Án hành chính bị hủy, sửa nhiều, do đâu?

Theo thống kê, từ 1-10-2011 đến 31-7-2012, ngành tòa án giải quyết được 2.312/5.769 vụ án hành chính đã thụ lý. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa là 8,4%, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan như tòa xác định sai người bị kiện, áp dụng pháp luật chưa chính xác…

Trước đây, vì không đồng ý với quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ông Trần Trung Nghĩa đã khởi kiện chủ tịch UBND quận 9
(TP.HCM) ra TAND quận này. Tòa xác định người bị kiện là UBND quận nên đưa vào tham gia tố tụng.

Kiện sai đối tượng, vẫn xử

Ông Nghĩa phản đối, xác định rõ mình chỉ kiện chủ tịch quận chứ không kiện UBND quận. Dù vậy, tháng 6-2011, TAND quận 9 vẫn đưa vụ kiện ra xử sơ thẩm, tuyên bác đơn của ông Nghĩa.

Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định thẩm quyền ban hành quyết định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại là của UBND quận 9 chứ không phải của chủ tịch UBND quận. Do vậy, việc ông Nghĩa khởi kiện chủ tịch quận thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện (điểm a khoản 1 Điều 109 Luật Tố tụng hành chính) nên tòa không thụ lý, giải quyết.

Trong vụ này, lẽ ra TAND quận 9 phải giải thích cho ông Nghĩa biết về thẩm quyền ban hành quyết định hành chính nêu trên, hướng dẫn ông xác định lại tư cách người bị kiện theo quy định. Nếu ông Nghĩa không đồng ý mà vẫn kiện chủ tịch quận thì tòa trả lại đơn kiện. Do vậy, việc TAND quận 9 đưa UBND quận 9 vào làm người bị kiện dù ông Nghĩa không đồng ý là không phù hợp quy định và không phù hợp nguyên tắc tự định đoạt của đương sự. Từ đó, TAND TP đã hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn kiện cho ông Nghĩa.

Án hành chính bị hủy, sửa nhiều, do đâu? ảnh 1

Vụ khác, xác định nhà đất của bà Nguyễn Thị Huệ thuộc khu vực dự án đầu tư xây dựng khu công nghệ cao, UBND quận 9 đã ban hành quyết định bồi thường và yêu cầu bà Huệ bàn giao đất. Bà Huệ không đồng ý nên bị cưỡng chế. Bà Huệ khiếu nại nhưng bị chủ tịch UBND quận 9 bác. Vì vậy, bà Huệ khởi kiện yêu cầu TAND quận 9 hủy quyết định cưỡng chế hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND quận.

Xử sơ thẩm hồi tháng 8-2011, TAND quận 9 đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Huệ nên bà kháng cáo. Theo TAND TP, cấp sơ thẩm xác định người bị kiện là chủ tịch UBND quận 9 và xét xử hành vi hành chính của chủ tịch UBND quận là không đúng bởi quyết định cưỡng chế hành chính đối với bà Huệ thuộc thẩm quyền của UBND quận 9. Đây là sai sót mà tòa phúc thẩm không thể bổ sung, khắc phục được nên phải hủy án để đảm bảo quyền tham gia tố tụng của UBND quận 9.

Quên đối chiếu quy định

Bà Tôn Nữ Anh Thư đăng ký kinh doanh ngành nghề cho người Việt Nam thuê nhà để ở tại phường Trung Mỹ Tây (quận 12). Bà bị chủ tịch UBND quận ban hành quyết định phạt tiền hơn 15 triệu đồng vì có nhiều vi phạm: Nhà cho người Việt Nam thuê để ở nhưng lại tính tiền theo ngày giờ, sử dụng nhân viên không ký hợp đồng lao động… Ngoài ra, chủ tịch quận còn xác định bà Thư hành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Bà Thư khiếu nại thì bị chủ tịch quận bác. Bà bèn khởi kiện yêu cầu TAND quận 12 hủy quyết định xử phạt hành chính và quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch quận. Tháng 9-2011, TAND quận 12 đã bác yêu cầu của bà.

Xử phúc thẩm, TAND TP nhận định: Quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Khiếu nại, tố cáo. Quyết định này không phải là đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính, không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Về quyết định xử phạt hành chính, TAND TP cho rằng theo điểm d khoản 1 Điều 1 Nghị định 72 ngày 3-4-2009 của Chính phủ thì ngành nghề kinh doanh của hộ bà Thư (cho người Việt Nam thuê nhà để ở) không buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Do vậy, việc chủ tịch UBND quận 12 xử phạt nội dung này đối với bà Thư là không phù hợp. Tòa sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc bà Thư ký tên vào biên bản xác nhận nội dung vi phạm, không xem xét, đối chiếu hành vi khách quan với điều luật áp dụng vào hành vi đó để bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Thư là chưa thỏa đáng.

Cuối cùng, TAND TP đã sửa án sơ thẩm, hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chủ tịch UBND quận 12.

Vừa sai luật, vừa không phù hợp thực tế

Mảnh đất của ông Quách Tiến Nguyên ở phường Bình Chiểu (quận Thủ Đức) có một phần là đất mặt tiền, một phần là đất ở. Tuy nhiên, quyết định bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do chủ tịch UBND quận Thủ Đức ký lại không tính diện tích cụ thể của từng phần mà gộp chung thành đất ở hết. Ông Nguyên khởi kiện yêu cầu TAND quận Thủ Đức hủy quyết định này thì bị tòa bác.

Ông Nguyên kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM nhận định thẩm quyền ban hành quyết định về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư thuộc UBND quận. Do vậy, tòa sơ thẩm xác định người bị kiện là chủ tịch quận là chưa chính xác. Ngoài ra, ở phần tiêu đề của quyết định ghi do chủ tịch UBND quận ban hành là sai thẩm quyền.

Theo TAND TP, tòa sơ thẩm chưa xem xét tính hợp pháp và tính có căn cứ của quyết định hành chính nói trên mà đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyên là chưa đúng quy định, chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, TAND TP đã sửa bản án sơ thẩm, tuyên hủy quyết định của chủ tịch UBND quận Thủ Đức.

Các dạng sai sót

Tháng 3-2012, tại buổi trao đổi nghiệp vụ do TAND Tối cao và Trường Cán bộ tòa án phối hợp tổ chức tại TP.HCM, Phòng Nghiệp vụ Tòa Hành chính TAND Tối cao đã chỉ ra hàng loạt dạng sai sót để rút kinh nghiệm chung:

- Xác định sai thẩm quyền giải quyết của tòa.

- Xác định sai thẩm quyền giải quyết đối với việc từ chối công chứng, chứng thực.

- Nhầm lẫn trong việc xác định đối tượng khởi kiện như giữa các chủ thể như UBND và chủ tịch UBND.

- Nhầm lẫn giữa các hình thức quyết định với thông báo của người có thẩm quyền.

- Giải quyết chưa đủ yêu cầu khởi kiện.

- Đình chỉ vụ án sai.

- Vi phạm tố tụng vì không từ chối xét xử dù đã từng tham gia xét xử sơ, phúc thẩm vụ án đó.

Theo nhiều chuyên gia, để nâng chất việc giải quyết án hành chính thì các thẩm phán cần tích cực trao đổi nghiệp vụ, cần được tập huấn nhiều hơn. Những vụ án có sai sót cần được liệt kê để kịp thời rút kinh nghiệm và tháo gỡ vướng mắc… Cũng có ý kiến cho rằng cái khó trong việc xử án hành chính khách quan là mối quan hệ “tế nhị” giữa tòa, thẩm phán với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu mô hình tòa sơ thẩm khu vực đi vào hoạt động thì có thể tháo gỡ được hạn chế này.

SONG PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm