Y án 12 năm tù với Út ‘trọc’

Sau hai ngày xét xử, chiều 1-11, Tòa án Quân sự Trung ương đã tuyên án đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, cựu tổng giám đốc (TGĐ) Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cùng đồng phạm. HĐXX quyết định không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt tại bản án sơ thẩm đối với ba bị cáo có kháng cáo.

Không oan!

Theo đó, tòa phạt Đinh Ngọc Hệ 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ và hai năm tù về tội sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức (tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù).

Bị cáo Trần Văn Lâm (cựu giám đốc điều hành Công ty Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P) năm năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Bị cáo Phùng Danh Thắm (cựu TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn) bị phạt 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX nhận định đối với hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của Đinh Ngọc Hệ và Trần Văn Lâm, tại phiên tòa bị cáo Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, chỉ bị cáo Lâm thừa nhận hành vi này.

Tuy nhiên, có đủ cơ sở xác định năm 2010-2016, bị cáo Hệ đã lợi dụng danh nghĩa là công ty của Bộ Quốc phòng và chức vụ để mua nhiều ô tô có giá trị lớn, sau đó đăng ký nhiều xe biển đỏ, biển xanh để tránh phải nộp thuế trước bạ. Hệ đã thế chấp 28/29 xe biển đỏ, biển xanh tại các ngân hàng. Đến thời điểm khởi tố vụ án, vẫn còn bốn xe biển quân sự đang thế chấp do bị cáo Hệ ký hợp đồng. Số tiền thu lợi bất chính từ việc cho thuê xe là hơn 3,4 tỉ đồng.

Ngoài ra, Đinh Ngọc Hệ và Trần Văn Lâm còn làm giả hồ sơ gửi xăng dầu, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 1,4 tỉ đồng. Bị cáo Hệ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo việc mua và đăng ký ô tô, sau đó sử dụng sai quy định, chỉ đạo lập hồ sơ để hợp thức hóa xăng dầu kém chất lượng.

Út “trọc” và đồng phạm tại tòa.  Ảnh: TA

Không giảm án vì dùng bằng giả

Đối với hành vi sử dụng bằng đại học giả, HĐXX xác định bị cáo Hệ phải chịu trách nhiệm về hành vi này là phù hợp, cấp sơ thẩm nhận định là đúng.

Đáng chú ý, theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra, xác minh, bị cáo Hệ được tặng thưởng một huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, một huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Tuy nhiên, từ năm 2000 bị cáo đã sử dụng bằng đại học giả trong quá trình công tác nên không có căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ nhờ việc được tặng thưởng huân, huy chương.

Xét kháng cáo của bị cáo Lâm, HĐXX thấy tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Do đó, không có cơ sở để tiếp tục xem xét các tình tiết này và cũng không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Còn với Phùng Danh Thắm, bị cáo đã không làm hết trách nhiệm, nhiệm vụ được giao, đã buông lỏng quản lý trong việc quản lý quân nhân Đinh Ngọc Hệ và Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, HĐXX cho rằng tòa cấp sơ thẩm xét xử Thắm tội thiếu trách nhiệm là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thắm thừa nhận bản án sơ thẩm kết tội mình là đúng và chỉ xin được giảm nhẹ hình phạt. Đảng ủy, cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Thái Sơn đã có đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Thắm. HĐXX cho rằng việc cấp sơ thẩm chỉ xử bị cáo 24 tháng cải tạo không giam giữ là đã xem xét hết các tình tiết giảm nhẹ, do đó không có căn cứ để giảm nhẹ thêm cho bị cáo.

Đối với kháng cáo của Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P, về phần dân sự, HĐXX chấp nhận sửa một phần bản án sơ thẩm. Theo đó, công ty này phải nộp hơn 3 tỉ đồng để sung công quỹ nhà nước.

Kiến nghị xem xét trách nhiệm nhiều người

Tại bản án, HĐXX cấp phúc thẩm còn kiến nghị cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của ông Cung Đình Minh (phó TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng). Ngoài ông Minh thì những người liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Hệ cũng bị đề nghị xem xét vì đã đồng ý việc Công ty CP Phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Q.P thế chấp, cho mượn ô tô trái quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm