'Yêu râu xanh' và bản án lương tâm sau những song sắt trại giam

Nguyễn Thế Cường trong phiên tòa sơ thẩm ngày 2/2/2010.
Nguyễn Thế Cường trong phiên tòa sơ thẩm ngày 2/2/2010.
Tôi gặp lại Nguyễn Thế Cường (SN 1986, Diễn Đoài, Diễn Châu, Nghệ An) tại Trại Giam số 3 – Bộ Công an (đóng tại Nghĩa Bình, Tân Kỳ, Nghệ An) trong dịp sơ kết cuộc vận động “Viết thư gửi lời xin lỗi” của Trại. So với lần gặp trong phiên xét xử năm 2010 thì Cường đã chịu mở lòng hơn, không còn cái vẻ lầm lỳ như trước. 
Cường vốn là một bí thư chi đoàn, phụ trách đội thiếu nhi của xóm. Kỳ nghỉ hè năm 2009, khi tổ chức cho các cháu luyện tập nghi thức đội, Cường đã giở trò đồi bại với 2 em thiếu nhi. TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Nguyễn Thế Cường 18 năm tù về tội hiếp dâm trẻ em.

Khi bản án có hiệu lực, Cường được chuyển lên Trại giam số 3 thi hành án. Chặng đường trả án của Cường cũng đã đi được 5 năm. 5 năm trời, không phải là quá dài đối với đời người nhưng trong 5 năm đó đã khiến Cường thấm thía hơn cái giá phải trả cho những lỗi lầm của mình. Đau đớn, hối hận hơn khi nạn nhân của Cường đã mãi mãi ra đi vì đuối nước trong một lần đi chăn trâu.

Cái chết của cô bé đã thức tỉnh thương tâm, đánh thức dũng khí để Cường viết nên những lời tâm sự từ tận đáy lòng. Nhiều đêm, ân hận giày vò, Cường ngồi dậy viết thư cho gia đình nạn nhân nhưng rồi mặc cảm tội lỗi, sợ gợi lại nỗi đau đang muốn chôn vùi của những người làm cha, làm mẹ, Cường lại không đủ dũng cảm để gửi thư đi.

Sau nhiều lần viết rồi không gửi, cuộc vận động “Viết thư gửi lời xin lỗi” của Tổng cục 8 – Bộ Công an phát động, Nguyễn Thế Cường đã viết những dòng chữ thống thiết gửi anh Trần Văn D. – bố của nạn nhân H. (1 trong 2 nạn nhân của Cường) xin lỗi và cầu xin sự tha thứ.

Anh Trần Văn Đ. - bố nạn nhân giằng xé giữa oán giận và tha thứ...
Anh Trần Văn Đ. - bố nạn nhân giằng xé giữa oán giận và tha thứ...

Trong thư Cường viết: “Có lẽ cháu có nói đến trăm ngàn lời xin lỗi cũng không thể nào bù đắp nổi tổn thất mà gia đình chú đang hàng ngày gánh chịu. Tội ác cháu gây ra cho gia đình chú là quá lớn…, cháu đã đánh mất bản thân mình để bây giờ phải chịu cảnh lao tù. Lẽ ra cuộc sống của cháu sẽ tốt đẹp hơn nhiều nhưng vì một phút nông nổi cháu đã đánh mất tất cả, đánh mất tương lai, mất tình cảm xóm làng của hai gia đình”.

Trong thư, Cường cũng cho biết, từ khi gây ra tội lỗi cho em H. , chưa bao giờ Cường thôi suy nghĩ về lỗi lầm của mình. Cường biết bản án 18 năm tù mà pháp luật dành cho mình là tương xứng với hành vi phạm tội. Cường chấp nhận bản án ấy và xem đó là cơ hội để cải tạo để làm người lương thiện, dẫu bài học ấy phải đánh đổi bằng 18 năm tuổi thanh xuân đằng đẵng.

Và Cường cũng tin rằng với ý chí và nghị lực, Cường sẽ vượt qua được sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng đối với tội nhân này, bản án nặng nề hơn cả 18 năm tù kia là bản án lương tâm vẫn từng giờ, từng phút tự vấn mình. Đã 5 năm trả án trong trại giam nhưng Cường vẫn không thể hiểu nổi mình trong thời khắc thú tính trỗi dậy đó.

Khi nghe tin về cái chết của em H., Cường đã “lặng người đi” và “không cầm được nước mắt. Không biết bao nhiêu đêm, kẻ tội nhân này tự vấn lương tâm mình “hay do hành vi thù tính của mình mà làm cho em H. ra nông nỗi đó?”. Phải mất một thời gian dài sau cái chết của em H. Cường mới lấy lại được tinh thần để tiếp tục với việc cải tạo của mình.

Chị Trần Thị P. - mẹ nạn nhân: Tôi tha thứ cho Cường, mong Cường biết ăn năn mà cải tạo tốt.
Chị Trần Thị P. - mẹ nạn nhân: "Tôi tha thứ cho Cường, mong Cường biết ăn năn mà cải tạo tốt".

Trong thư, Cường cũng mong muốn thời gian sẽ xóa nhòa đau thương, sẽ hàn gắn những vết thương mà mình đã gây ra cho gia đình nạn nhân và ước mơ “tình làng nghĩa xóm sẽ trở lại như xưa”. “Xin một lần nữa được nói lời xin lỗi tới gia đình chú và mong chú tha thứ để sau này hết án trở về cháu còn cơ hội phụng dưỡng mẹ già, cố gắng bù đắp phần nào tổn thất cho gia đình chú. Cháu mong được chú rộng lòng lượng thứ”, Cường viết.

Anh Trần Văn Đ. - người đàn ông quanh năm bám ruộng, chẳng mấy khi đi đâu xa nên cũng chẳng biết nói gì về bức thư mới nhận. Sau cái chuyện tày trời mà Cường gây ra cho con gái, rồi khi H. qua đời đột ngột, anh càng trở nên lầm lỳ ít nói hơn. Nhiều khi nhìn bạn bè cùng trang lứa của H. tung tăng cắp sách tới trường, anh không nén được nước mắt vì thương con phận mỏng.

Nỗi đau con bị hãm hại chưa kịp nguôi ngoai thì anh lại mất con vĩnh viễn bởi vậy khi nhận được lá thư của Cường, chút ngạc nhiên thoáng qua, anh vẫn không biết phải làm như thế nào cho phải. Trong tâm trí người cha là sự giằng xé giữa oán giận, trách móc và sự thứ tha. Có lẽ, anh cần nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về việc này.

Nhìn bên bức di ảnh chụp vội cho con sau khi cháu H. mất, chị Trần Thị P. cố nuốt nước mắt. Nhà nghèo đến nỗi khi con còn sống anh chị chẳng thể chụp cho con được bức ảnh cho tử tế. Lòng người mẹ như xát muối khi nhìn vào bức di ảnh của con. “Con người thì ai cũng mắc sai lầm cả. Nói chúng tôi không còn oán giận Cường thì không đúng. Từ hôm nhận được thư Cường, biết nó đã ăn năn, sám hối lỗi lầm của mình, người làm cha làm mẹ như chúng tôi cũng được an ủi phần nào. Giờ có trách, có giận thì cũng không thay đổi được gì nữa. Vợ chồng tôi tha thứ cho Cường, chỉ mong nó biết ăn năn mà cải tạo tốt…”, chị P. chia sẻ.

Sự việc xảy ra đã 5 năm nhưng hố sâu ngăn cách giữa 2 gia đình không dễ gì phá bỏ. Có lẽ, chỉ có Cường mới có thể xóa bỏ hố sâu này…

Theo Hoàng Lam (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm