Bị bắt sau 18 năm, xử theo luật nào?

Tháng 8-1995, H. đang giũa một thanh kim loại bằng nhôm để ốp vào cánh cửa nhà thì nghe có vụ xô xát ngoài đường nên bỏ thanh kim loại vào túi quần chạy ra. Đến nơi, thấy có hai người đang đánh nhau với em vợ mình, H. vào can thì bị một người dùng cây đánh vào đầu và tay. H. liền rút thanh kim loại đâm nhiều nhát vào người này. Nạn nhân phải đi cấp cứu, vài tháng sau thì chết.

Sau khi gây án, H. bỏ trốn từ Phú Yên vào Đồng Nai sinh sống, đến tháng 4-2013 thì bị bắt theo lệnh truy nã.

Tình huống pháp lý khá hi hữu

Trong quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng huyện T. (Phú Yên) đều thống nhất xử lý H. về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến chết người). Tuy nhiên, điều khiến các cơ quan tố tụng huyện lúng túng là áp dụng BLHS 1999 hay BLHS 1985.

Trong nội bộ các cơ quan tố tụng, có ý kiến cho rằng phải áp dụng khoản 3 Điều 109 BLHS 1985 vì  phù hợp với Nghị quyết số 32/1999 của Quốc hội về việc thi hành BLHS 1999. Theo đó, kể từ ngày 1-7-2000, các điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt mới, một hình phạt nặng hơn… thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1-7-2000 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử.

Để cụ thể hóa Nghị quyết 32, Bộ Công an - Bộ Tư pháp - VKSND Tối cao - TAND Tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2000, giải thích: “Hình phạt nặng hơn” của hai BLHS được xác định như sau: Nếu về cùng một tội phạm mà điều luật của BLHS 1999 có quy định loại hình phạt nặng hơn so với loại hình phạt nặng nhất được quy định trong điều luật tương ứng của BLHS 1985. Ở đây, Điều 104 BLHS 1999 có hình phạt cao nhất là tù chung thân, trong khi Điều 109 BLHS 1985 có hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Tức ở tội cố ý gây thương tích, BLHS 1999 có hình phạt nặng hơn BLHS 1985.

Nhưng có ý kiến khác lại cho rằng nếu áp dụng BLHS 1985 là gây bất lợi cho H. Vì nếu áp dụng BLHS 1985, hành vi phạm tội dẫn đến chết người của H. sẽ bị xử lý theo khoản 3 Điều 109 BLHS. Khoản 3 có khung hình phạt từ năm năm tù đến 20 năm tù (thẩm quyền xét xử thuộc tòa cấp tỉnh). Trong khi đó, khoản 3 Điều 104 BLHS 1999 có khung hình phạt tù từ năm năm đến 15 năm (thẩm quyền xét xử thuộc tòa cấp huyện). Như vậy, nếu áp dụng BLHS 1985 thì H. có thể bị phạt cao nhất đến 20 năm tù, trong khi nếu áp dụng BLHS 1999 thì mức án tối đa của H. chỉ có thể là 15 năm tù.

Do đó, có thể trường hợp của H. chưa đúng với hướng dẫn của Thông tư số 02 nhưng cần áp dụng BLHS 1999 vì có lợi cho H.

Phải theo hướng dẫn

Luật sư Trương Xuân Tám (ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đồng ý với quan điểm thứ hai ở trên với lập luận cùng một hành vi phạm tội, cùng bị truy tố ở một tội danh thì phải ưu tiên áp dụng quy định có lợi cho bị can. Ở đây rõ ràng khung hình phạt áp dụng đối với H. nếu theo BLHS 1985 sẽ nặng hơn BLHS 1999 thì phải ưu tiên áp dụng BLHS 1999. Điều này phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự khi xét có hồi tố hay không.

Tuy nhiên, kiểm sát viên Nguyễn Kim Tiếng (Viện trưởng VKSND quận 5, TP.HCM) và TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) lại cho rằng trong trường hợp này phải áp dụng BLHS 1985 mới đúng.

TS Tuấn phân tích: Vấn đề mấu chốt trong vụ án là xác định ở tội cố ý gây thương tích, BLHS 1999 có quy định “hình phạt nhẹ hơn” BLHS 1985 hay không?

Thực tế hiện nay đang có hai cách hiểu về hình phạt nhẹ hơn: Thứ nhất là dựa trên mức hình phạt cao nhất của điều luật để so sánh, thứ hai là dựa trên mức cao nhất của khung hình phạt để so sánh. Trước hai cách hiểu này, các cơ quan tố tụng phải dựa vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2000 nêu trên để thống nhất cách hiểu thế nào là hình phạt nhẹ hơn. Mà theo điểm d Mục 3 của Thông tư 02 thì tất cả trường hợp xác định “hình phạt nhẹ hơn” đều dựa vào quy định về hình phạt của điều luật chứ không dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt.

Như vậy trong vụ án này, phải theo đúng hướng dẫn trong Thông tư 02, tức áp dụng khoản 3 Điều 109 BLHS 1985 để xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội của H. chứ không áp dụng quy định tương ứng của BLHS 1999.

SÔNG BA - THANH TÙNG

Tình tiết giảm nhẹ: Luật nào lợi thì theo

Cần lưu ý là tuy áp dụng Điều 109 BLHS 1985 để xử lý nhưng nếu H. có những tình tiết giảm nhẹ mà khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 quy định có lợi hơn so với khoản 1 Điều 38 BLHS 1985 thì vẫn có thể áp dụng các tình tiết giảm nhẹ này. Hay nói cách khác, có thể áp dụng tội danh và khung hình phạt của BLHS 1985 đối với H. nhưng khi quyết định hình phạt thì có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ mới theo Điều 46 BLHS 1999.

TS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự
Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm