Bị giữ giấy tờ nhà đất, làm sao đòi?

Ông Hà Văn Hạnh (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) phản ánh ông cùng với một số hộ khác bị bà LTBT (ngụ cùng quận) giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (gọi tắt là giấy tờ nhà đất) trái phép. Thế nhưng hiện ông không biết làm sao để đòi lấy giấy tờ nhà đất này.

Không được tham gia tố tụng, cũng không được trả giấy

Sở dĩ có chuyện éo le này là do ông Hạnh và các hộ dân đã giao giấy tờ nhà đất của mình nhờ Nguyễn Ngọc Mai vay vốn ngân hàng giùm. Ông Hạnh kể có quen biết và tin tưởng Mai do nhiều lần nhờ Mai vay vốn ngân hàng giùm để làm ăn.

“Năm 2009, tôi nhờ Mai vay tiền ngân hàng để nuôi cá tra. Mai tới nhà tôi đi cùng đứa con nuôi làm ở ngân hàng chụp ảnh nhà cửa và kêu tôi đưa giấy tờ nhà, đất bản chính để trình ban giám đốc xem, khi nào được vay thì lên ký giấy tờ với ngân hàng. Tôi đưa tất cả ba giấy đất, một giấy nhà cho Mai giữ. Chừng hơn ba tháng không thấy Mai nói gì, tôi sốt ruột đòi lại thì Mai nói ngân hàng này không vay được để kiếm ngân hàng khác… Tới chừng tòa án kêu lên lấy ý kiến về giấy tờ nhà đất thì mới biết giấy tờ các loại của tôi và hai hộ nữa (cũng nhờ Mai vay giùm) đang bị bà T. giữ” - ông Hạnh kể.

Bà T. là người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Mai là bị cáo.

Theo hồ sơ, Mai giả chữ ký trong giấy ủy quyền đem cầm xe ô tô của người khác cho bà T. Do giá trị xe chỉ khoảng 600 triệu đồng nên Mai lại làm giả giấy ủy quyền để đem giấy tờ nhà đất của hộ ông Hạnh và một số hộ khác nữa cầm thêm cho bà T. để lấy 1 tỉ đồng. Khi xử vụ này, TAND TP Cần Thơ nhận định quan hệ giữa Mai với ông Hạnh sẽ giải quyết riêng nên không đưa ông Hạnh (và các hộ dân) vào làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bản án buộc Mai trả cho bà T. 1 tỉ đồng và bà T. trả xe cho bị hại. Riêng số phận giấy tờ nhà đất của hộ ông Hạnh và các hộ dân khác thì bị bỏ lửng. (Xử phúc thẩm, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM phạt Mai 15 năm tù)

 

Ông Hạnh không thể bán đất để trả nợ vì bản chính giấy tờ nhà, đất của ông đang bị bà T. giữ. Ảnh: N.NAM

Vận dụng pháp luật để giải quyết, được không?

Ông Hạnh đã nhiều lần yêu cầu bà T. trả giấy tờ nhà đất cho mình nhưng bà T. không trả. “Tôi tới nhà bả hai, ba lần năn nỉ bả trả giấy mà bả nhất định không trả, còn đập bàn đuổi tôi về. Giá tôi vay mượn gì với bả thì bả giữ giấy đã đành, còn đằng này thằng Mai nó lấy giấy của tôi cầm cho bả để lừa đảo thì bả phải trả cho tôi chứ. Tại sao xe thì tòa thu hồi trả mà giấy tờ nhà đất của tôi lại không thu hồi trả cho tôi? Tôi có làm đơn gửi Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất yêu cầu giải quyết nhưng cũng không ăn thua” - ông Hạnh bức xúc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Thốt Nốt, cho biết văn phòng không lưu hồ sơ nào về trường hợp của ông Hạnh phản ánh. Vì vậy, trước tiên ông Hạnh cần làm đơn trình bày nội dung sự việc gửi đến UBND phường nơi ông cư trú để nơi đây hòa giải ban đầu. Nếu hòa giải không thành thì hồ sơ sẽ gửi lên quận, lúc đó quận sẽ có cơ sở giải quyết.

“Chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ mối quan hệ giữa hai bên, nếu đúng là bà T. đang giữ giấy đỏ của ông Hạnh trái pháp luật thì chúng tôi sẽ ra thông báo yêu cầu bà T. trả giấy trong vòng 15 ngày, nếu bà T. không trả thì chúng tôi sẽ hủy để cấp giấy khác cho ông Hạnh” - ông Phong cho hay.

Ông Phong nói thêm hiện quy định pháp luật về vấn đề này không cụ thể mà đó là cách xử lý có thể vận dụng được trong trường hợp đúng là giữ giấy tờ trái pháp luật.

Tuy nhiên, trả lời phóng viên, một cán bộ của Phòng TN&MT quận Ô Môn cho biết quan hệ tranh chấp giữa ông Hạnh và bà T. là quan hệ dân sự nên phòng không có trách nhiệm giải quyết. Phòng chỉ cấp lại giấy cho ông Hạnh nếu giấy bị mất chứ không có quy định nào cấp lại trong trường hợp bị người khác giữ.

NHẪN NAM

 

Giấy tờ nhà, đất là vật chứng của vụ án

Giấy tờ nhà đất của ông Hạnh bị Mai đem cầm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên phải xác định là vật chứng trong vụ án. Lẽ ra, cơ quan điều tra phải yêu cầu bà T. nộp lại các giấy tờ trên khi điều tra vụ án lừa đảo. Khi xét xử, tòa án có thể tuyên trả các giấy tờ này lại cho chủ hợp pháp của nó. (Chưa nói, ở đây tòa án đã tuyên buộc Mai phải trả lại cho bà T. 1 tỉ đồng nên quyền lợi của bà đã được giải quyết. Bà T. không còn lý do để tiếp tục giữ giấy tờ nhà đất của ông Hạnh nữa).

Từ thiếu sót này, theo tôi, ông Hạnh nên làm đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án lừa đảo mà Mai là bị cáo để hủy án, điều tra, xét xử lại. Khi đó, cơ quan tố tụng sẽ xác định giấy tờ nhà đất của ông Hạnh (và các hộ dân) là vật chứng của vụ án và thu giữ nó. Khi xét xử, tòa sẽ tuyên trả giấy tờ này lại cho ông Hạnh và các hộ dân.

Cách khác nữa, ông Hạnh có thể gửi đơn khiếu nại đến công an đề nghị giải quyết. Công an sẽ mời bà T. lên để động viên bà trả lại, thay vì phải làm theo thủ tục tố tụng nhiêu khê như vừa đề cập.

Cần lưu ý, cho dù ông Hạnh có kiện bà T. yêu cầu trả lại giấy tờ nhà, đất thì tòa án vẫn không thể giải quyết. Bởi Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21-9-2011 của TAND Tối cao đã hướng dẫn: “Các giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy đăng ký xe ô tô, mô tô, xe máy…) không phải là “giấy tờ có giá” quy định tại Điều 163 BLDS. Do đó, nếu có yêu cầu tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì tòa án không thụ lý giải quyết”.

Luật sư LÊ QUANG VŨ (Văn phòng Luật sư Người Nghèo, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm