Bị oan vì kết quả định giá sai?

Ngày 10-7, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) một lần nữa đã quyết định hoãn xử vụ Nguyễn Vũ Phan Anh bị truy tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản để tiếp tục xem xét lại việc định giá tài sản vốn gây nhiều tranh cãi trong vụ án này.

Thực tế 1,3 triệu đồng định giá thành 6 triệu đồng

Theo hồ sơ, bị cáo Anh từ TP.HCM đến TP Biên Hòa dự đám cưới của bạn. Khuya 7-10-2012, Anh say rượu nên nhờ nhân viên nhà nghỉ gọi taxi chở về đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TP.HCM) nhưng tài xế taxi lại chở về nhà nghỉ Bạch Đằng (TP Biên Hòa). Anh yêu cầu tài xế taxi chở về đường Bạch Đằng ở quận Tân Bình nhưng tài xế từ chối vì thấy Anh say xỉn. Do không biết đường sá tại đây, điện thoại lại hết pin không gọi được cho người nhà, Anh bực tức cự cãi với tài xế taxi, sau đó lấy một chai xịt muỗi đập vỡ kính xe taxi (Kia Morning) rồi cầm điện thoại của tài xế taxi ném xuống đường.

Theo kết quả định giá của hội đồng định giá, chiếc kính xe taxi bị vỡ trị giá hơn 6 triệu đồng, điện thoại bị hư trị giá hơn 300.000 đồng. Từ đó, Anh bị khởi tố, truy tố về tội cố ý làm hư hỏng tài sản theo khoản 1 Điều 143 BLHS (khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm). Anh được tại ngoại điều tra.

Tháng 12-2013, TAND TP Biên Hòa đã mở phiên xử. Trước tòa, luật sư của bị cáo cho rằng kết quả định giá thiệt hại 6 triệu đồng là không chính xác, không khách quan. Cụ thể luật sư trưng ra giấy tờ khi tự đi kiểm tra tại nơi thay kính xe Kia Morning có hóa đơn hẳn hoi chỉ là 1,3 triệu đồng. Từ đó, luật sư đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo vì luật quy định cố ý làm hư hỏng tài sản gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên mới xử lý hình sự. Bên cạnh đó, luật sư cũng chỉ ra một số sai phạm của việc định giá như quyết định trưng cầu, biên bản định giá, kết luận định giá đều lập cùng một ngày, có sự mâu thuẫn nhau...

Trước đề nghị của luật sư, TAND TP Biên Hòa đã quyết định hoãn xử để điều tra bổ sung làm rõ thiệt hại.

Định giá không khách quan

Tại phiên tòa được mở lại hôm qua, qua quá trình xét hỏi cho thấy kết quả định giá không khách quan, không phù hợp giá thị trường, cần tiến hành định giá lại.

Cụ thể, đại diện công ty taxi cho biết đã thay cái kính xe bị vỡ hết 1,3 triệu đồng tại gara TH (gara quen mà công ty thường sửa xe). Giá sửa xe mà công ty báo ở cơ quan điều tra (5,91 triệu đồng), bao gồm tiền sửa chữa cả một số bộ phận khác của xe đã bị hư hỏng từ trước chứ không chỉ tính riêng cái kính. Nay tại phiên tòa, công ty khẳng định thay kính xe bị vỡ chỉ mất có 1,3 triệu đồng mà thôi.

Đại diện hội đồng định giá (lần hai) cho biết khi công an chuyển hồ sơ qua, họ đã họp cho ra kết quả dựa theo báo giá của gara TH vì “thấy phù hợp với thị trường”. Điều đáng nói là hội đồng định giá lần hai này đã tham khảo giá thay kính ở một số gara khác thì cũng chỉ có 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, họ vẫn khăng khăng chỉ dựa vào bảng báo giá của gara TH với số tiền sửa xe tổng cộng là 5,91 triệu đồng, trong khi số tiền này vốn không chỉ tính riêng tiền thay kính (1,3 triệu đồng) mà còn gồm cả tiền sửa chữa nhiều bộ phận khác bị hư hỏng từ trước (không phải do bị cáo gây ra - NV).

Trước các diễn biến trên, luật sư của bị cáo tiếp tục khẳng định kết quả định giá không khách quan, không phù hợp giá thị trường và đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.

Dù vậy, đại diện VKS vẫn giữ ý kiến rằng truy tố bị cáo dựa trên kết quả định giá và lập luận trách nhiệm đánh giá thiệt hại thuộc về hội đồng định giá, nếu sai thì hội đồng này chịu trách nhiệm. Lập luận này đã bị luật sư của bị cáo phản bác ngay. Theo luật sư, VKS rõ ràng đã không làm hết trách nhiệm của mình. Chức năng của VKS là truy tố và giám sát hoạt động tố tụng hình sự. Một khi kết quả định giá không khách quan, không chính xác, không đúng thì VKS phải có trách nhiệm, có ý kiến chứ không thể “nhắm mắt” truy tố theo bởi nếu truy tố oan thì không phải hội đồng định giá mà chính VKS mới có trách nhiệm bồi thường oan.

Trước các diễn biến trên, một lần nữa tòa lại phải hoãn xử để có thêm thời gian xem xét về kết quả định giá thiệt hại - điểm mấu chốt để xác định bị cáo có tội hay bị khởi tố, truy tố oan.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

HOÀNG YẾN

Nguyên tắc định giá tài sản

Định giá tài sản trong tố tụng hình sự phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm; phải đảm bảo sự trung thực, khách quan, công khai và kịp thời, cụ thể giá thị trường của tài sản là giá mua, bán, giao dịch theo thỏa thuận của tài sản cùng loại hoặc tương đương trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm.

(Trích Thông tư 55/2006 của Bộ Tài chính)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm