AIDS và những người cận kề cái chết - Bài 3: Níu lại cuộc đời

Khoa Nhiễm E BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM về chỉ tiêu chính thức thì có thể điều trị cho 65 bệnh nhân nhiễm HIV. Nhưng khoa này luôn ở trong tình trạng kín chỉ tiêu hoặc số bệnh nhân đội lên quá nhiều. Có đến 98% bệnh nhân ở đây đã chuyển sang giai đoạn AIDS.

Bệnh nhân khổ một, người chăm khổ mười

BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Nhiễm E, dẫn tôi tới phòng cấp cứu cho các bệnh nhân nặng. Phòng cấp cứu cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối nhưng rất sạch sẽ, tuyệt nhiên không một mùi hôi. Để giữ được điều đó mỗi ngày, một nhóm ba người phải dành tối thiểu 1 giờ đồng hồ làm vệ sinh cho bệnh nhân. Các y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh ở đây nhiệt tình chăm sóc cho bệnh nhân.

“Người ta thường ngại tiếp xúc do bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối thường mang nhiều biến chứng với nhiều căn bệnh rất nguy hiểm như lao, nấm ngoài da, nấm trong máu, nấm sinh dục, bệnh da liễu… Đó là những căn bệnh rất dễ lây nhiễm” - BS Lã Thị Thanh Loan bộc bạch.

Tuy đã biết cách trang bị nhưng việc tiếp xúc với bệnh nhân hằng ngày, liên tục tháng này qua năm khác, việc lây nhiễm bệnh là điều không tránh khỏi. BS Chí nói: “Ở khoa Nhiễm E, mỗi ngày có đến 2-3 ca mắc bệnh lao phổi, hiếm khi thấy ngày nào không có bệnh nhân lao. Ngoài ra, bệnh phơi nhiễm nghề nghiệp (y, bác sĩ vô tình bị lây nhiễm HIV từ bệnh nhân) cũng là một điều đáng quan ngại”.

AIDS và những người cận kề cái chết - Bài 3: Níu lại cuộc đời ảnh 1

Nhân viên Trung tâm Mai Hòa chăm sóc trẻ nhiễm HIV. Ảnh: PHẠM THỦY

Làm việc với các bệnh nhân AIDS, các bác sĩ phải chịu áp lực cao, không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà còn áp lực tâm lý, phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói và cách cư xử. Nếu không yêu nghề, tận tình với bệnh nhân thì chắc chắn không thể trụ lại với công việc này được.

Một bác sĩ làm việc ở đây hơn 10 năm cho biết: “Có những câu chuyện dở khóc dở cười mà có lẽ chỉ ở đây mới có. Nhiều trường hợp cứ đến dịp tết là người nhà đưa bệnh nhân vô viện, có lẽ vì nhà cửa chật hẹp… hay vì một lý do nào đó. Các y, bác sĩ làm việc ở đây thường có những cái tết không trọn vẹn. Có những trường hợp một gia đình từ bỏ bệnh nhân, các gia đình khác cũng bỏ theo vì nghĩ rằng bệnh nhân đã đến hồi kết, vô phương cứu chữa. Chúng tôi phải làm hết những công việc như cho bệnh nhân ăn uống, làm vệ sinh, cả khoa có đến hàng trăm bệnh nhân, đôi khi cảm thấy mệt mỏi vì làm không xuể. Chưa kể đến chuyện có lúc còn làm bác sĩ hộ sinh bất đắc dĩ. Nhiều trường hợp bệnh nhân nữ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng và mang thai sắp sinh. Cực chẳng đã phải để họ sinh và chăm sóc em bé, chăm sóc hậu sản ngay tại khoa. Nhiều trường hợp bệnh nhân sinh xong rồi chết, để lại em bé không người thân chăm sóc. Chúng tôi phải chăm sóc rồi gửi đến các trung tâm xã hội khác”.

Hộ lý Phạm Thị Tuyết Trinh làm vệ sinh, chăm sóc hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, vội vàng tất bật. Chị tâm sự: “Ngày đầu tiếp xúc với bệnh nhân AIDS tôi cũng sợ khi nhìn thấy những biểu hiện của bệnh ra bên ngoài cơ thể của họ. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng hiểu rằng họ cũng đau buồn, ân hận với quá khứ bồng bột hút chích, hay chỉ một phút nông nổi… Tôi tự nhủ mình cần phải động viên, chăm sóc nhiệt tình, không kỳ thị để họ có tinh thần thoải mái, có động lực để kéo dài sự sống”.

Trước khi chết, mong một cái nắm tay thật chặt

Trung tâm Mai Hòa, nơi cư ngụ của 21 em nhỏ và 20 người lớn mắc AIDS giai đoạn cuối nhưng chỉ có tám sơ và tám nhân viên chăm sóc. Sơ Mai nói: “Mọi việc hằng ngày từ cho bệnh nhân uống thuốc, ăn uống… đều do các sơ và nhân viên ở đây làm hết. Các sơ ở đây đều có chuyên môn. Các bác sĩ trên TP vẫn xuống khám bệnh cho các bệnh nhân ba ngày/tuần”.

Trung tâm rộng gần 1 ha với những gian nhà biệt lập, sạch sẽ được phân ra nhà ở cho bệnh nhi, nhà ở cho bệnh nhân nam, nữ, nhà ăn, nhà cho bệnh nhân nặng, nơi để hài cốt. Nơi đây không hề có bóng dáng của bệnh tật, dù đây là nơi ở của những người đã biết cái chết đang chờ đợi.

Bệnh nhân gọi các sơ và nhân viên ở đây là dì, chú và xưng con. Những bệnh nhân ở đây đến từ nhiều nơi, bệnh viện từ chối, công an đưa về, có những người đứng trước cổng trung tâm để rồi vài giờ sau ra đi trong vòng tay chăm sóc của những người có trách nhiệm tại Mai Hòa.

AIDS và những người cận kề cái chết - Bài 3: Níu lại cuộc đời ảnh 2

Các bạn trẻ với khẩu hiệu “chia sẻ yêu thương”. Ảnh: PHẠM THỦY

Chị L. kể: “Trước đây tôi cũng điều trị ở bệnh viện nhưng rồi không còn tiền để lo viện phí, tôi xin đến Mai Hòa. Ở đây các sơ chăm sóc rất nhiệt tình, thân thiện, đồ ăn lại ngon nữa”.

Tôi dừng lại thật lâu trước hài cốt của những bệnh nhân đã ra đi. Nhìn những tấm ảnh của họ gắn trên hài cốt mà nao lòng. Sơ Hương kể: “Mỗi người một hoàn cảnh và đều có phút giây ra đi khác nhau nhưng điểm chung là họ đã mãn nguyện, thanh thản khi ở phút cuối của cuộc đời đã nhận được sự chăm sóc, thương yêu của mọi người. Có những người trước khi ra đi chỉ muốn tôi nắm thật chặt bàn tay…”.

Chung tay sẻ chia

Không chỉ những người có trách nhiệm mới tận tình chăm sóc các bệnh nhân AIDS, xã hội ngày càng có nhiều nhóm học sinh, sinh viên làm công tác xã hội chia sẻ với các bệnh nhân AIDS.

21 em đang được chăm sóc ở Trung tâm Mai Hòa thì nhỏ nhất là bé L. bốn tuổi và em lớn nhất chừng 15-16 tuổi. Nhìn các em vô tư đùa giỡn, ăn uống, học hành thật khó mà hình dung các gương mặt thiên thần này đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Khi tôi đến cũng là lúc nhóm năm học sinh, sinh viên và các du học sinh ở Singapore đang vui chơi và trao quà cho các em.

Nguyễn Đinh Bảo Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, trưởng nhóm, cho biết: “Trước đây vào ngày 12-6, một nhóm các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam và du học sinh Singapore dưới sự bảo trợ của Trung tâm Công tác xã hội Thành đoàn TP.HCM đã tổ chức đêm hội “Chia sẻ yêu thương” cho các em tại Trường THCS An Nhơn Tây. Hôm đó các em được tham dự chương trình triển lãm ảnh do Canon tài trợ. Và hôm nay nhóm học sinh này quay trở lại để trao quà cho các em”.

Sơ Nga cho biết ngoài nhóm học sinh, sinh viên này thì vẫn có rất nhiều đoàn, tổ chức từ thiện khác đến chia sẻ với các bệnh nhân AIDS ở đây.

Về nguyên tắc khi bệnh nhân mắc bệnh cần phải mổ, làm phẫu thuật thì bệnh viện không có quyền từ chối, kể cả bệnh nhân HIV. Tuy nhiên, trước khi mổ với bất kỳ bệnh nhân nào, chúng tôi đều làm xét nghiệm máu để thử nhanh xem bệnh nhân có mắc HIV/AIDS hay không. Làm như vậy để êkíp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức cẩn thận trong quá trình mổ nhằm tránh lây nhiễm. Nếu bệnh nhân yêu cầu xét nghiệm, chúng tôi sẽ thông báo kết quả lại cho bệnh nhân và tính tiền xét nghiệm, chi phí thêm trong quá trình mổ vào hóa đơn tiền viện phí. Trường hợp bệnh nhân không yêu cầu, chúng tôi vẫn làm xét nghiệm nhưng không thông báo lại (về nguyên tắc là không được thông báo lại). Tuy nhiên, trong quá trình thu phí, chúng tôi sẽ tính cao hơn.

Thông thường mỗi ca mổ cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chi phí chi trả cho êkíp mổ cao hơn những ca bình thường, cộng với chi phí để thay mới toàn bộ các dụng cụ y tế từ drap giường cho đến dao, kéo…

BS LÊ ĐỨC TOÀN, Phó Tổng Giám đốc BV STO Phương Đông

PHẠM THỦY

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm