Xử phúc thẩm vụ Tuần Châu kiện đạo diễn Việt Tú

Trước đó, ngày 10-10, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện này. Tuy nhiên, HĐXX đã cho hoãn phiên tòa do nguyên đơn là Công ty Tuần Châu Hà Nội có đơn xin hoãn vì người đại diện bị ốm.

Phiên tòa được mở để xem xét kháng cáo của cả hai phía Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú.

Đạo diễn Việt Tú (mặc áo vest, đứng) tại phiên tòa ngày 15-11. 

Tại phiên tòa sáng nay, 15-11, trong phần thủ tục phiên tòa, đạo diễn Hoàng Nhật Nam không đồng ý với vai trò và tư cách pháp nhân của mình là người biết việc mà vai trò của mình còn nhiều hơn thế. Từ đó, ông Nam mong được tòa xem xét để mình tham dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

"Là cha đẻ của vở Tinh hoa Bắc bộ, tôi mong muốn xin tòa chấp nhận cho được tham gia tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nếu tôi chỉ được tham gia với tư cách người biết việc, như vậy tôi không được quyền cung cấp các tài liệu liên quan” - đạo diễn Nhật Nam nói.

Được hỏi về vai trò đối với vở diễn Tinh hoa Bắc bộ, đạo diễn Nhật Nam cho biết mình là người sáng tạo nên kịch bản văn học và là người dàn dựng.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam (trái) mong muốn được đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Khi được đạo diễn Việt Tú hỏi về sự tham gia của người dân, việc sử dụng lại những người nông dân, ông Nhật Nam xác nhận chuyện này và nói thêm, Tinh hoa Bắc bộ có bổ sung đội hình múa chuyên nghiệp, phục vụ cho những cảnh diễn đặc sắc.

Trả lời về ý tưởng sân khấu của Tinh hoa Bắc bộ, đại diện Công ty Tuần Châu Hà Nội khẳng định đây là của Tập đoàn Tuần Châu, sau đó chỉ định cho Tuần Châu Hà Nội thực hiện. Ý tưởng có từ năm 2007.

Tại phiên tòa sáng nay, chủ tọa phiên tòa nhiều lần nhắc nhở bị đơn và nguyên đơn giữ sự bình tĩnh, kiên nhẫn.

Trong phần hỏi đáp giữa bị đơn và nguyên đơn, chủ tọa phiên tòa cũng cho biết HĐXX cho rằng mối quan hệ của Tuần Châu và ông Việt Tú ban đầu như tuần trăng mật, nên không nghĩ đến việc chia tài sản. Từ đó chủ tọa phiên tòa cũng bày tỏ đây là việc rất thấm thía cho cả hai bên...

Tại phiên tòa, luật sư của nguyên đơn nói căn cứ vào Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (định nghĩa về tác phẩm phái sinh), Tinh hoa Bắc bộ không phải là tác phẩm phái sinh. Cạnh đó, người đại diện cho nguyên đơn cũng cho rằng HĐXX sơ thẩm đã “bỏ quên” một văn bản quan trọng (mà họ đã nộp lên tòa) là công văn 295 của Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

Cụ thể, công văn này để trả lời cho Công ty DS về việc đề nghị hủy giấy chứng nhận tác giả với Tinh hoa Bắc bộ do không đáp ứng khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, Cục Bản quyền tác giả cho rằng chưa có đủ điều kiện hủy giấy chứng nhận tác giả với Tinh hoa Bắc bộ của đạo diễn Nhật Nam vì chưa đủ cơ sở nhận định đây là tác phẩm phái sinh, có sao chép.

Cuối cùng, luật sư cùng người đại diện của Tuần Châu đều đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội sửa án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty DS, công nhận Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm độc lập, không phải là tác phẩm phái sinh từ vở diễn Ngày xưa của đạo diễn Việt Tú.

Trong khi đó, người đại diện cho Công ty DS cũng trình bày cụ thể các nội dung kháng cáo của mình. Theo đó, Công ty DS tiếp tục yêu cầu Công ty Tuần Châu thanh toán tổng số tiền là 7,6 tỉ đồng cho khoản thu nhập họ bị mất, chi phí luật sư…

Ngoài ra, DS là đơn vị đang nắm quyền chủ sở hữu kịch bản vở Ngày xưa. DS khẳng định chỉ chuyển quyền sở hữu kịch bản vở diễn này cho Công ty Tuần Châu khi họ được thanh toán đủ số tiền trên, hoàn tất thủ tục liên quan, có ghi nhận trên đăng ký quyền tác giả vở Tinh hoa Bắc bộ với nội dung tác phẩm này là phái sinh của kịch bản vở diễn Ngày xưa.

Hơn hai giờ đồng hồ hỏi đáp giữa hai bên nguyên đơn, bị đơn và phần hỏi của HĐXX với các bên đương sự diễn ra khá căng thẳng khiến vị chủ tọa phải ngắt lời và nhắc “bớt căng thẳng”.

Trả lời những câu hỏi của luật sư phía nguyên đơn liên quan đến vở diễn Ngày xưa, đạo diễn Việt Tú cho hay ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về lĩnh vực múa rối nước, gắn bó với khu vực gần Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Do vậy, kịch bản diễn thực cảnh Mặt nước hồn người (được đạo diễn Việt Tú cho là tiền thân của Ngày xưa) đã được thai nghén cả quá trình trước khi hợp tác với Tuần Châu Hà Nội.

Khi hợp tác với công ty Tuần Châu, đạo diễn Việt Tú cho biết phía Tuần Châu Hà Nội không đưa ra yêu cầu cụ thể nào mà chỉ đặt vấn đề “hãy làm một cái gì đó, bất cứ là cái gì bán được vé, thu tiền của khách du lịch”.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục…

Cả hai bên đều kháng cáo

Theo hồ sơ, ngày 16-11-2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS của đạo diễn Việt Tú ký hợp đồng nguyên tắc, thống nhất giao Công ty DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh của Tuần Châu, xây dựng kịch bản Ngày xưa (hay còn gọi là Thủa ấy xứ Đoài) để biểu diễn tại khu du lịch Tuần Châu Hà Nội (huyện Quốc Oai).

Sau khi tác phẩm ra đời, giữa Công ty Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú xảy ra tranh chấp về bản quyền vở diễn, Công ty Tuần Châu khởi kiện ra tòa.

Tháng 3-2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Theo đó, tòa này nhận định đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn Ngày xưa, còn Công ty Tuần Châu là chủ sở hữu kịch bản. 

Cùng với đó, HĐXX cũng chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty DS. Qua các tài liệu, chứng cứ, tòa xác định Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm phái sinh (được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay biến đổi một vài thành tố nào đó) của vở Ngày xưa. Tòa yêu cầu Công ty Tuần Châu Hà Nội chi trả 660 triệu đồng là tiền lãi cho các khoản chậm thanh toán và 10% doanh thu bán vé như cam kết.

Sau khi án sơ thẩm tuyên, cả hai phía Công ty Tuần Châu và Công ty DS đều làm đơn kháng cáo. Phía Công ty Tuần Châu kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty Tuần Châu đối với Công ty DS. Ngoài ra, Công ty Tuần Châu cũng đề nghị tòa không chấp nhận nội dung bản án sơ thẩm tuyên kịch bản Tinh hoa Bắc bộ là tác phẩm phái sinh của kịch bản Ngày xưa và phần tuyên Công ty Tuần Châu phải thanh toán tiền cho Công ty DS theo yêu cầu phản tố.

Phía Công ty DS kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm buộc Công ty Tuần Châu phải thực hiện một số điều kiện thì Công ty DS mới chuyển quyền sở hữu vở diễn thực cảnh Ngày xưa cho Công ty Tuần Châu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm