Y án tù chung thân Đinh Ngọc Hệ

Ngày 21-5, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên án phúc thẩm vụ sai phạm xảy ra tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, gây thất thoát tài sản Nhà nước số tiền 725 tỉ đồng.

Trong ngày xét xử trước, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út ‘trọc’, cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, người lập công ty Yên Khánh) từ chối luật sư chỉ định của toà. Do luật sư bị cáo mời vắng mặt toà vẫn xử nên Hệ từ chối tranh luận.

Tại phiên phúc thẩm, bị cáo Hệ đề nghị HĐXX thay đổi tội danh từ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sang tội trốn thuế. Còn về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, bị cáo Hệ kêu oan.

Các bị cáo Phạm Văn Diệt, (Tổng giám đốc điều hành Công ty Đức Bình), Vũ Thị Hoan (Giám đốc Công ty Yên Khánh) và Phạm Tấn Hoàng (Phó phòng Kế toán Công ty Yên Khánh) trình bày nhiều tình tiết giảm nhẹ xin xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. Ảnh: H.YẾN

Ngoài ra còn có kháng cáo của một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh.

Vụ án này, 16 bị cáo không kháng cáo, trong đó có các bị cáo Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng GTVT) và ông Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng GTVT) nên không triệu tập. 

HĐXX đồng tình với án sơ thẩm do mối quan hệ quen biết, ông Thăng đã giới thiệu để hai công ty của Hệ tham gia đấu giá và trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương. Sau đó, ông Hệ đã chỉ đạo nhân viên chiếm đoạt 725 tỉ đồng của Nhà nước.

Ngoài ra, bị cáo Hệ còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để yêu cầu công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự cho Hệ. Đổi lại, Hệ hứa cho công ty Licogi 13 được tham gia thi công dự án không qua đấu thầu.

Bị cáo Hệ đã lập khống các hồ sơ của công ty Yên Khánh để tham gia đấu thầu và chiếm đoạt quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương. Sau khi giành được quyền thu phí thì Hệ đã chỉ đạo cấp dưới dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền thu phí. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì Hệ đã yêu cầu cấp dưới tiêu hủy tài liệu.

Bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi lừa đảo và cho rằng mình không biết hành vi làm giả hồ sơ và điều chỉnh số tiền thu phí. Tuy nhiên, HĐXX nhận định bị cáo Hệ có động cơ chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu mới nhờ bị án Thăng tác động cho công ty của mình tham gia đấu giá quyền thu phí. 

Hành vi của bị cáo Hệ cùng đồng phạm diễn ra liên tục, trong một thời gian dài. Trong vụ án, bị cáo Hệ là chủ mưu, cầm đầu nên phải chịu trách nhiệm chính. 

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: H.YẾN

Cao tốc TPHCM – Trung Lương vẫn do Nhà nước sở hữu, số tiền 725 tỉ đồng là tài sản phải nộp về Bộ GTVT nên không có cơ sở xác định bị cáo Hệ phạm tội trốn thuế.

Các cấp dưới đã giúp sức tích cực cho bị cáo Hệ thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, cơ đủ căn cứ xác định bị cáo Hệ đã tác động lên lãnh đạo công ty Licogi 13 nên mua căn biệt thự với giá rẻ. 

Từ những phân tích trên, HĐXX xác định cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hệ mức án tù chung thân là đúng người, đúng tội, phù hợp với tính chất phạm tội cũng như hậu quả vụ án. Vì vậy, không có cơ sở xem xét kháng cáo của bị cáo Hệ.

Các đồng phạm của bị cáo Hệ bị truy tố mức hình phạt lên tới chung thân, cấp sơ thẩm đã xem xét đánh giá vai trò của từng bị cáo để tuyên phạt mức án dưới khung hình phạt. 

Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được các tình tiết mới của vụ án nên không chấp nhận kháng cáo.

Từ đó, tòa tuyên phạt bị cáo Hệ tù chung thân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 13 năm tù tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt chung thân. Đồng thời y án các bị cáo kháng cáo khác.

Theo án sơ thẩm, các bị cáo đồng phạm lừa đảo với Hệ bị phạt từ hai năm án treo đến 10 năm tù.

Ông Thăng bị phạt 10 năm tù,  sáu bị cáo nguyên cán bộ Bộ GTVT từ hai đến bốn năm sáu tháng tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Sau bản án sơ thẩm, ông Đinh La Thăng cùng cấp dưới chấp nhận hình phạt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm