luật sư (Lai Châu) do không đủ số lượng ba luật sư theo quy định thì con số 30-50 luật sư cho vùng khó khăn khó mà khả thi.

Trong khi đó, nhóm soạn thảo lại coi đây là một trong những mục tiêu lớn cần phải đạt được (song song với việc thành lập đoàn luật sư khu vực) “nhằm khắc phục sự thiếu hụt số lượng luật sư tại các tỉnh này, đảm bảo các vụ án được xét xử kịp thời, đúng quy định của pháp luật”...

Dự thảo chiến lược cũng đưa ra mục tiêu phát triển các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng chuyên môn hóa theo lĩnh vực pháp luật. Trong đó, chú trọng phát triển một số tổ chức hành nghề luật sư có quy mô lớn từ 50 đến 100 luật sư và từ 100 luật sư trở lên, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Cạnh đó là việc “nội địa hóa một số tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam, tạo nền tảng để hình thành một số tập đoàn công ty luật lớn của Việt Nam”.

Các thành viên trong hội đồng khoa học đã đề nghị phải cân nhắc thêm mục tiêu nói trên.

Tạo điều kiện cho luật sư

“Đọc dự thảo này, tôi có cảm nhận chúng ta đang ôm lấy phần việc chúng ta không cần thiết phải làm” - PGS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, nhận xét.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng đồng tình: Xây dựng chiến lược là nhằm tạo cơ chế và môi trường cho nghề luật sư phát triển chứ không phải vấn đề nhà nước áp đặt phải phát triển được bao nhiêu luật sư, bao nhiêu tổ chức hành nghề luật sư.

Ông Liên kể một câu chuyện: “Có người từng nói với tôi luật sư muốn sống được bằng nghề thì không chỉ có cãi. Ông thắng lợi nhất là ông vừa chạy vừa cãi”. Không bình luận về câu nói này nhưng ông Liên thừa nhận hiện nay việc thực thi pháp luật ở ta vẫn còn nhiều méo mó.

Từ đó, theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, muốn nghề luật sư phát triển thì cần phải làm ba việc cụ thể: Tác động vào cơ chế thực thi pháp luật, làm thay đổi nhận thức của xã hội về nghề này và nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của đội ngũ luật sư.

Ngày 18-1, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến 2020” với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu luật pháp và tập quán thương mại quốc tế, thông thạo tiếng Anh, thành thạo về kỹ năng hành nghề luật sư quốc tế... Giữa năm nay, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Tư pháp là lùi thời gian trình dự thảo Chiến lược phát triển nghề luật sư sang tháng 12-2010.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến cuối năm 2009, cả nước có 62 đoàn luật sư cấp tỉnh với gần 6.000 luật sư, hoạt động trong gần 1.500 tổ chức hành nghề luật sư. Cả nước có 37 chi nhánh và 17 công ty luật nước ngoài với 137 luật sư đăng ký hoạt động.

Theo đánh giá, tỉ lệ luật sư trên số dân ở nước ta còn thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới: Tỉ lệ số luật sư trên dân số ở Việt Nam là một luật sư/hơn 17.000 người dân, trong khi ở Thái Lan là 1/1.526, Singapore là 1/1.000, Nhật là 1/4.546, Pháp là 1/1.000 và ở Mỹ là 1/250. Mặt khác, số lượng luật sư ở nước ta phát triển quá chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, trung du, hạn chế khả năng cung ứng dịch vụ pháp lý đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, số lượng luật sư đáp ứng đầy đủ tiêu chí của luật sư hội nhập kinh tế quốc tế còn rất hạn chế.

Hạn chế rào cản

Chiến lược phát triển nghề luật sư không nên kế hoạch hóa (tăng số luật sư lên gấp ba lần), không nên can thiệp vào thị trường (chuyển một số công ty luật nhỏ thành công ty lớn), không đưa ra những tiêu chí không rõ ràng (luật sư, tổ chức hành nghề luật sư đạt tiêu chuẩn quốc tế).

Cái gốc của chiến lược vẫn phải là vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Chiến lược cần quy định được việc hoàn thiện môi trường pháp luật kinh doanh, rà soát các văn bản hiện hành nhằm hạn chế các rào cản, tạo sự thuận lợi cho hoạt động của nghề luật sư được phát triển minh bạch. Việc làm trên tương tự việc ươm mầm, đất có tốt thì hạt giống mới nảy mầm được. Các cơ quan nhà nước phải coi đội ngũ luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý của mình.

LS TRẦN HỮU HUỲNH, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thay đổi nhận thức

Chỉ cần thực hiện hết các quy định của pháp luật hiện hành là đã vô cùng thuận lợi cho luật sư hành nghề. Vấn đề cốt lõi là phải thay đổi nhận thức, tư tưởng của cán bộ, công chức nhà nước. Ví dụ, một bản án mà hội đồng xét xử không phản bác được quan điểm của luật sư thì phải coi đó là bản án không có hiệu lực pháp luật.

LS NGUYỄN HUY THIỆP,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm