TỪ PHẢN ÁNH CỦA BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

Bốn công dân được minh oan

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 21-11-2013 có bài viết “Giam cả trăm ngày rồi bảo hết nguy hiểm” phản ánh trường hợp của bà Đỗ Thị Hồng Liễu cùng ba người khác bị TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) kết án về tội đánh bạc. Sau khi TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm hủy án và công an điều tra lại không kết quả thì VKSND TP Mỹ Tho đã đình chỉ vụ án. Nhưng thay vì đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm thì VKS lại nêu lý do hành vi phạm tội của các bị can không còn nguy hiểm cho xã hội (khoản 1 Điều 25 BLHS) để né việc bồi thường. Bà Liễu khiếu nại quyết định đình chỉ yêu cầu các cơ quan tố tụng phải minh oan cho mình.

Chưa đủ 2 triệu đồng vẫn kết tội

Theo hồ sơ, ngày 16-8-2012, Công an phát hiện bà Liễu đang ghi số đề cho Phan Văn Phong, tang vật thu được gần 1,2 triệu đồng. Trong đó, công an xác định tiền của bà Liễu là 930.000 đồng, tiền của Văn Phong là 251.000 đồng. Điều tra mở rộng, công an triệu tập thêm ông Lê Thanh Phong và bà Nguyễn Thị Thu, sau đó khởi tố cả bốn người về tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 BLHS.

Cáo trạng của VKSND TP Mỹ Tho quy kết bà Liễu, bà Thu, ông Thanh Phong trực tiếp bán đề cho những người mua đề lẻ rồi giao lại cho Văn Phong để hưởng hoa hồng. Tháng 2-2013, TAND cùng cấp xử sơ thẩm, tuyên phạt bà Liễu 124 ngày tù và trả tự do ngay tại tòa do mức án bằng thời gian tạm giam (phạt bổ sung 3 triệu đồng). Bà Thu bị phạt 12 tháng tù treo (phạt bổ sung 3 triệu đồng), ông Văn Phong bị 18 tháng tù treo (phạt bổ sung 5 triệu đồng), ông Thanh Phong bị sáu tháng tù treo (phạt bổ sung 3 triệu đồng).

 
Ba trong bốn người vừa được minh oan. Từ trái sang: Bà Thu, ông Văn Phong và bà Liễu. Ảnh: T.TÙNG

Bà Liễu kháng cáo cho rằng mình bị oan vì số tiền đánh bạc chưa đủ để xử lý hình sự.

Tháng 7-2013, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại vì số tiền thu giữ khi bắt quả tang chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự (tối thiểu là 2 triệu đồng).

Sau ba tháng điều tra lại không kết quả, ngày 30-10-2013, VKSND TP Mỹ Tho đã ra các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với bốn người nói trên theo khoản 1 Điều 25 BLHS (miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa). Quyết định ghi các bị can có hành vi phạm tội nhưng số tiền đánh bạc không lớn, tính sát phạt không cao.

Từ không nguy hiểm thành không phạm tội

Ngày 21-11-2013, Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích cơ sở ra quyết định đình chỉ vụ án của VKS là không đúng. Bởi ngay từ đầu, nếu xác định hành vi ít nguy hiểm cho xã hội, số tiền không đủ định lượng để xử lý hình sự thì phải xử lý hành chính. Đằng này cơ quan tố tụng lại khởi tố, bắt giam và kết án các bị cáo, sau đó đình chỉ với lý do “chuyển biến tình hình” là không đúng. Trường hợp này cơ quan tố tụng phải thừa nhận việc xử lý hình sự các bị cáo trước đây là oan.

Sau khi báo đăng, viện trưởng VKSND TP Mỹ Tho đã ký quyết định hủy bỏ các quyết định đình chỉ vụ án và đình chỉ bị can trước đây vì xét thấy không có căn cứ. Cùng ngày, viện này đã ban hành quyết định đình chỉ vụ án mới với lý do hành vi của bốn người nói trên không cấu thành tội phạm theo khoản 2 Điều 107 BLTTHS. Bởi số tiền những người này đánh bạc chưa đủ định lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, VKS chỉ gửi quyết định đình chỉ bị can cho bà Liễu, ba người còn lại gồm bà Thu, ông Thanh Phong và Văn Phong thì không nhận được quyết định.

Ba người này cho biết sẽ khiếu nại VKS về việc này.

Theo TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM), lẽ ra VKS phải ban hành các quyết định đình chỉ bị can cho tất cả bốn người và gửi cho họ mới đúng. Từ đó họ mới có cơ sở để yêu cầu cơ quan tố tụng bồi thường oan cho họ.

THANH TÙNG

 

Một vụ sửa sai tương tự

Theo hồ sơ, tháng 8-2011, anh Nguyễn Minh Sang đến vườn nhà ông nội ở huyện Châu Thành (Tiền Giang) hái dừa uống. Thấy ông chở chú ra khỏi nhà, Sang vào lấy trộm điện thoại di động và một nhẫn vàng (tổng trị giá 2,3 triệu đồng) để trên bàn. Trở về, nghe hàng xóm kể, người chú bắt Sang giao công an, sau đó Sang bị khởi tố, bắt giam và bị kết án chín tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Sang kháng cáo kêu oan.

Tháng 5-2012, TAND tỉnh Tiền Giang đã hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Điều tra lại không có kết quả, tháng 11-2012, Công an huyện Châu Thành đình chỉ vụ án với lý do hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Báo Pháp Luật TP.HCM vào cuộc và có bài phân tích pháp lý, cho rằng lý do đình chỉ nói trên là sai luật. Sau khi báo đăng, VKSND Tối cao đã yêu cầu VKS tỉnh Tiền Giang xem xét vụ việc theo hướng phải đình chỉ điều tra bị can theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS (hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm). Gần một tháng sau, công an huyện đã ra quyết định “đính chính” lý do đình chỉ điều tra từ khoản 1 Điều 25 BLHS sang điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS. Nhờ vậy, anh Sang chính thức được minh oan, hiện TAND huyện Châu Thành đang giải quyết yêu cầu bồi thường oan của anh Sang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm