Xử lưu động bị cáo chưa thành niên, vì sao?

Theo lịch, ngày 16-6 tới, TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) sẽ mở phiên tòa lưu động tại Phòng Văn hóa-Thông tin huyện để xử sơ thẩm đối với bị cáo chưa thành niên HSN (sinh ngày 10-7-1998). Việc tòa xử lưu động người chưa thành niên khiến nhiều người cảm thấy đi ngược lại xu hướng tố tụng tiến bộ, tôn trọng quyền con người mà BLTTHS 2015 và BLHS 2015 đã quy định.

Tòa nói luật không cấm

Hồ sơ vụ án thể hiện do có mâu thuẫn nên N. đã gây thương tích cho hai người bị hại, một người bị 34%, người kia 15%. N. bị VKSND huyện Sông Hinh truy tố tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (có mức hình phạt 5-10 năm tù). Bị cáo N. chưa có tiền án, tiền sự, quá trình điều tra N. cũng thành khẩn khai báo, đã tự nguyện bồi thường một phần thiệt hại cho người bị hại.

Trước thông tin con mình sẽ bị TAND huyện Sông Hinh đưa ra xử lưu động, mẹ ruột của N. bức xúc cho rằng xử vậy là không phù hợp vì N. chưa đủ 18 tuổi.

Giải thích việc này với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Ka Sô Bách (TAND huyện Sông Hinh, chủ tọa phiên tòa) nói: “Theo kế hoạch, mỗi năm tòa phải xử lưu động một số vụ án. Còn việc chọn vụ nào để xử lưu động là do lãnh đạo tòa quyết định. Tôi cũng không biết vì sao lãnh đạo tòa chọn vụ án này nhưng chắc là để tuyên truyền pháp luật…”.

PV nhiều lần liên lạc với ông Bùi Châu Kha, Phó Chánh án TAND huyện Sông Hinh, để nghe giải thích thêm nhưng ông Kha không nghe máy.

Ông Lê Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, nói: “Hiện tôi chưa nắm cụ thể vụ này, song việc xử lưu động những vụ án như thế này nhằm mục đích giáo dục cho thế hệ trẻ, không những đối với bị cáo mà còn đối với những thanh niên khác của xã hội. Đến giờ luật pháp chưa quy định, chưa cấm việc xử lưu động, luật cũng chưa quy định rõ trường hợp nào xử lưu động, trường hợp nào không”.

Phiên tòa thân thiện đầu tiên trên cả nước xử bị cáo chưa thành niên tại TAND TP.HCM hôm 1-6. Ảnh: HOÀNG YẾN

Không nên xử lưu động

Ông Nguyễn Đình Thắm (VKSND Cấp cao tại Hà Nội) và luật sư (LS) Nguyễn Hồng Hà (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa) cùng quan điểm cho rằng không nên xử lưu động với người chưa thành niên. Cả hai ông nói không phải pháp luật chưa có quy định, quan trọng là tòa phải hiểu đúng tinh thần nhân văn để áp dụng.

Cụ thể, khoản 2 Điều 11 Thông tư liên tịch số01/2011 của VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn một số quy định của BLTTHS liên quan đến người tham gia tố tụng là người chưa thành niên) quy định: Tòa án có thể quyết định xét xử kín vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ. Không tiến hành xét xử lưu động vụ án do người chưa thành niên gây ra, trừ trường hợp cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật và phòng ngừa tội phạm.

Điều 414 BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới) cũng quy định bảy nguyên tắc tiến hành tố tụng đối với người dưới 18 tuổi để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Trong đó nổi bật là tòa án phải thực hiện thủ tục tố tụng thân thiện, đảm bảo bí mật cá nhân cho đối tượng dễ tổn thương này...

Ông Thắm phân tích luật đã nói tương đối rõ và trao quyền chủ động cho tòa án lựa chọn hình thức xét xử theo tinh thần hạn chế tối đa xử lưu động người chưa thành niên. “Tôi cho rằng kể cả khi cần giáo dục, tuyên truyền pháp luật hoặc phòng ngừa tội phạm thì cũng không nên đưa họ ra xử lưu động. Thiếu gì vụ án bình thường khác mà phải đưa những đứa trẻ ra chốn công cộng xét xử, như vậy thì còn gì là tính nhân đạo, là cảm hóa, giáo dục trẻ chưa thành niên khi họ lỡ phạm tội nữa…” - ông Thắm nói.

“Phủ kín” phòng xử thân thiện cả nước

LS Hồng Hà cho rằng Điều 11 thông tư liên tịch nêu trên còn có hướng dẫn khá tiến bộ. Theo đó khi xét xử, tòa có thể sắp xếp lại vị trí của những người tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng nhằm làm giảm cảm giác căng thẳng, sợ hãi đối với người chưa thành niên. “Khoản 1 Điều 414 BLTTHS 2015 cũng quy định cần bố trí vị trí của bị cáo gần với vị trí của người đại diện, người bào chữa cho họ để hỗ trợ, tạo tâm lý tự tin cho bị cáo trong quá trình thẩm vấn, tranh tụng tại phiên tòa” - LS Hồng Hà lưu ý.

Còn theo một thẩm phán chuyên xử hình sự ở TAND TP.HCM thì ở nước ngoài, xu hướng phòng xử án thân thiện cho người chưa thành niên đã hình thành từ lâu. “Chúng ta đang hiện thực hóa mô hình này bằng việc thành lập những tòa chuyên trách, trong đó có tòa án dành riêng cho người chưa thành niên. Gần đây, TAND Tối cao cũng đã có chỉ đạo, đối với các vụ án hình sự mà bị cáo là người chưa đủ 18 tuổi, phòng xử án cần được bố trí thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, khả năng nhận thức của bị cáo. Chúng ta phải bỏ tư duy cũ, không nên đưa vụ án có bị cáo chưa thành niên ra xử lưu động” - vị thẩm phán này nói.

Đã có phiên tòa thân thiện đầu tiên

Ngày 1-6, Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm bị cáo NML (sinh năm 1998) phạm tội trộm cắp tài sản. Đây là phiên xử đầu tiên trong cả nước theo mô hình phòng xử thân thiện dành cho người chưa thành niên. Phòng xử không có vành móng ngựa, bố trí chỗ ngồi thành hình vuông, bị cáo ngồi gần người thân và LS… Đặc biệt, tòa không để bảng bị cáo mà để “người dưới 18 tuổi” trước mặt bị cáo. Phiên tòa giống một buổi họp thân thiện để bị cáo không căng thẳng, sợ sệt.

TAND TP.HCM cũng là tòa có Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại đầu tiên trong cả nước. Tòa này chuyên xét xử các tranh chấp liên quan đến hôn nhân-gia đình; người phạm tội chưa đủ 18 tuổi hoặc người bị hại dưới 18 tuổi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm