Bị tâm thần, phải làm sao để hoãn thụ án?

“Con trai tôi bị bệnh rối loạn tâm thần nặng, đang phải nằm chữa trị ở bệnh viện, không làm chủ được bản thân nên tôi gửi đơn xin hoãn án tù cho nó. Tuy nhiên, tòa cứ đòi con tôi phải tự viết đơn và phải lên đây thì họ mới chịu giải quyết. Con tôi đâu còn nhận thức được gì thì làm sao mà viết nổi đơn. Ngoài ra, nó còn bị thêm bệnh xơ gan cổ trướng nữa, làm sao mà lên tòa được. Tôi khổ quá, không biết phải làm gì bây giờ nữa!” - bà Nguyễn Thị Rỡ (ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) than thở với chúng tôi.

Tòa không nhận đơn mẹ viết thay con

Theo hồ sơ, ngày 17-4, con trai bà Rỡ đã bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM phạt sáu năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Thời hạn tù tính từ ngày bắt con bà chấp hành án (trước đó con bà được tại ngoại sau hơn bốn tháng bị tạm giam).

Ngày 27-5, TAND TP.HCM ra quyết định thi hành án (THA) phạt tù đối với con bà Rỡ. Tuy nhiên, do con bà đang điều trị bệnh tại BV Tâm thần Trung ương 1 nên bà làm đơn xin hoãn THA cho con. Theo bà Rỡ, trong tháng 6-2014, hai lần bà đến TAND TP.HCM nộp đơn thì cán bộ không nhận nên bà phải gửi đơn kèm theo bệnh án của con qua đường bưu điện.

Ngày 31-7, TAND TP.HCM có công văn trả lại đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù cho bà Rỡ. Theo tòa, tại biên bản làm việc trước đó, cán bộ tòa đã giải thích với bà Rỡ rằng bà không có quyền xin hoãn chấp hành hình phạt tù thay con. Việc này phải do chính con bà (người bị kết án) trực tiếp đứng đơn và nộp đơn xin hoãn chấp hành hình phạt tù tại tòa. Sau đó tòa sẽ hướng dẫn con bà thực hiện các thủ tục để được xét hoãn THA.

Chánh án có thể “tự mình” quyết định

Trong vụ việc trên, điều tréo ngoe là tòa yêu cầu con trai bà Rỡ phải trực tiếp viết đơn, trực tiếp đến tòa nộp đơn rồi tòa mới hướng dẫn các thủ tục tiếp theo. Tuy nhiên, theo bà Rỡ, con trai bà đã mất tỉnh táo vì bệnh tâm thần thì làm sao mà viết đơn, đến tòa nộp đơn được.

Từ trường hợp trên, một vấn đề pháp lý cần đặt ra là các quy định liên quan ra sao? Hướng giải quyết như thế nào mới hợp lý?

Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia về pháp luật hình sự cho biết theo Thông tư liên tịch số 03/2013 của Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Y tế, nếu phạm nhân bị bệnh nặng thì gia đình được phép gửi đơn xin tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Vấn đề là người vừa bị kết án như con bà Rỡ chưa bị đưa vào trại giam thụ án, chưa phải là phạm nhân nên gia đình không được gửi đơn thay mà người bị kết án phải tự mình làm đơn. Do đó việc TAND TP.HCM từ chối nhận và giải quyết đơn của bà Rỡ là có căn cứ.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 23 Luật THA hình sự, chánh án tòa án đã ra quyết định THA có thể tự mình hoặc theo đơn đề nghị của người bị kết án, văn bản đề nghị của VKS cùng cấp, cơ quan THA hình sự công an cấp huyện nơi người phải chấp hành án cư trú, cơ quan THA hình sự cấp quân khu nơi người phải chấp hành án làm việc ra quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù.

Từ đó luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho rằng nếu con bà Rỡ không thể tự làm đơn, nộp đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù để chữa bệnh thì bà Rỡ vẫn có thể làm đơn thay con gửi chánh án TAND TP.HCM để chánh án xem xét và “tự mình” ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (nếu có căn cứ hoãn). Hoặc bà Rỡ cũng có thể làm đơn gửi các cơ quan còn lại trong quy định trên để họ xem xét và có “văn bản đề nghị” chánh án TAND TP.HCM giải quyết. Trong đơn bà Rỡ cần trình bày rõ tình trạng bệnh, hồ sơ bệnh án của con mình để người có thẩm quyền có cơ sở xem xét.

Nếu bà Rỡ đã làm theo hai cách này mà vẫn không được thì theo luật sư Hậu, bà có thể chờ sau khi công an đưa con bà vào trại giam chấp hành án tù, tức con bà đã trở thành phạm nhân rồi tiến hành làm thủ tục xin tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để điều trị bệnh. Tuy nhiên, đây là cách làm bất đắc dĩ vì sẽ có thể mất nhiều thời gian và thủ tục cũng phức tạp hơn so với thủ tục xin hoãn chấp hành hình phạt tù.

Ba trường hợp có thể xảy ra

Trường hợp thứ nhất, nếu người bị kết án bị bệnh tâm thần dẫn đến mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi (có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh) thì đây là trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13 BLHS). Trường hợp này phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 43 BLHS) chứ không áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 61 BLHS). Việc đưa người bệnh vào cơ sở chuyên khoa để chữa bệnh do tòa án chủ động quyết định.

Trường hợp thứ hai, nếu người bị kết án không mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, chỉ bị bệnh xơ gan cổ trướng dẫn đến sức khỏe kém, không có khả năng chấp hành hình phạt tù (có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh) thì tòa có thể xem xét áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù (Điều 61 BLHS). Người bị kết án phải tự viết đơn, nộp đơn xin được hoãn thi hành hình phạt tù.

Trường hợp thứ ba, nếu người bị kết án không thuộc cả hai trường hợp trên thì buộc phải chấp hành hình phạt tù.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn
Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm