Ba cái khó cho pháp luật Việt Nam

“Hệ thống pháp luật Việt Nam có lẽ phức tạp nhất thế giới. Vì theo quy định, rất nhiều chủ thể, thậm chí tới cả chủ tịch xã cũng được ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và một chủ thể được ban hành rất nhiều loại văn bản”.

Kế tiếp, trả lời trên nhiều tờ báo ra ngày 13-6, người đứng đầu ngành tư pháp còn “đánh động” dư luận với thông tin: “Rừng luật ấy không chỉ nhiều mà còn rậm rạp, khó thi hành, khó chấp hành... Chủ tịch Quốc hội nói rất đúng: Luật pháp mà dân không biết thì không phải luật pháp”.

Từ các đánh giá này xem ra pháp luật Việt Nam đang có ba cái khó: Khó biết, khó thi hành và khó chấp hành!

Tại sao khó biết? Câu trả lời nằm ngay ở “rừng luật” như cách gọi của không chỉ riêng bộ trưởng Tư pháp bởi lẽ đâu phải giờ mới thành rừng! Từ rất lâu mà gần nhất là cuối năm 2011, khi Quốc hội thảo luận dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống QPPL và dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản QPPL, bộ trưởng Tư pháp cũng đã công khai nhìn nhận thực trạng này. Chưa hết, tờ trình của Chính phủ còn đưa ra những con số thuyết minh gây giật mình, trong đó có lượng lớn văn bản hướng dẫn. Tính trung bình cứ một trang Luật Đất đai có 19,5 trang văn bản hướng dẫn thi hành; đối với Luật Xây dựng, tỉ lệ này là 12,5 trang; đối với Luật Đầu tư là tám trang… Đã thế khi một văn bản QPPL mới được ban hành hủy bỏ toàn bộ hoặc một số quy định của văn bản cũ thì rất khó xác định QPPL nào còn hiệu lực, QPPL nào đã hết hiệu lực. Hậu quả là số đông - cả người dân lẫn giới chuyên môn đều có rất nhiều lần bị đánh đố trong việc tiếp cận và áp dụng các văn bản QPPL.

Một dẫn chứng cho thấy việc rất khó xác định hiệu lực như vừa nêu. Khi ban hành văn bản mới, thay vì xác định rõ văn bản này thay thế cho văn bản cũ, kể từ ngày văn bản mới có hiệu lực - văn bản cũ hết hiệu lực thì nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền ghi là “những quy định trái với văn bản này hết hiệu lực”. Ai có quyền và cách nào xác định “trái”? Người này nói trái, người kia nói không thì tính sao? Hay như các điệp khúc vẫn thường thấy trong nhiều văn bản là “theo quy định của pháp luật”, “do luật định”… nhưng quy định nào, luật định thế nào thì… đố biết (!).

Tại sao khó thi hành, khó chấp hành? Tạm cho rằng “khó thi hành” tức là khó tổ chức thực hiện của cơ quan thẩm quyền thì “khó chấp hành” tức là khó làm theo, khó tuân thủ của các đối tượng chịu tác động của chính sách. Có một thực tế là nhiều QPPL không xuất phát từ nhu cầu của người dân hoặc từ thực tiễn mà từ suy nghĩ chủ quan của những người “làm chính sách từ salon, phòng máy lạnh”(?). Khi cái trước hãy còn “mông lung” chưa ra thực tế để xem có khó khăn, hiệu quả hay không thì cái sau lại tiếp tục được ban hành mặc cho việc thực thi được chăng hay chớ. Đơn cử là quy định ghi tên cha mẹ vào CMND, một việc làm không cần cho quản lý nhà nước, cũng không cần cho nhân dân lại còn xâm phạm bí mật đời tư… nhưng lần lượt được Nghị định 05/1999, sau đó là Nghị định 170/2007 điều chỉnh. Sau chục năm không được thực hiện thì lại mang ra thí điểm. Để rồi từ những phản ứng gay gắt của dư luận mà Nghị định 106/2013 đã chính thức bãi bỏ. Hay như trước đây Nghị định 34/2010 đòi xử phạt hàng rong tới 20-30 triệu đồng nhưng người buôn gánh bán bưng nào có được số tiền cao ngất này để đóng phạt?...

Bộ trưởng Tư pháp hứa hẹn tới đây ngành sẽ có những “công cụ” để “phát quang” rừng luật, đồng thời có quy định về tổ chức thi hành pháp luật. Hãy tin rằng các khó biết, khó thi hành, khó chấp hành sẽ được loại bỏ trong thời gian sớm nhất có thể để mọi người giữ được lòng tin vào luật pháp và đâu đó không còn có sự coi thường pháp luật.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm