“A LÔ! ĐỘI CỨU NẠN BIỂN NGHE ĐÂY!” - BÀI 2

Blouse trắng giữa trùng khơi

Đến Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, tiếng còi hụ, tiếng điện thoại yêu cầu hỗ trợ y tế liên tục réo gọi. Tại phòng trực vô tuyến, các bác sĩ và nhân viên y tá luôn bận rộn. BS Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, cho biết dù đây là đường dây nóng gọi cấp cứu trên bờ nhưng suốt hơn năm năm qua nó đảm nhận luôn việc tiếp nhận cứu thương trên biển. “Thông qua số liên lạc này, các bác sĩ, y tá Trung tâm sẽ phối hợp với đơn vị cứu nạn Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm Cứu nạn Hàng hải khu vực II (Danang MRCC) để hỗ trợ cấp cứu ngư dân gặp nạn. Đối với những trường hợp bị bệnh nặng, kíp trực sẽ theo tàu SAR 412 hoặc SAR 274 trực tiếp ra biển cấp cứu” - BS Hồng nói.

Phòng cấp cứu di động trên biển

BS Hồng kể năm 2009 chị cùng kíp trực nhận được thông tin cấp cứu một thuyền viên tàu Quảng Ngãi bị bệnh tai biến mạch máu não trên biển, cách bờ hơn 35 hải lý. Bệnh nhân đang trong tình trạng hết sức nguy kịch, không thể hướng dẫn sơ cứu qua vô tuyến. Vội vã xách chiếc túi cứu thương, chị cùng một nam điều dưỡng theo tàu SAR 274 xẻ sóng ra khơi cứu người. “Lúc này, ngoài khơi đang có áp thấp nhiệt đới, gió giật cấp 6, cấp 7. Các thủy thủ cứu nạn vốn đã quen đi biển, còn hai chúng tôi bị say sóng, mệt lừ người, không ngồi dậy nổi. Những con sóng dập dềnh, khiến toàn thân lâng lâng, nôn nao đến rạc người” - BS Hồng nhớ lại.

Blouse trắng giữa trùng khơi ảnh 1

Một ca cấp cứu người bệnh trên biển. (Ảnh do Danang MRCC cung cấp)

Đến nửa đêm, tàu cứu nạn SAR 274 mới phát hiện vị trí tàu cá bị nạn nhưng không có cách nào tiếp cận do sóng lớn. Vật lộn với sóng gió hơn 2 tiếng mà lực lượng cấp cứu vẫn chưa tìm được phương án chuyển bệnh nhân qua tàu. Một cuộc hội ý nhanh, đoàn cứu nạn quyết định chuyển bình oxy và các thiết bị y tế qua tàu cá, sau đó dùng sóng vô tuyến hướng dẫn người trên tàu thực hiện ca cấp cứu. Tàu SAR 274 cũng khẩn trương quay đầu, kèm tàu cá chạy về hướng đất liền. “Được hỗ trợ về y tế nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng phải khẩn trương vào đất liền nhập viện điều trị. Khi vào đến gần bờ, sóng biển yên ắng hơn, tôi mới di chuyển qua tàu cá để trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân” - BS Hồng kể.

Sau chuyến đi ấy, BS Hồng vẫn tiếp tục thực hiện nhiều “cuộc viễn chinh” cách xa bờ hàng chục hải lý để cấp cứu bệnh nhân. Năm 2010, hai tàu vận tải chở hàng của nước ngoài đâm nhau ở vùng biển gần Trường Sa khiến 12 thuyền viên trên tàu gặp nạn bị thương. BS Hồng lại nhận lệnh theo tàu SAR 412 ra khơi cấp cứu. “Khi chúng tôi đến nơi thì tàu Hải quân Việt Nam đã có mặt để đưa các thủy thủ gặp nạn lên tàu. Nhưng do bị chấn thương quá nặng nên một thuyền viên người Ấn Độ tử vong. Những người còn lại đều được chúng tôi khẩn trương cứu chữa và hồi phục rất nhanh” - BS Hồng kể lại.

Chuyến đi biển nhớ đời

Theo BS Hồng, hầu hết các y, bác sĩ của Trung tâm đều đã từng ra biển cùng Đội Cứu nạn Danang MRCC để cấp cứu ngư dân bị bệnh nặng. Trong số này, y sĩ Lê Văn Thúc là người tham gia cấp cứu trên biển thường xuyên nhất.

Blouse trắng giữa trùng khơi ảnh 2

Bác sĩ 115 cấp cứu cho thuyền viên tàu cá bị nạn trên biển. Ảnh: LP

Kể về những chuyến hải trình, y sĩ Thúc nói có lẽ đợt đi cấp cứu ngoài biển hồi giữa tháng 2 rồi là lần ấn tượng nhất. Ngày 8-2, Trung tâm Cứu nạn Danang MRCC nhận được tin báo từ tàu PY-2014 cách bờ biển Quy Nhơn hơn 200 hải lý. Tin cho hay thuyền viên Nguyễn Văn Thạnh trên tàu này bị tai biến mạch máu não và yêu cầu cứu nạn khẩn cấp. Trung tâm cứu nạn lập tức nối liên lạc với Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng. Qua điện thoại, ông Thúc tư vấn trực tiếp cho các thuyền viên trên tàu cách sơ cứu ban đầu, đồng thời chuẩn bị hành trang cùng kíp trực lên tàu thẳng tiến ra biển.

“Đúng 4 giờ chiều 8-2, tôi cùng một điều dưỡng theo tàu cứu nạn SAR 412 chạy ra hướng tàu PY-2014 gặp nạn. Do thời tiết trên biển rất xấu, sóng to gió lớn kèm theo mưa bão nên con tàu bị “quất” tơi tả. Tôi và anh điều dưỡng say sóng, ói lòi mật xanh, mật vàng, phải nằm gục ngoài thành tàu, không dám vào trong buồng lái” - y sĩ Thúc kể. Suốt một đêm, ông và đồng nghiệp không thể nào chợp mắt khi những cơn sóng lớn cứ dập dềnh, như muốn nhấn chìm con tàu nhỏ. Hai người phải níu chặt tay vào cầu thang, toàn thân bị nước biển thấm vào ướt sũng. Cái lạnh bắt đầu lan tỏa toàn thân. “Nếu vào trong khoang thì càng say sóng dữ hơn nên chúng tôi phải nằm vật vạ bên ngoài cho thoáng. Anh em trong Đội Cứu nạn thấy thương nên mang chăn, mền ra nhưng đắp được một lúc thì lại ướt hết” - ông Thúc nhớ lại.

Con tàu càng tiến ra xa bờ, đi vào tâm áp thấp nhiệt đới, sóng gió ngày càng hung dữ. Phải đến 5 giờ sáng hôm sau tàu SAR 412 mới tiếp cận được với tàu cá nói trên. Dù mệt rã rời nhưng ông Thúc và điều dưỡng vẫn gắng gượng qua tàu cá khám bệnh cho anh Thạnh. “Tình trạng anh Thạnh rất nguy hiểm, đồng tử đã giãn, co cứng… Việc đầu tiên là phải truyền dịch cho bệnh nhân. Nhưng lúc này sóng lớn quá, con tàu lắc liên tục. Các thủy thủ đội cứu nạn phải đứng hai bên kè chúng tôi để giữ thăng bằng. Phải rất khó khăn tôi mới bắt được tĩnh mạch của bệnh nhân để truyền dịch, tiêm thuốc” - ông Thúc nói.

Blouse trắng giữa trùng khơi ảnh 3

Lực lượng cứu nạn Danang MRCC phối hợp với bác sĩ 115 cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển. Ảnh: LP

2 tiếng sau, ca cấp cứu tạm ổn. Nhưng lúc bệnh nhân vừa qua cơn nguy kịch cũng là lúc hai nhân viên y tế lả người, nằm sóng soài giữa sàn tàu. “Gần hai ngày đêm dập dềnh trong sóng lớn, hai chúng tôi không dám ăn một thứ gì vào bụng vì cứ hễ nuốt vào là lại ói ra. Các thủy thủ đưa cho mấy thanh lương khô nhưng tôi lắc đầu bảo dù có cháo gà tôi cũng đành chịu. Toàn thân tôi lúc đó rệu rã, nóng hừng hực như đổ lửa...”.

Khi tàu cứu nạn cập bờ, bệnh nhân Thạnh được chuyển ngay đến BV Đa khoa Đà Nẵng chữa trị. Còn y sĩ Thúc và đồng nghiệp thiếu điều muốn nhập viện, Đội Cứu nạn phải dìu lên Trung tâm nằm nghỉ.

Những bác sĩ bất đắc dĩ

“Có những trường hợp bác sĩ và y tá khi ra đến biển thì bị say sóng, không thể trực tiếp cấp cứu nạn nhân. Họ vừa nằm vừa phải chỉ cho các thành viên trong Đội Cứu nạn các phương pháp cấp cứu bệnh nhân” - BS Hồng kể. Trong chuyến ra biển cấp cứu bệnh nhân bị máy xay đá nghiền nát cánh tay hồi cuối năm 2010, BS Hồng bị say sóng phải nhờ Đội Cứu nạn mang túi thuốc qua tàu cá cấp cứu cho bệnh nhân. Thế là giữa cơn sóng to gió lớn trên biển, những thủy thủ cứu nạn trở thành những “bác sĩ bất đắc dĩ”.

Thủy thủ Lê Văn Thái tâm sự: “Lần đầu cấp cứu bệnh nhân còn lóng ngóng, hai tay cứ run bần bật. Mình sợ nếu tiêm nhầm vào động mạch của người bệnh thì hết phương cứu chữa, nên phải điện đàm hỏi đi, hỏi lại mới dám làm. Lâu dần rồi cũng quen, tiêm thuốc, lấy ven… cũng thành thạo như ai”.

Hầu hết các thủy thủ Đội Cứu nạn đều từng học qua lớp sơ cứu người bị thương trên biển. Nhưng đối với những ca bệnh nặng, họ phải cần đến sự can thiệp của các bác sĩ Trung tâm 115. Khi không trực tiếp ra biển cấp cứu, các bác sĩ phải ngồi hàng giờ bên điện đàm để hướng dẫn thuyền viên thao tác cấp cứu.

“Mỗi lần anh em theo Đội Cứu nạn Danang MRCC ra biển cấp cứu ngư dân gặp nạn, chúng tôi rất lo vì hiện quy chế của ngành không quy định cho bác sĩ ra biển cấp cứu. Nhưng vì trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp mà các y, bác sĩ ở đây vẫn luôn sát cánh cùng ngư dân giữa biển xa” - BS Hồng nói.

Các tàu cá nên trang bị tủ thuốc

Theo BS Hồng, hiện có nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân miền Trung cùng ra khơi, bám biển nhưng hầu hết trên các tàu cá không được trang bị dụng cụ y tế, tủ thuốc để thuyền viên chủ động cấp cứu khi gặp nạn. “Dù được hướng dẫn cách hồi sức, cấp cứu nhưng nếu trên tàu không có thuốc hoặc dụng cụ y tế thì rất khó khăn để phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Chúng tôi khuyến cáo ngư dân khi ra khơi nên mua sẵn một tủ thuốc cơ bản để dùng đến khi cần” - BS Hồng nói.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm