Ý kiến khác nhau về vụ 3 con gà đi lạc

Xung quanh phán quyết của TAND huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp trong vụ án ba con gà đi lạc mà Pháp Luật TP.HCMphản ánh ngày 3-1, nhiều ý kiến cho rằng tòa xử vậy là chưa thấu lý đạt tình. Bởi người mất gà biết nhà hàng xóm đang tạm giữ mà không qua nhận lại, sau đó đi báo công an và kiện đòi là chưa hợp lý, trong khi người giữ gà cơ bản đã thông báo mà không ai đến nhận nên mới cho gà cho người khác. Nay tòa buộc người giữ gà phải bồi thường cho chủ gà là không ổn cả về pháp luật lẫn thực tiễn.

Pháp Luật TP.HCM ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau về cách xử này.

Thẩm phán LÊ THỊ HỒNG VÂN,TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM:

Chủ gà đã từ bỏ quyền sở hữu

Tôi không đồng tình với quan điểm xét xử của tòa. Thứ nhất, căn cứ Quyết định 3065 ngày 7-11-2005 của bộ trưởng Bộ NN&PTNT (ban hành quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm) thì điều kiện chăn nuôi gia cầm tại hộ gia đình phải có chuồng nuôi cách biệt với nhà ở và khu vực chăn nuôi phải có tường hoặc hàng rào bao quanh. Do vậy, việc bà G. thả rông gia cầm là vi phạm điều cấm của pháp luật. Việc để mất gà là lỗi của bà G. không quản lý vật nuôi.

Thứ hai, căn cứ lập luận của tòa cho rằng bà G. không đến nhận gà dù biết bà K. đang giữ gà do hai bên có mâu thuẫn là “có lý do chính đáng” là không phù hợp với quy định pháp luật về quyền sở hữu. Cụ thể, căn cứ để chấm dứt quyền sở hữu là người có tài sản từ bỏ quyền sở hữu theo quy định tại Điều 237 BLDS 2015.

Thứ ba, việc bà K. biết gà của bà G. nhưng không trả cũng có lý do là vì xích mích hai bên gia đình và dù đã treo cây, đăng Facebook nhưng quá lâu không ai đến nhận thì rõ ràng càng minh chứng cho việc bà G. từ bỏ quyền sở hữu.

Kiểm sát viên NGUYỄN THỊ HOA HUỆ, VKSND huyện Củ Chi, TP.HCM:

Chủ gà không được để gà phá phách nhà hàng xóm

Theo tôi, HĐXX tuyên bà K. bồi thường 693.000 đồng cho bà G. là không hợp lý. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 232 BLDS 2015 thì trường hợp gia cầm của một người thất lạc mà người khác bắt được thì phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Sau một tháng kể từ ngày thông báo, nếu không ai đến nhận thì gia cầm đó thuộc sở hữu của người bắt được.

Tôi giả sử hai trường hợp: Thứ nhất, sau một tháng, bà G. không đến nhận gà thì vật nuôi thuộc về bà K. Do đó bà K. không có lỗi và không phải bồi thường. Thứ hai, nếu chưa đến một tháng, bà K. đã tự động cho người khác, do đó bà K. có lỗi. Tuy nhiên, việc bà G. để gà thả rông đi sang nhà bà K. phá đồ đạc và phóng uế cũng có lỗi nên không thể bắt bà K. bồi thường.

Ông BÙI TOẢN, quận 1, TP.HCM:

Tòa chưa giải quyết triệt để vụ án

Tòa xử buộc bà K. phải bồi thường cho bà G. là chưa giải quyết triệt để vụ án, vì tòa vẫn chưa làm rõ thời hạn thông báo của bà K. đã đủ một tháng theo quy định tại Điều 232 BLDS 2015 hay chưa. 

Người được bà K. cho gà phải đưa vào tham gia tố tụng để làm rõ xem nếu gà còn thì phải trả lại cho bà G. Vì có khả năng khi cho gà, bà K. chưa đủ điều kiện là chủ sở hữu ba con gà nên việc cho gà là bất hợp pháp, cần phải trả lại nếu còn gà. Hơn nữa, khi xem xét trả lại gà cho bà G., bà G. phải có nghĩa vụ thanh toán lại cho bà K. chi phí nuôi gà trong thời gian bà K. và người nhận gà nuôi.

Anh NGUYỄN SA LINH, quận Phú Nhuận, TP.HCM:

Tòa xử chưa công bằng

Lý do chính đáng như tòa nói là do “có mâu thuẫn trầm trọng từ trước” theo tôi là chưa thỏa đáng. Bởi lẽ mâu thuẫn là mâu thuẫn trong quan hệ xóm giềng, còn việc mất gà thuộc quan hệ sở hữu tài sản. Hai mối quan hệ khác nhau nên không thể nói vì có mâu thuẫn nên có lý do chính đáng để không đến nhận gà về.

Biết rõ gà của mình trong nhà bà K. nhưng bà G. không đến nhận mà lại báo công an, làm như bà K. ăn trộm gà không bằng. Luật không buộc bà K. phải biết đây là gà của bà G., vì khó phân biệt gà của bà G. và gà của người khác. Vì vậy, tòa xử bà K. bồi thường cho bà G là chưa công bằng.

Lập luận của TAND huyện Hồng Ngự

Sau khi phát hiện bị mất ba con gà, bà G. nghe hàng xóm nói gà của bà bị bà K. nhốt tại nhà bà K. Do hai bên có mâu thuẫn từ trước nên bà G. không đến nhận lại gà mà bà đi báo công an, sau đó bà kiện đòi bà K. bồi thường giá trị ba con gà (693.000 đồng).

Bà K. thừa nhận có giữ ba con gà vào nhà bà phá đồ đạc và phóng uế bừa bãi. Bà đã biết ba con gà đó là của bà G. Bà có mời một số người đến làm chứng, sau đó bà treo gà lên cây để “gà của ai thì người nấy đến nhận”. Bà còn đăng ảnh ba con gà lên Facebook để “tìm chủ nhân của gà”. Do lâu quá mà chủ gà không đến nhận nên bà đã cho số gà này cho ba người khác.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho rằng việc bà G. biết bà K. có bắt giữ ba con gà của bà mà bà không đến nhận là có lý do chính đáng, vì hai bà có mâu thuẫn trầm trọng từ trước. Việc ba con gà vào nhà bà K., bà K. không báo chính quyền địa phương mà tự ý bắt giữ trái phép. Mặc dù biết là gà của bà G. mà bà K. tự ý đem cho người khác là xâm phạm đến quyền sở hữu đối với gia cầm của bà G. và gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản của bà G. Vì vậy, tòa tuyên buộc bà K. phải bồi thường 693.000 đồng cho bà G.

Người có lỗi phải bồi thường

Có thiệt hại thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi giữ gà của bà K. và hậu quả mất gà của bà G. thì người có lỗi là bà K. phải bồi thường. Giá và trọng lượng hai bên có thể thống nhất, nguyên tắc tự thỏa thuận về giá trị tài sản.

Bà K. biết rõ gà là của bà G. thì lùa ra khỏi cổng chứ sao giữ lại treo lên, đăng lên Facebook. Mà không biết Facebook của bà có mấy bạn bè, có ai xem không, có ai theo dõi không. Nếu Facebook ít người xem thì thông báo có công khai thì cũng như kín. Theo tôi, tòa xử vậy là đúng.

Anh NGUYỄN HỒNG, quận 11, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm