Xử kín vụ tham ô tại công ty FOSCO

TAND TP.HCM vừa ra quyết định xét xử vụ án tham ô và thiếu trách nhiệm tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ quan nước ngoài (FOSCO).

Đáng chú ý theo quyết định này, vụ án sẽ được xử kín và tuyên án công khai theo luật định.

Chủ toạ phiên xử là thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh toà Hình sự TAND TP.HCM. HĐXX gồm 5 người ngoài thẩm phán chủ toạ còn có một thẩm phán khác. Dự kiến phiên xử diễn ra trong hai ngày 21 và 22-1.

Vụ án có 18 bị cáo. Trong đó, Trần Hoàng Nguyệt (cựu phó phòng tài chính kế toán FOSCO) cùng Đoàn Trúc Sơn, Ngô Minh Dũng và Hà Minh Hoàng bị truy tố về tội tham ô tài sản theo khoản 4 Điều 353 BLHS (khung hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Bị cáo Trần Công Thanh (cựu phó tổng giám đốc FOSCO) và 13 đồng phạm bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS (khung hình phạt 3-12 năm tù).

Để phục vụ cho việc xét xử, HĐXX triệu tập nguyên đơn dân sự và 14 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Gần 20 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho đương sự.

Quá trình điều tra xác định tháng 6-2012, Nguyễn Tấn Tài (tổng giám đốc FOSCO) bàn với Ngô Minh Dũng (phó giám đốc trung tâm cung ứng lao động) cùng hai đối tượng khác lập ký khống các bảng lương để rút tiền từ tài khoản của FOSCO làm phí ngoại giao nhằm "bôi trơn" cho các dự án, sử dụng vào các hoạt động khác của công ty và tiêu dùng cá nhân.

Từ tháng 12-2012 đến tháng 3-2016, lợi dụng công việc được giao và sự buông lỏng quản lý, Nguyệt và ba đồng phạm đã cấu kết lập khống 314 bộ chứng từ lương để tham ô số tiền 44 tỉ đồng. Cụ thể là các khoản phải thu, phải trả hộ đối với khách hàng, hoạt động kinh doanh dịch vụ chi trả hộ lương và nghĩa vụ tại trung tâm cung ứng lao động...
Cơ quan tố tụng xác định ngoài Tài là chủ mưu đã chết thì Nguyệt là người tổ chức, hướng dẫn và kiến tạo ra cách thức lập các bộ chứng từ lương khống để chiếm đoạt tiền của FOSCO. Còn Sơn là đồng phạm giúp sức tích cực cho Nguyệt và là người thực hiện việc rút, chuyển giao số tiền chiếm đoạt.
Đối với Trần Công Thanh, thời điểm ông Tài nghỉ chữa bệnh thì Thanh được tin tưởng giao trọng trách điều hành mọi hoạt động của FOSCO. Tuy nhiên, Thanh đã buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho Nguyệt và đồng phạm thực hiện hành vi tham ô tài sản. Thời điểm Thanh phụ trách, số tiền FOSCO bị thiệt hại là 13,4 tỉ đồng...

Xử kín, tuyên án công khai

Xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai. Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có HĐXX, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng do toà triệu tập nếu xét thấy cần thiết. Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo, đương sự.

Tòa án thường xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, toà có thể xét xử kín. Tuy nhiên, việc tuyên án sẽ được tiến hành công khai, chỉ đọc phần quyết định trong bản án theo Điều 327, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm