Bỏ thời hiệu khởi kiện trong án dân sự?

Bộ luật Dân sự (BLDS) hiện hành quy định về thời hiệu khởi kiện, theo đó nếu các bên đương sự trong quan hệ dân sự không khởi kiện hoặc yêu cầu tòa trong thời hạn luật định thì mất quyền được tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quy định hiện hành không đảm bảo công bằng?

Theo tổ biên tập dự thảo BLDS sửa đổi, quy định trên không đảm bảo công bằng, là căn cứ để tòa từ chối giải quyết vụ việc dân sự (BLTTDS sửa đổi năm 2011 quy định tòa sau khi thụ lý vụ việc mà thấy vụ việc đã hết thời hiệu khởi kiện thì ra quyết định đình chỉ giải quyết - NV). Mặt khác, BLDS hiện hành quy định thời hiệu khởi kiện được tính bắt đầu từ lúc quan hệ được xác lập là không phù hợp với thực tiễn, không bảo vệ được quyền, lợi ích của bên có thiện chí, ngay tình trong quan hệ dân sự.

Để khắc phục hạn chế này, ông Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp) cho biết dự thảo dự kiến quy định hai loại thời hiệu là thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu hưởng quyền dân sự. “Thời hiệu khởi kiện sẽ không quy định lại trong BLDS sửa đổi. Khi người dân khởi kiện vụ việc dân sự thì không phụ thuộc vào thời hiệu khởi kiện. Tòa phải thụ lý, giải quyết trên cơ sở thời hiệu hưởng quyền dân sự và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự” - ông Huệ nhấn mạnh.

Theo dõi thông tin các vụ án tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD

Cạnh đó, dự thảo BLDS sửa đổi cũng dự kiến quy định thời điểm bắt đầu thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ theo nguyên tắc “được tính từ ngày bên có quyền biết hoặc phải biết bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ”.

Tranh cãi chưa ngã ngũ

Ông Huệ thừa nhận đang có hai luồng quan điểm trái ngược trong việc bỏ hay giữ thời hiệu khởi kiện.

Ý kiến ủng hộ việc bỏ thời hiệu khởi kiện cho rằng nếu quy định thời hiệu thì tòa có thể căn cứ vào đó để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự mà không đưa ra phán quyết cụ thể, không xác định quyền lợi, nghĩa vụ của các bên, từ đó không bảo đảm công bằng cho các chủ thể. Trong hoàn cảnh không được Nhà nước bảo vệ quyền lợi, các bên có thể tự mình áp dụng những hành xử ngoài vòng pháp luật, gây mất trật tự xã hội. Trên thế giới, nhiều nước cũng không quy định về thời hiệu khởi kiện.

Trong khi đó, ý kiến phản đối đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định về thời hiệu khởi kiện nhằm nâng cao trách nhiệm của các bên trong việc yêu cầu Nhà nước bảo vệ quyền lợi cho mình, đồng thời không tạo áp lực cho tòa khi giải quyết những vụ việc đã xảy ra từ lâu, khó thu thập chứng cứ, khó xác minh nội dung…

Tại cuộc họp của ban soạn thảo, vấn đề này tiếp tục gây tranh cãi.

TS Phùng Trung Tập (ĐH Luật Hà Nội) nói không thể bỏ thời hiệu khởi kiện bởi quyền khởi kiện đối với một vụ việc dân sự không thể kéo dài mãi mãi. Quan điểm này nhận được nhiều ý kiến đồng tình: “Vẫn cần quy định thời hiệu, vấn đề là kéo dài bao lâu thôi chứ quy định như dự thảo thì khối lượng công việc của ngành tòa án sẽ khổng lồ, không đáp ứng nổi”.

PGS-TS Nguyễn Như Phát (Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật) phản bác: “Từ trước tới nay, tôi vẫn quan niệm mục đích của các quy định về thời hiệu không phải là nhằm loại trừ thẩm quyền của tòa mà nhằm tạo cho một bên trong vụ kiện có công cụ pháp lý để chống lại bên kia”.

Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Trần Hữu Huỳnh thì lập luận việc xác định thời hiệu khởi kiện trên thực tế rất phức tạp, lại không có một phiên tòa được mở ra để các bên đương sự cung cấp chứng cứ chứng minh. Mặt khác, “việc dân sự cốt ở hai bên” nên nếu các bên đều đồng thuận thì tòa không thể lấy lý do “hết thời hiệu” để từ chối thụ lý, giải quyết án.

Hai loại thời hiệu mới

- Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

- Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

(Theo dự thảo BLDS sửa đổi)

  

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm