Bản án không được tiết lộ “nội tình nghị án”

Theo hồ sơ, tối 2-8-2011, tại xã An Sơn, Kiên Hải (Kiên Giang) xảy ra một vụ đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên làm anh Nguyễn Đăng Phùng bị thương. Tháng 6-2012, Trần Toàn bị khởi tố, bắt tạm giam, sau đó bị truy tố về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 BLHS.

Thẩm phán khác ý hội thẩm

Ra tòa, Toàn một mực kêu oan rằng khi xảy ra sự việc, Toàn không có mặt, việc Toàn nhận tội tại cơ quan điều tra là do bị công an ép cung, bắt nhận tội.

Luật sư của bị cáo thì lập luận VKS không chứng minh được Toàn đã tham gia đánh nạn nhân, không chứng minh được nguồn gốc tang vật. Cụ thể biên bản xác định hung khí ban đầu không hề có cây xà beng mà VKS quy kết Toàn dùng nó để đánh nạn nhân. Đến ngày khởi tố Toàn (gần chín tháng sau) mới xuất hiện cây xà beng trong hồ sơ trong khi các hung khí khác lại biến mất một cách khó hiểu...

Khi HĐXX vào nghị án, thẩm phán chủ tọa có quan điểm không đủ chứng cứ buộc tội Toàn trong khi hai hội thẩm nhân dân lại cho rằng Toàn đã phạm tội. (theo BLTTHS, phán quyết của tòa sẽ quyết định theo đa số.)Trong phần nhận định của bản án sơ thẩm sau đó, thẩm phán chủ tọa đã ghi rõ như sau: “Không đủ chứng cứ để buộc tội đối với bị cáo Trần Toàn, tuy nhiên sau khi nghị án các vị hội thẩm xác định bị cáo Trần Toàn phạm tội cố ý gây thương tích”. Cuối cùng, HĐXX đã phạt Toàn 24 tháng tù treo. (sau phiên xử, bị cáo đã kháng cáo kêu oan.)

Vi phạm tố tụng

Có thể nói việc thẩm phán chủ tọa tiết lộ “nội tình nghị án” trong bản án là chuyện hi hữu trong thực tiễn xét xử. Bởi lẽ các quan điểm cá nhân, các tranh cãi của thành viên HĐXX… khi nghị án thông thường chỉ được ghi nhận trong biên bản nghị án chứ chưa bao giờ bộc lộ công khai trong bản án như thế này.

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) khẳng định: “Việc thẩm phán ghi quan điểm riêng lúc nghị án vào bản án như trên là vi phạm tố tụng. Bản án chỉ phản ánh kết quả nghị án theo đa số. Đây là nguyên tắc tố tụng hình sự. Ý kiến thiểu số chỉ được bảo lưu hoặc viết thành văn bản lưu theo hồ sơ chứ không được tuyên ngay trong bản án”.

Thẩm phán Long trích dẫn quy định tại Điều 17 BLTTHS là tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số. Đặc biệt, khoản 1 Điều 222 BLTTHS đã quy định rất rõ là khi nghị án, các thành viên của HĐXX phải giải quyết tất cả vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề một. Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án. Mặt khác, Điều 224 BLTTHS về bản án cũng không quy định bản án được phản ánh nội dung ý kiến thiểu số của thành viên HĐXX khi HĐXX nghị án.

Đồng tình, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cũng nhấn mạnh: “Bản án phải thể hiện quan điểm của đa số trong HĐXX sau khi nghị án, đặc biệt không thể hiện ý kiến riêng của một thành viên nào trong HĐXX”.

Một lãnh đạo Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao cũng lưu ý việc thẩm phán tiết lộ “nội tình nghị án” khi đưa quan điểm riêng của mình vào bản án là vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, vi phạm này chưa đến mức nghiêm trọng, chỉ là sai sót nhỏ trong việc viết án, chỉ cần nhắc nhở rút kinh nghiệm chứ không nhất thiết phải hủy án.

Ngược lại, một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM lại nhận xét đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Theo ông, việc đưa ý kiến thiểu số ngay trong bản án là làm trái tinh thần xét xử tập thể, biểu quyết theo đa số mà luật đã quy định. Việc này còn có thể gây tác động xấu đến người tham gia tố tụng và dư luận như nghi ngờ án “có vấn đề”, nghi ngờ sự vô tư, khách quan của HĐXX…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

HOÀNG YẾN

Bản án

Trong bản án cần phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm và địa điểm phiên tòa; họ tên của các thành viên HĐXX và thư ký tòa án; họ tên của kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thành phần xã hội, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của bị cáo; họ tên của người bào chữa, tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú của người bị hại...

Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và nếu bị cáo phạm tội thì phạm tội gì, theo điều, khoản nào của BLHS, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế nào. Nếu bị cáo không phạm tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị cáo không có tội và phải giải quyết việc khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của tòa án và quyền kháng cáo đối với bản án.

(Trích Điều 224 BLTTHS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm