Án dân sự bị hủy, sửa nhiều, vì sao?

Hệ quả là nhiều vụ kéo dài mấy năm trời vẫn chưa xong vì bị hủy tới hủy lui.

Mới đây, Tòa Dân sự TAND Tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ, phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa vợ chồng ông PTP và vợ chồng ông LBL.

Quên giải quyết hậu quả

Trước đó, năm 2003, vợ ông P. đã giả chữ ký chồng để bán một căn nhà ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) cho vợ chồng ông L. với giá 450 triệu đồng (đã nhận cọc 150 triệu đồng). Năm 2006, vợ chồng ông P. khởi kiện yêu cầu TAND TP Đồng Hới hủy hợp đồng mua bán nhà.

Xử sơ thẩm, TAND TP Đồng Hới tuyên hợp đồng mua bán nhà vô hiệu. Tòa buộc vợ ông P. phải trả lại 150 triệu đồng đã nhận cho vợ chồng ông L. Về hậu quả của hợp đồng vô hiệu sẽ được tách ra giải quyết bằng một vụ án khác khi các bên yêu cầu. Vợ chồng ông L. kháng cáo. TAND tỉnh Quảng Bình xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Tòa Dân sự TAND Tối cao nhận định việc giải quyết hậu quả khi xác định hợp đồng vô hiệu của hai cấp tòa sơ, phúc thẩm là không đúng. Khi tòa xác định hợp đồng vô hiệu thì cần phải tổ chức định giá theo luật để xác định thiệt hại và mức độ lỗi của các bên chứ không đơn thuần là chỉ buộc các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận.

Lấy tài sản công… chia cho dân

Tháng 3-2006, ông PVK khởi kiện bà PTN ra TAND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để tranh chấp di sản thừa kế. Theo ông K., cha mẹ ông có năm người con. Di sản cha mẹ mất đi để lại gồm ba khu nhà đất (không có di chúc). Nay ông yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.

Án dân sự bị hủy, sửa nhiều, vì sao? ảnh 1

Xử sơ thẩm, TAND TP Đà Lạt xác định khối di sản cha mẹ ông K. để lại trị giá hơn 13 tỉ đồng và chấp nhận chia di sản cho các đồng thừa kế. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Lâm Đồng sửa án về giá trị kỷ phần các đương sự được hưởng.

Gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị người có thẩm quyền xem lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vì hai căn nhà mà các cấp tòa xác định là di sản và phân chia là tài sản do Nhà nước quản lý từ năm 1979.

Xử giám đốc thẩm, Tòa Dân sự TAND Tối cao nhận định hai cấp tòa sơ, phúc thẩm không xác minh trình trạng pháp lý và quá trình sử dụng hai căn nhà trên mà đã vội nhận định là di sản rồi phân chia là không đúng. Từ đó, tòa đã hủy cả hai bản án để giải quyết lại từ đầu.

Đình chỉ sai

Một vụ án khác cũng bị Tòa Dân sự TAND Tối cao hủy án là vụ 27 nguyên đơn khởi kiện đòi di sản ở Thuận Thành (Bắc Ninh).

Theo hồ sơ, các nguyên đơn đều ở vai cháu, gọi người để lại di sản là cố H. Khi cố H. mất đi có để lại ngôi nhà năm gian trên diện tích đất 785 m2. Lúc này, ông NPK ở liền kề đã quản lý nhà đất, sau đó xây tường bao, các công trình phụ, trồng cây. Năm 2001, ông K. kê khai, được huyện cấp giấy đỏ. Không đồng tình, 27 người thuộc diện thừa kế của cố H. đã khởi kiện đòi lại di sản.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Thuận Thành đã buộc ông K. phải trả lại di sản. Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bắc Ninh đã hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án với lý do thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đã hết.

Bản án phúc thẩm đã bị chánh án TAND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm. Theo chánh án, lý do đình chỉ giải quyết vụ án của tòa phúc thẩm là không đúng bởi đây là vụ án đòi tài sản chứ không phải chia thừa kế.

Đồng tình, Tòa Dân sự TAND Tối cao phân tích: Từ năm 1983, các thừa kế di sản đã tranh chấp với ông K. nên tòa phúc thẩm nhận định ông K. sử dụng đất ngay tình, liên tục, công khai trên 30 năm là không có cơ sở. Các nguyên đơn có quyền đòi lại di sản mà ông K. đang quản lý theo hướng dẫn của Nghị quyết số 02/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, do ông K. có nhiều công sức trong việc duy trì, quản lý tài sản nên khi giải quyết lại, các cấp tòa cần xem xét trả cho các nguyên đơn một phần và chia cho ông K. một phần thì mới bảo đảm công bằng.

Xử án không công bằng

Tòa Dân sự TAND Tối cao cũng vừa giám đốc thẩm hủy hai bản án sơ, phúc thẩm vụ tranh chấp đất đai giữa mẹ con bà NTG.

Theo hồ sơ, nguồn gốc mảnh đất diện tích hơn 7.000 m2 đất (trong đó có 5.000 m2 Nhà nước giải tỏa, bồi thường hơn 420 triệu đồng) là của vợ chồng bà G. Năm 1977, sau khi chồng bà G. mất, người con gái lớn đưa gia đình về ở chung với bà. Năm 1984, bà G. đứng tên kê khai quyền sử dụng đất. Năm 1992, người con gái kê khai và được cấp giấy chứng nhận tạm thời. Đến năm 2011, UBND huyện cấp giấy chứng nhận cho “hộ” người con. Không đồng tình, bà G. khởi kiện yêu cầu con gái trả lại toàn bộ đất cho bà.

Tháng 6-2006, tòa sơ thẩm đã buộc người con trả lại cho bà G. nửa số tiền được nhận bồi thường và một nửa giá trị phần đất còn lại theo giá thị trường. Một năm sau, tòa phúc thẩm sửa án, bác toàn bộ yêu cầu của bà G., chỉ ghi nhận người con gái hỗ trợ cho mẹ 30 triệu đồng.

Theo nội dung kháng nghị giám đốc thẩm của chánh án TAND Tối cao, giấy chứng nhận cấp cho hộ con gái bà G. trong khi bà đứng tên chủ hộ ở sổ hộ khẩu. Đất có nguồn gốc là của bà G. nhưng tòa phúc thẩm lại xác định thuộc về người con là không đảm bảo quyền lợi cho bà G.

Chú trọng công tác giám đốc kiểm tra

Thực tế vẫn còn tồn tại việc giữa hai cấp xét xử có những nhận định khác nhau về cùng một vấn đề. Nhiều bản án phúc thẩm bị cấp sơ thẩm lên tiếng không đồng tình. Ngành tòa án cần sớm tìm biện pháp khắc phục để bảo đảm việc xét xử mang tính thống nhất. Cạnh đó, ngành tòa án cần chú trọng làm tốt công tác giám đốc kiểm tra việc xét xử. Cần tập trung kiểm tra theo chuyên đề về những sai sót trong công tác xét xử. Có như vậy, chất lượng án dân sự mới được nâng cao, hạn chế việc hủy, sửa nhiều như hiện nay.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Xác định rõ lỗi của thẩm phán

Luật quy định vụ án sẽ được xem xét giám đốc thẩm nếu có sai sót, vi phạm nghiêm trọng. Nhưng như thế nào là sai sót, vi phạm nghiêm trọng thì chưa có chuẩn để làm căn cứ. Theo tôi, cần có nghị quyết hướng dẫn hoặc các cơ quan tố tụng cấp trung ương cùng thống nhất vạch ra càng chi tiết, càng cụ thể càng tốt.

Cạnh đó, nhà làm luật cũng cần sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tránh sự vênh nhau giữa các luật nội dung dẫn đến tình trạng hiểu theo cách nào cũng được. Trong các quyết định giám đốc thẩm, theo tôi cần nhận định các sai sót, vi phạm là do lỗi chủ quan hay khách quan, từ đó quy rõ trách nhiệm của HĐXX các cấp. Có như vậy, người tiến hành tố tụng mới có trách nhiệm hơn trong những phán quyết của mình.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam

ÁI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm