Bán nhà kê biên vẫn không sao?

Ông Châu Hoàng Linh Sơn (phường 13, Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết vào ngày 3-8-2013 giữa ông và vợ chồng bà Trương Thị Kim Chung ký hợp đồng mua bán nhà số 1D Tống Văn Hên, phường 15, quận Tân Bình với số tiền 4 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó ông phát hiện căn nhà trên đang bị Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Tân Bình kê biên, chờ bán đấu giá.

Nhận cọc bán nhà khi đã bị kê biên

Qua tìm hiểu, ông Sơn được biết vào ngày 4-4-2013, căn nhà trên đã bị Chi cục THADS quận Tân Bình cùng các cơ quan chức năng kê biên nhằm bảo đảm THA. Biên bản kê biên, xử lý tài sản cũng ghi rõ “Ông bà… Chung có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền THA và các chi phí phát sinh trước khi mở cuộc bán đấu giá tài sản một ngày làm việc”.

Cuối tháng 7-2013, Chi cục THADS quận ra quyết định giảm giá tài sản lần 1. Đến ngày 3-8-2013, giữa vợ chồng bà Chung và ông Sơn ký hợp đồng mua bán căn nhà trên với thỏa thuận 4 tỉ đồng, đặt cọc 1,5 tỉ đồng, số tiền còn lại sẽ hoàn trả khi hai bên ra công chứng sau hai tháng. Tuy nhiên, phía bà Chung đã không thực hiện theo thỏa thuận, né tránh không chịu đi công chứng. Nghi ngờ, ông Sơn đã tự lên công chứng và kiểm tra thì phát hiện căn nhà trên đang bị tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản để bảo đảm THA.

Ông Châu Hoàng Linh Sơn đang trình bày vụ việc. Ảnh: PT

Song song đó, sau khi giảm giá lần 1 nhưng không ai mua, Chi cục THADS quận tiếp tục ra quyết định giảm giá tài sản lần 2 vào ngày 11-10-2013 và đã có hai khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, ngày 25-11-2013, công ty đấu giá ra thông báo dừng phiên đấu giá do chủ sở hữu tài sản là vợ chồng bà Chung đã tự nguyện THA và xin chuộc lại tài sản.

Ngặt nỗi, từ khi chuộc lại tài sản trên, phía bà Chung cũng không có ý định thỏa thuận việc mua bán căn nhà trên với ông Sơn cũng như trả lại số tiền 1,5 tỉ đồng mà ông đã đặt cọc. Ông Sơn đã làm đơn tố giác vợ chồng bà Chung có hành vi vi phạm kê biên tài sản và lừa đảo ông.

“Không có dấu hiệu tội phạm”

Trả lời đơn tố giác của ông Sơn, Công an quận Tân Bình đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự cũng như không xử lý hai hành vi như ông Sơn đề nghị.

Cơ quan này cho rằng tại thời điểm vợ chồng bà Chung ký kết hợp đồng mua bán căn nhà trên cho ông thì tài sản trên vẫn là tài sản hợp pháp của bà Chung, chưa chuyển dịch, sang nhượng cho ai (nội dung trong hợp đồng của hai bên chỉ thể hiện việc đặt tiền cọc để mua nhà)… Tại biên bản kê biên, xử lý tài sản của Hội đồng Cưỡng chế THADS quận thể hiện sau khi kê biên, tiếp tục giao tài sản trên cho ông bà Chung quản lý, sử dụng nên hành vi của bà Chung không vi phạm việc kê biên.

Đồng tình, VKSND quậ n Tân Bình cũng nhận định do bà Chung không biết việc cơ quan THA có quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm THA vào ngày 14-3-2013 về việc tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng đối với căn nhà. Lời khai này phù hợp với công văn của Chi cục THADS quận Tân Bình về việc không tống đạt quyết định cho bà Chung mà chỉ gửi qua đường bưu điện thông thường.

Ông Phan Văn Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS quận Tân Bình, cho biết trong quá trình chờ bán đấu giá tài sản, việc đương sự là bà Chung lập hợp đồng mua bán nhà phía THA không hề hay biết. Chỉ đến khi cơ quan điều tra Công an quận Tân Bình qua làm việc theo đơn tố cáo của ông Sơn thì Chi cục mới biết. Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên bán đấu giá thì phía Chi cục nhận được văn bản của người được THA rằng bà Chung đã tự nguyện nộp tiền THA. Từ đó phía THA cũng kết thúc hồ sơ, không phát mãi tài sản bị kê biên nữa. Còn tố cáo của ông Sơn thì phía Chi cục không có ý kiến vì thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra và VKS.

PHAN THƯƠNG

Phải làm rõ động cơ, mục đích

Việc kê biên tài sản đồng nghĩa với việc hạn chế quyền định đoạt của đương sự, tức đương sự không được phép tự ý mua bán. Chỉ khi nào đương sự thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ theo như bản án đã tuyên hoặc người mua tài sản (ông Sơn) đem tiền tới THA trả nợ thay thì bà Chung mới được quyền sang nhượng cho người khác.

Theo tôi, muốn xử lý hình sự thì phải xác định động cơ, mục đích. Trường hợp bà Chung biết rõ mình bị hạn chế quyền sở hữu mà vẫn làm hợp đồng mua bán cho ông Sơn nhằm chiếm đoạt tiền thì có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ khi nào bà Chung có ý định dùng số tiền trên để nộp cho THA mới không bị xử lý hình sự.

Ngoài ra, việc bà Chung vẫn tiếp tục làm hợp đồng mua bán cho người thứ ba khi tài sản đang bị kê biên, có thể xem xét dấu hiệu của tội vi phạm kê biên tài sản theo điểm b khoản 1 Điều 310 BLHS. Các cơ quan tố tụng cho rằng tại thời điểm bà Chung ký kết hợp đồng mua bán với ông Sơn thì tài sản vẫn là tài sản hợp pháp của bà Chung và bà này không biết việc THA áp dụng biện pháp bảo đảm THA để không khởi tố vụ án là chưa thỏa đáng.

Lãnh đạo của một chi cục THADS tại TP.HCM

Có dấu hiệu tội lừa đảo

Về nguyên tắc, tài sản khi đang bị kê biên thì không được sang nhượng dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, vì muốn có tiền THA mà người phải THA làm một hợp đồng mua bán, sau đó lấy tiền cọc để hoàn thành nghĩa vụ phải THA thì có thể châm chước.

Trong vụ này, người phải THA sau khi thực hiện nghĩa vụ THA, phía THADS quận Tân Bình không phát mãi tài sản nhưng bà Chung không thực hiện tiếp việc mua bán cũng như thỏa thuận việc trả lại tiền cọc cho ông Sơn dẫn đến việc ông này làm đơn tố cáo lên các cơ quan tố tụng. Qua đó, cần thiết xem xét các dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với vợ chồng bà Chung. Còn về việc vi phạm kê biên tài sản, hành vi này chỉ hình thành khi việc mua bán nhà giữa bà Chung và ông Sơn hoàn thành.

TS Nguyễn Duy Hưng, Trưởng khoa Luật, ĐH Thủ Dầu Một

NGA - THƯƠNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm