Bồi hoàn phí luật sư, được không?

Vì vậy việc mới đây, TAND tỉnh Tiền Giang buộc bị đơn phải trả hơn 150 triệu đồng phí luật sư của nguyên đơn đã gợi nhiều băn khoăn…

Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp với sản phẩm bánh tráng hiệu K. kèm ảnh cho Công ty TP. Một năm sau, Cục cấp tiếp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho Công ty TP. Sau đó, Công ty TP tiếp tục đăng ký sản phẩm bánh K. tại Mỹ và đã được bảo hộ nhãn hiệu cùng kiểu dáng công nghiệp.

Thua kiện vì “nhái” nhãn hiệu

Tháng 11-2009, Công ty TP phát hiện một số siêu thị ở Mỹ có bày bán mặt hàng bánh tráng hiệu K’có màu sắc tương tự, khó phân biệt và gây nhầm lẫn với nhãn hiệu bánh K. của công ty được bảo hộ. Lần theo, công ty biết Công ty TG đã sản xuất bánh tráng hiệu K’ trên. Qua đối chất, Công ty TG thừa nhận vào ngày 8-9-2009 có xuất bánh tráng K’sang Mỹ. Nhãn hiệu này do khách hàng bên Mỹ đặt gắn lên bao bì sản phẩm.

Tháng 12-2009, Công ty TP đã nhờ luật sư tại Mỹ gửi công văn khuyến cáo Công ty TG về hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Tháng 2-2010, Công ty TP đã kiện Công ty TG ra TAND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu chấm dứt hành vi sản xuất và xuất khẩu loại bánh K’, thu hồi toàn bộ lượng bánh đã xuất khẩu, bán trên thị trường Mỹ. Công ty TP còn yêu cầu Công ty TG phải thanh toán hơn 153 triệu đồng cho luật sư, gồm 5.000 USD phí luật sư ở Mỹ và 60 triệu đồng phí luật sư tại Việt Nam...

Tháng 5-2010, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, nhận định việc Công ty TG sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu của Công ty TP, vốn đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ về nhãn hiệu trên cùng một loại hàng hóa là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ. Việc Công ty TG nại rằng thực hiện theo hợp đồng với khách nước ngoài nên lỗi vi phạm này thuộc bên thứ ba là không có cơ sở.

Bồi hoàn phí luật sư, được không? ảnh 1

Việc tính phí luật sư còn có những ý kiến khác nhau. Ảnh minh họa: HTD

Từ đó, tòa buộc Công ty TG phải chấm dứt hành vi sản xuất, xuất khẩu, đồng thời thu hồi toàn bộ mặt hàng bánh tráng K’ trên thị trường Mỹ. Về phần phí luật sư, tòa nhận định chi phí này của Công ty TP là hợp lý, cần thiết, cần chấp nhận bởi phù hợp quy định tại khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ. Điều này cũng đã có lợi cho phía bị đơn bởi nguyên đơn không yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần…

Phí luật sư: Chấp nhận hay không?

Có thể nói đây là lần đầu tiên một tòa án chấp nhận yêu cầu bồi hoàn chi phí thuê luật sư của đương sự. Trước đây, gặp tình huống này, các tòa đều bác, lập luận rằng một khi đương sự đã chủ động quyết định thuê luật sư thì phải tự lo. Tòa chỉ chấp nhận những khoản chi phí hợp lý, hợp lệ và thật sự cần thiết.

Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, Điều 144 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư, trong phạm vi quy định của văn phòng luật sư và quy định của pháp luật. Chi phí cho luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Vì thế, chi phí luật sư không phải là chi phí cần thiết để đeo đuổi một vụ kiện, từ đó bắt phía vi phạm trong vụ án phải gánh chịu.

Đồng tình, một thẩm phán TAND quận 11 (TP.HCM) cũng cho rằng kết quả giải quyết một vụ án do tòa quyết định, không phụ thuộc vào yếu tố có hay không có luật sư. Có thể nói rằng dù có hay không có luật sư, tòa vẫn phải giải quyết vụ việc đúng pháp luật.

Ở một góc độ khác, luật sư Châu Huy Quang (Hãng luật LCT Lawyers) phân tích: Theo khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa buộc bên vi phạm phải bồi hoàn chi phí hợp lý để thuê luật sư. Dù có khác với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng đây có lẽ là điểm tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp ở chỗ thừa nhận việc luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho đương sự là một nhu cầu cần thiết, hợp lý. Hơn nữa, việc tòa tuyên buộc bên vi phạm phải bồi hoàn khoản phí này cũng là một cách răn đe các hành vi tương tự.

Tính phí sao cho hợp lý?

Theo Điều 55 Luật Luật sư, chi phí hợp lý để thuê luật sư là chi phí cần thiết phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc, kỹ năng, trình độ và lượng thời gian cần thiết để luật sư nghiên cứu vụ việc.

Vấn đề là việc cụ thể hóa căn cứ để tính phí luật sư thế nào cho thỏa đáng còn bỏ ngỏ. Đặc biệt, với những tranh chấp có một phần vụ việc xảy ra ở nước ngoài thì do sự khác biệt về mặt bằng chi phí thuê luật sư nước ngoài, phương thức tính phí… so với trong nước nên khó có cơ sở tính phí cho hợp lý. Nếu chỉ đơn thuần dựa vào hợp đồng dịch vụ mà đương sự ký với luật sư nước ngoài để tuyên buộc bên thua phải bồi hoàn đầy đủ là chưa ổn. Ví dụ: thù lao bình quân tính theo giờ của luật sư ở Mỹ là 200-1.000 USD trong khi phí luật sư ở Việt Nam lại thường không đến mức đó.

Mỹ: Quan tòa quyết!

Ở Mỹ, nguyên tắc bồi hoàn chi phí kiện tụng được xây dựng theo tinh thần “người thua trả”. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư đều được tòa án xem xét, chấp nhận. Quan tòa được toàn quyền chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu này của đương sự, tùy vào từng vụ việc cụ thể, trong các lĩnh vực cụ thể như sở hữu trí tuệ, chống cạnh tranh, xâm hại quyền dân sự, quyền tự do về thông tin, kiện tập thể… 

Singapore: Lập trung tâm trọng tài

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa thành lập trung tâm trọng tài và hòa giải đầu tiên của châu Á tại Singapore. Đây là trung tâm đầu tiên của WIPO ở bên ngoài châu Âu cung cấp các dịch vụ với chi phí thấp nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan tới sở hữu trí tuệ.

Trụ sở chính WIPO tại Geneva thành lập năm 1994 và đã xử lý hơn 30.000 vụ tranh chấp với giá trị mỗi vụ từ 10.000 USD tới hàng trăm triệu USD. Có rất nhiều tranh chấp đã được gửi tới WIPO, trong đó tranh chấp về đăng ký sở hữu tên miền chiếm phần lớn. Trước nhu cầu tăng nhanh về tranh chấp sở hữu trí tuệ ở châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực phim ảnh và kỹ thuật, WIPO thành lập thêm trung tâm tại Singapore.

Hiện WIPO đang nghiên cứu nhiều lĩnh vực mới, đặc biệt các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời buổi các mạng xã hội phát triển, tổ chức các buổi tọa đàm, duy trì các ủy ban trao đổi trong nhiều lĩnh vực.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm