Án chưa hiệu lực lại phạm tội, có tái phạm?

Mỗi tòa một kiểu

Ngày 17-5-2010, Nguyễn Thị Kim Linh bị TAND huyện Phú Hòa (Phú Yên) xử phạt chín tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản. Chỉ ba ngày sau, ngày 20-5-2010, Linh tiếp tục trộm cắp tài sản trị giá 3,5 triệu đồng.

Xét xử sơ thẩm, TAND TP Tuy Hòa nhận định hành vi phạm tội của bị cáo thuộc trường hợp tái phạm nên đã áp dụng điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS (trường hợp tái phạm) đối với bị cáo. Từ đó, tòa tuyên phạt Linh chín tháng tù, tổng hợp hình phạt chung là 18 tháng tù.

Tuy nhiên, với trường hợp tương tự, bị cáo Nguyễn Y Tin lại được tòa xử khác. Ngày 12-01-2010, Tin bị TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) xử phạt sáu tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Đến ngày 31-01-2010, Tin phạm tội gây rối trật tự công cộng.

Xét xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Sông Hinh nhận định bị cáo có nhân thân xấu, đã bị xử phạt tù về tội trộm cắp tài sản, trong thời gian án chưa có hiệu lực pháp luật lại tiếp tục phạm tội. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nên tòa xử phạt Tin một năm tù treo.

Án chưa hiệu lực lại phạm tội, có tái phạm? ảnh 1

Là tái phạm?

Qua hai trường hợp nói trên, đã nảy sinh những quan điểm khác nhau. Có người cho rằng việc xét xử của TAND TP Tuy Hòa là đúng pháp luật. Bởi lẽ khoản 1 Điều 49 BLHS quy định: “Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý…”. Tinh thần của điều luật chỉ nói “đã bị kết án” chứ không quy định bản án đó đã có hiệu lực pháp luật hay chưa.

Hơn nữa, xét về tính nguy hiểm cho xã hội, rõ ràng một người vừa mới bị kết án và bản án này vẫn chưa có hiệu lực pháp luật lại tiếp tục phạm tội mới là thể hiện ý thức chấp hành pháp luật rất kém, cần phải xét xử nghiêm. Trường hợp của bị cáo Linh vừa bị kết án xong, ba ngày sau lại tiếp tục phạm tội do cố ý như vậy, theo Điều 49 Linh đã phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp của bị cáo Tin cũng tương tự. Do đó, việc TAND huyện Sông Hinh không áp dụng tình tiết này đối với bị cáo là chưa phù hợp.

Không thể tăng nặng?

Quan điểm khác lại đồng tình với việc xét xử của TAND huyện Sông Hinh với lập luận bị cáo Tin bị kết án về tội trộm cắp tài sản, sau đó ít ngày lại tiếp tục phạm tội mới đúng là nguy hiểm thật. Tuy nhiên, bản án này chưa có hiệu lực pháp luật, còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Theo Điều 9 BLTTHS, “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Do đó, chưa thể nói rằng Tin đã có tội. Vì vậy, không thể lấy đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Đó là chưa kể nếu khi xét xử Tin về tội gây rối trật tự công cộng mà áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm”, sau đó Tin được tuyên bố không phạm tội trộm cắp tài sản thì rõ ràng bị cáo bị thiệt thòi. Thậm chí có khi phải xem xét lại bản án đã áp dụng tình tiết tái phạm theo thủ tục giám đốc thẩm.

Việc áp dụng đúng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đặc biệt là tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm có ý nghĩa rất quan trọng trong khi quyết định hình phạt. Nếu một bị cáo có tình tiết tăng nặng thì hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn (bị tuyên mức án cao hơn hoặc không được hưởng án treo…) so với bị cáo khác. Thế nên để tránh tình trạng mỗi tòa áp dụng một cách khác nhau như hai vụ án kể trên, rất cần có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.

Không thể coi là tái phạm

Thẩm phán Hoàng Văn Hải, Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh và luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, cùng cho rằng trường hợp trên tòa án không thể áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm rồi tổng hợp hình phạt. Bởi nguyên tắc hình sự, một người chưa có tội nếu bản án chưa có hiệu lực pháp luật. Trong thời gian kháng cáo, kháng nghị, dù bị cáo có phạm tội mới, tòa phải xử một vụ khác riêng biệt.

Còn về việc tổng hợp hình phạt, trong chương những quy định chung về thi hành bản án (BLTTHS) có quy định chánh án TAND cấp tỉnh trở lên có quyền tổng hợp hình phạt hai bản án đã có hiệu lực pháp luật của một người phạm tội trong thời gian gần nhau để buộc họ chấp hành chung. Do đó, sau khi cả hai bản án có hiệu lực thì người có thẩm quyền sẽ tiến hành tổng hợp hình phạt.

HỒ LƯU - THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm