Báo động nguy cơ rối loạn tâm thần

Đời sống khó khăn, suy sụp tinh thần

Chị Hoàng Thị B. là công nhân một công ty lắp ráp điện tử tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đến khám với các triệu chứng suy nhược, hay căng thẳng và mất ngủ. Các triệu chứng của chị xuất hiện cách đây năm năm nhưng vì điều kiện khó khăn nên chị không thể đi khám. Khi các triệu chứng gia tăng, chị rất khó khăn trong cuộc sống.

Báo động nguy cơ rối loạn tâm thần ảnh 1

Tư vấn cho người nghèo về rối loạn tâm thần. Ảnh: HTD

Hai vợ chồng chị từ Thanh Hóa vào Biên Hòa làm công nhân từ gần 10 năm nay. Cậu con trai đầu lòng phải gửi về quê cho ông bà nội nuôi. Hai vợ chồng sống tạm trong căn phòng trọ 10 m2 , hàng tháng lại phải gửi tiền về quê cho ông bà nuôi cháu. Cuộc sống kinh tế vất vả cộng với điều kiện làm việc liên tục làm chị ngày càng suy nhược. Gần đây, thu nhập không tăng lên mà giá thực phẩm, tiền nhà trọ lại tăng rất nhanh càng làm chị lo lắng. Điều đó làm chị suy sụp hơn, khiến chị bị suy nhược cả cơ thể và thần kinh.

Anh T. thì có hoàn cảnh khác. Hiện anh đang làm việc tại một công ty lắp ráp ôtô ở TP.HCM. Trước đây, do tay nghề cao cùng với sự cần mẫn trong công tác, anh được ban giám đốc công ty bổ nhiệm làm quản đốc của xưởng hàn. Do vị trí công tác và thời làm ăn phát đạt của công ty, thu nhập của anh cũng khá nên anh để vợ ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, gần đây do suy giảm kinh tế, công ty làm ăn không hiệu quả nên phải giảm bớt nhân sự.

Từ một quản đốc, anh bị chuyển xuống làm công nhân trực tiếp sản xuất, thu nhập ít hơn. Vợ anh lại không xin được việc, đời sống kinh tế gia đình càng khủng hoảng. Chính vì thế, anh càng lo âu, chán nản, rượu chè, buồn bã và hay cáu gắt...

Những con số đáng báo động

Chị B. và anh T. chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp là công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có hoàn cảnh tương tự. Sự khó khăn về kinh tế, điều kiện làm việc, không ổn định về thu nhập, áp lực công việc, lo lắng cho tương lai, giá trị dinh dưỡng thấp, thất nghiệp... đang là những nguyên nhân chủ yếu gây nên áp lực tâm lý. Đó là căn nguyên gây ra các rối loạn tâm thần ở người nghèo và công nhân lao động.

Theo bà Benedetto Saraceno - Giám đốc Bộ phận tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì nghèo đói có thể là hậu quả của khủng hoảng, gánh nặng nợ nần. Sự thất vọng, không tự chủ bản thân có thể xảy ra ở tầng lớp có thu nhập thấp. Theo WHO thì có khoảng 450 triệu người trên thế giới đang bị rối loạn sức khỏe tâm thần và hành vi. Người nghèo là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất bởi cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại.

Cuộc khủng hoảng dường như là nguyên nhân làm gia tăng hàng loạt các vấn đề về tâm lý thậm chí dẫn tới tự sát do con người phải vật lộn với nghèo đói và thất nghiệp. Theo đó, cứ bốn người thì có một người có một hoặc nhiều các rối loạn tâm thần trong cuộc đời. Sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không nằm ngoài tình hình chung của toàn cầu.

Báo động nguy cơ rối loạn tâm thần ảnh 2

Hướng dẫn dùng thuốc cho người rối loạn tâm thần. Ảnh: HTD

Kết quả điều tra của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia năm 1999-2000 cho thấy có15% người mắc 10 bệnh tâm thần phổ biến. Gần đây, một số nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn cho thấy tỷ lệ rối loạn tâm thần khoảng 20%-30%. Theo WHO, người nghèo có thu nhập thấp và tầng lớp công nhân thường là những đối tượng rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần nhiều hơn cả.

Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần quốc gia chỉ ra rằng có khoảng 10%-12% người lao động trong ba ngành nghề mũi nhọn bị các chứng rối loạn tâm thần là giày da, may mặc, thủy sản. Nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 năm 2006 cho thấy có khoảng 18%-25% công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất bị trầm cảm và lo âu. Thực tế các rối loạn khác kèm theo như mất ngủ, lo âu... còn cao hơn nhiều.

Cần tư vấn tâm lý sớm

Bên cạnh những áp lực về tâm lý và rối loạn tâm thần, khủng hoảng tài chính làm người nghèo càng khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ điều trị bệnh lý. Việc thu nhập giảm sút, giá cả thị trường tăng làm họ không có điều kiện để quan tâm đến sức khỏe.

Theo WHO thì hơn 75% người bị mắc những hội chứng tâm thần thuộc các quốc gia đang phát triển không được điều trị đầy đủ. Điều đó càng làm tình trạng bệnh lý tiến triển xấu hơn và họ càng có nguy cơ mắc các chứng tâm thần nặng hơn. Vậy chúng ta cần làm gì để cải thiện tình hình này?

Khủng hoảng tài chính là một yếu tố khách quan của toàn cầu. Theo các khảo sát của chúng tôi, đa phần công nhân có thu nhập quá thấp, không đủ cho cuộc sống cần thiết của họ. Chính vì thế họ không có nguồn tài chính cần thiết cho các hoạt động giải trí hoặc các vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần. Người thu nhập thấp cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, cắt bớt những phần chi tiêu không hợp lý. Điều đó giúp cho gia đình có một nguồn tài chính dự trữ cho cuộc sống của mình.

Các tổ chức đoàn thể, đặc biệt công đoàn, ngành y tế, phụ nữ cần có kế hoạch tuyên truyền rộng rãi về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Việc vệ sinh tâm thần là cần thiết cho người dân. Vệ sinh tâm thần được hiểu là cách giải phóng những lo âu để cho tinh thần thoải mái, không rơi vào tình trạng stress. Đời sống càng khó khăn thì cần phải quan tâm đến việc vệ sinh tâm thần. Điều đó giúp họ không rơi vào các trạng thái stress và ít có nguy cơ ảnh hưởng rối loạn tâm thần.

Cần xây dựng các trung tâm sức khỏe tâm thần cho người nghèo và người có thu nhập thấp. Cần nâng cao các dịch vụ chăm sóc tâm lý và cải thiện đời sống tâm lý cho người nghèo, giúp họ tránh được các áp lực và nguy cơ ảnh hưởng của bệnh lý tâm thần. Các nhà quản lý cũng cần quan tâm đến môi trường văn hóa trong doanh nghiệp, các chế độ về đời sống tinh thần giúp cải thiện đời sống của công nhân.

Trước đây, một số công ty như Pouchen, Truyền tải điện 2 đã mời Hội Khoa học tâm lý tỉnh Đồng Nai đến tư vấn tâm lý cho công nhân. Tuy nhiên, số lượng công ty thực hiện công việc này còn rất ít.  Hiện nay, Hội Khoa học tâm lý tỉnh Đồng Nai đang có dự định đặt văn phòng tư vấn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc sẽ mở những buổi tư vấn xuống tận các công ty trong các khu công nghiệp - khu chế xuất. Tuy nhiên, hội chưa đủ kinh phí nên chưa thể thực hiện được.

LÊ MINH CÔNG (Phó Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng BV Tâm thần trung ương 2)

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm