VÀM NAO - KÝ ỨC MỘT CON SÔNG - BÀI 2

Cá quý đi vào huyền thoại

Do những biến động từ thượng nguồn sông Mê Kông, nguồn nước sông Vàm Nao ngày càng thấp. Bên cạnh đó, việc canh tác lúa nhiều vụ, sự đánh bắt tận diệt của con người khiến vùng thức ăn và sinh trưởng của nhiều loài cá bị bó hẹp, các loài cá lớn, quý hiếm ở Vàm Nao dần đi vào huyền thoại.

Cạn kiệt nguồn cá

Ông Phạm Văn Tẻo làm nghề thả lưới ở sông Vàm Nao trên 20 năm kể: Ngày nay, bông lau ngày càng hiếm nên ngư dân tăng cường thả nhiều loại lưới, đánh bắt quanh năm. Bây giờ mùa nào cũng thả lưới kiếm cá bông lau bắt. Bởi lượng cá ngày càng ít mà dính bông lau nghịch vụ thì giá bán sẽ rất cao. Mấy chục năm làm nghề lưới cá bông lau cũng chỉ giúp tôi có đủ tiền xoay xở chi phí phân thuốc cho mấy công ruộng và cho ba đứa con đi học.

Cá quý đi vào huyền thoại ảnh 1

Thả lưới cá bông lau ở sông Vàm Nao. Ảnh: VĨNH SƠN

Một ngày theo xuồng của Nguyễn Văn Ngon Em (28 tuổi) ra sông Vàm Nao thả lưới cá bông lau, chúng tôi mới thấy hết sự vất vả của nghề lưới. Ngon Em đứng mũi, còn người cháu thì ngồi chính giữa xuồng, cùng nhau thả lưới. Cứ thế, họ thả hết tay lưới căng ngang sông. Thả lưới xong hai cậu cháu Ngon Em ngồi trên xuồng, trôi tự do, bập bềnh theo dòng nước. Lưới thả cũng trôi về hạ nguồn. Cho đến đầu cù lao Kiến An thì họ phăng lưới lên. Cả 500 thước lưới căng gần giáp mặt sông, với chiều dài đoạn sông thả hơn hai cây số nhưng chỉ dính toàn… rác.

Ông Nguyễn Văn Chăn (Phú Tân) kể: từ ngày ông thả lưới dính con cá hô trên 157 kg vào năm 1990 đến giờ tôi không dính thêm con nào nữa. Bây giờ cá hô ở đây rất hiếm, nhiều ngư dân chán nghề nên nghỉ hết.

Ông Trần Văn Thứ (Châu Phú) cũng đã giải nghệ giăng lưới cá hô hơn 12 năm nay, nói rằng cá hô giảm có nguyên nhân lớn nhất là quá nhiều ghe cào điện. Hiện nay, từ làng Hòa Hảo chạy dài xuống đuôi sông Vàm Nao có hàng chục ghe cào. Đánh bắt kiểu này thì cá hô lớn không bị điện giật chết cũng sợ mà bỏ đi.

Không riêng cá hô mà nhiều loài cá lớn khác như cá đuối, cá mập, cá ông ở Vàm Nao càng khan hiếm.

Cá quý đi vào huyền thoại ảnh 2

Vợ chồng ông Tám Chăn bên căn nhà nhỏ của mình. Ảnh: VĨNH SƠN

Ông Trần Anh Thư, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, cho biết mặc dù tỉnh đã cấm đánh bắt cá hô nhưng người dân vẫn bắt và lén bán cho các nhà hàng ở TP.HCM. Thời gian gần đây, loài cá này được xếp vào hàng đặc sản, có giá bán cả triệu đồng/kg.

Lên bờ vất vả

Đến với làng thả lưới cá hô, cá bông lau ở hai bến lưới lớn nhất tỉnh An Giang thuộc huyện Phú Tân và Chợ Mới bên dòng Vàm Nao, chúng tôi nghe dân vạn chài than rát ruột. Cá tự nhiên đánh bắt được ngày một ít, con cái dân làm lưới ngày càng đông nên đời sống gia đình họ thêm khốn khó.

Ông Chăn gần chục năm nay gác lưới. Nhà không đất ruộng, đời sống hết sức chật vật. “Hơn chục năm trước thằng con trai tôi kéo lưới dính “ông nược” nên sợ làm tiếp bị “bà thủy” bắt tội, cha con tôi đành gác lưới nghỉ làm. Hơn nữa, việc đánh bắt ngày càng suy giảm, do lượng cá thiên nhiên ngày một ít. Giờ thằng con trai bán nước giải khát, hai đứa con gái lên Bình Dương làm thuê. Vợ chồng tôi đã lớn tuổi nên ngồi nhà sống nhờ tiền trợ cấp của mấy con gửi về” - ông Chăn tâm sự.

Cùng cảnh ngộ có ông Sáu Duyên. Hơn chục năm giăng lưới cá hô, ông không cất nổi căn nhà khang trang. “Cứ dính con cá bán lấy tiền mua lá lợp lại nóc nhà. Quanh quẩn mãi tới khi cá hô hết thì gác lưới làm kỷ niệm, căn nhà vẫn cũ kỹ như thuở nào. Vào mùa đánh cá hô có đêm kiếm cũng cả bạc triệu nhưng rồi cả tháng sau đó chẳng lưới được con nào nên cuộc sống chẳng thay đổi”.

Cá quý đi vào huyền thoại ảnh 3

Ông Sáu Duyên trong căn nhà còn nghèo khó sau hơn chục năm làm nghề bắt cá hô. Ảnh: VĨNH SƠN

Cá quý đi vào huyền thoại ảnh 4

Cá sông Vàm Nao ngày nay còn rất ít, chỉ bắt được những loại cá như cá mè hôi, mè luối, duồng bay. Ảnh: VĨNH SƠN

Ông Huỳnh Việt Nam (72 tuổi, ở Phú Tân) than: “Tôi đã ngán nghề tận cổ rồi. Làm nghề phải thức cả ngày lẫn đêm nhưng buông ra nhìn lại cái nhà trống huơ, trống hoác. Những năm qua, tới mùa cá, chạy xuồng ra sông nghêu ngao thả, kéo chẳng thấy bóng dáng con cá nào, chỉ tốn công, tốn xăng dầu. Nhảy lên bờ thì túi cũng khô, không còn tiền mua chai trét xuồng”.

Ông Thư cho biết do các nước ở thượng nguồn sông Mê Kông xây đập thủy điện, khiến lượng nước đổ về An Giang, Đồng Tháp ngày càng ít, các loài thủy sản vùng này giảm đi rất nhiều. Bên cạnh đó, từ khoảng 1986 đến nay, An Giang và Đồng Tháp phát triển mạnh các mô hình canh tác lúa thần nông, làm đê bao chống lũ và sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó có khoảng 36% loài cá đồng bị giảm cả về số lượng lẫn chủng loài nhạy cảm với thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, việc đê bao đã chiếm mất môi trường di cư tìm nguồn thức ăn và lớn lên của các loài cá. Việc đánh bắt ráo riết và bằng xung điện của con người khiến các loài cá cũng giảm. Nhiều loài bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, bị suy thoái chức năng sinh sản, ảnh hưởng đến giống loài.

“Theo nghiên cứu gần đây của đoàn chuyên gia Nhật và của Ủy ban sông Mê Kông, các loài cá quý hiếm, nằm trong danh sách đỏ thế giới như cá heo nước ngọt (hay ông nược) và cá hô bị giảm đáng kể về số lượng. Khoảng 10 năm trở lại đây, cá hô trên sông Vàm Nao cạn kiệt. Cá heo nước ngọt thì không còn tìm thấy dấu tích của sự sống tại Vàm Nao. Hiện loài này còn khoảng 110 cá thể, đang sống ở vùng giáp ranh giữa Lào và Campuchia. Những loài cá quý hiếm này đang đi dần vào huyền thoại.”

Ông TRẦN ANH THƯ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và
Môi trường An Gia
ng

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm