Xử hình sự chủ quán xin chào: Vội vàng và sai luật

Ngày 20-4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã chỉ đạo giám đốc Công an TP, viện trưởng VKSND TP khẩn trương làm rõ vụ chủ quán cà phê Xin chào bị khởi tố, truy tố vì chậm đăng ký kinh doanh, chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm

Vừa nộp phạt xong đã bị khởi tố

Theo hồ sơ, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin chào, bị cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh khởi tố, truy tố về tội kinh doanh trái phép theo khoản 1 Điều 159 BLHS.

Ban đầu, Công an huyện Bình Chánh lập biên bản vi phạm hành chính rồi ra quyết định xử phạt ông Tấn 17 triệu đồng về năm hành vi, trong đó có hành vi không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (GCN VSATTP). Sau đó, khi kiểm tra quán cà phê lần 2, công an lập biên bản ông Tấn vi phạm hai hành vi: Khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng, sử dụng nước giếng khoan để sơ chế thực phẩm.

Cáo trạng của VKSND huyện Bình Chánh xác định ông Tấn đang hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp GCN VSATTP. Vì vậy, nửa tháng sau ngày lập biên bản lần 2, công an huyện ra quyết định khởi tố ông Tấn về tội kinh doanh trái phép.

Trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM ngày 19-4, ông Lê Thanh Tòng, nguyên Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh (người từng phụ trách vụ án này), lý giải hành vi mà ông Tấn bị lập biên bản lần 2 là hành vi kinh doanh không có giấy phép riêng. Điều này được hiểu là cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh đã coi GCN VSATTP chính là giấy phép riêng, một trong ba hành vi nếu từng bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm nữa là đã cấu thành tội kinh doanh trái phép.

Quán cà phê Xin chào của ông Nguyễn Văn Tấn. Ảnh: NGUYỄN QUYNH

GCN VSATTP không phải là giấy phép

Điều 159 BLHS quy định rõ ba trường hợp kinh doanh trái phép. Một là kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, hai là kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký và ba là kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.

Theo tinh thần của điều luật, một người nếu từng bị xử phạt hành chính một trong ba hành vi nói trên mà sau đó tiếp tục vi phạm chính hành vi đã từng bị xử phạt đó nữa thì đã phạm vào tội kinh doanh trái phép.

Ở hai trường hợp đầu, ông Tấn không vi phạm. Vậy còn trường hợp thứ ba thì sao?

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ KH&ĐT, cho biết Nghị định 118/2015 hướng dẫn Luật Đầu tư có quy định tại Điều 9 rằng: Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Văn bản xác nhận; e) Các hình thức văn bản khác...

Theo ông Tuấn, giấy phép là một trong các loại điều kiện kinh doanh nhưng điều kiện kinh doanh không nhất thiết phải là giấy phép. Mặc dù chúng ta hay nói “vo” là giấy phép, nhưng đã xét luật thì phải xét đúng thuật ngữ, giấy phép là giấy phép, giấy chứng nhận là giấy chứng nhận.

“Ngành nghề kinh doanh thực phẩm là ngành nghề không đòi hỏi giấy phép. Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn kinh doanh thực phẩm chỉ quy định ngành nghề này phải có GCN ATVSTP, nó không phải là giấy phép. Mà một khi GCN ATVSTP không phải là giấy phép thì không thể áp vào trường hợp vi phạm kinh doanh không có giấy phép riêng để xử hình sự ông Tấn theo Điều 159 BLHS” - Cục phó Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng cần nói thêm, nếu ông Tấn kinh doanh ăn uống (thực phẩm) mà không có GCN ATVSTP thì ông không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Khi đó, ông có thể bị xử phạt hành chính bằng phạt tiền cho đến mức tước GCN điều kiện kinh doanh.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có 267 ngành nghề cần điều kiện kinh doanh, trong đó chỉ có một số ngành đòi hỏi giấy phép. Ví dụ như giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu, giấy phép tư vấn quy hoạch thủy điện, giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, giấy phép phân phối/bán buôn/bán lẻ sản phẩm thuốc lá...

Rõ ràng, GCN ATVSTP không thể bị đánh đồng với giấy phép. Điều 159 BLHS chỉ áp dụng với ngành nghề cần phải có giấy phép mà thôi.

Sáng nay (21-4), Công an TP.HCM họp báo thông tin về vụ án

(PL)- Chiều 20-4, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo Công an TP và đề nghị VKSND TP kiểm tra vụ việc ông Nguyễn Văn Tấn chậm có giấy phép kinh doanh bị khởi tố.

Trước đó, sáng cùng ngày, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng cho biết đã chỉ đạo giám đốc Công an TP, viện trưởng VKSND TP khẩn trương làm rõ vụ này.

Chiều 20-4, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đâu, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh, cho biết hồ sơ đã được chuyển lên VKS TP cùng ngày. Lãnh đạo VKS TP thì cho biết đã giao phòng nghiệp vụ nghiên cứu hồ sơ, đồng thời yêu cầu bổ sung các tài liệu chưa đủ để sớm có hướng xử lý những thông tin báo chí phản ánh.

Cũng trong chiều 20-4, Ban giám đốc Công an TP đã yêu cầu Đại tá Nguyễn Văn Quý, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, trực tiếp có mặt để báo cáo toàn bộ quá trình xử lý vụ việc của ông Tấn. Sau khi nghe ông Quý báo cáo, sáng nay (21-4) Công an TP sẽ tổ chức họp báo để thông tin vụ việc với báo chí.

 TL - HT - PL

Quyết định xử phạt ông Tấn cũng sai luật

Ông Nguyễn Văn Tấn có quyền kiện quyết định này.

Điều 58 và 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012 quy định: Khi phát hiện VPHC thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Biên bản VPHC phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm. Trường hợp cá nhân thực hiện nhiều hành vi VPHC thì phải lập biên bản trong cùng một lần đối với hành vi vi phạm cùng lĩnh vực. Trong khi đó, biên bản VPHC của Công an huyện Bình Chánh ngày 17-8-2015 căn cứ vào biên bản ghi nhận sự việc ngày 13-4-2015 nhưng thực tế thì ngày này không có biên bản ghi nhận sự việc nào liên quan đến vụ ông Tấn cả. Giả sử có sự nhầm lẫn trong đánh máy ngày tháng (đúng ra phải là ngày 13-8-2015) thì việc lập biên bản VPHC trong hai lĩnh vực khác nhau mà người có thẩm quyền lập biên bản lại không căn cứ vào sự việc và hành vi vi phạm mà lại dẫn chiếu vào một biên bản khác để xác định hành vi VPHC là trái pháp luật.

Cụ thể, trường hợp ông Tấn, biên bản VPHC ngày 17-8 đã được lập ở hai thời điểm khác nhau (hai ngày khác nhau, hai địa điểm khác nhau: Quán cà phê và trụ sở công an) trong hai lĩnh vực (kinh doanh thương mại và an toàn thực phẩm) là không đúng quy định.

Quyết định xử phạt VPHC ngày 18-8 căn cứ vào biên bản VPHC ngày 17-8 để ban hành nhưng biên bản ngày 17-8 này lại là biên bản bất hợp pháp. Từ đó, quyết định xử phạt VPHC cũng là quyết định bất hợp pháp.

Ông Tấn có thể khởi kiện tại TAND huyện Bình Chánh để yêu cầu tòa tuyên hủy quyết định xử phạt ngày 18-8 vì nó không hợp pháp. Nếu quyết định xử phạt bị hủy thì mặc nhiên ông Tấn không có hành vi vi phạm.

Ngoài ra, trong biên bản ngày 10-9 thể hiện dù phía kiểm tra cho rằng hộ ông Tấn sử dụng nước giếng không đạt chuẩn sơ chế thực phẩm nhưng ông Tấn phản đối và cho rằng dùng nước đạt chuẩn. Lẽ ra, theo quy định về lập biên bản trong Luật Xử lý VPHC 2012 thì biên bản phải ghi thu giữ tang vật để có cơ sở giám định việc đạt chuẩn hay không nhưng biên bản lại không ghi nhận. Biên bản này cũng xác định khu vực chế biến có côn trùng độc hại nhưng tang vật, hình ảnh chứng minh lại không thấy ghi nhận trong biên bản. Nếu ông Tấn phản đối thì lấy gì chứng minh?! Hơn nữa, theo Điều 66 Luật Xử lý VPHC 2012 thì thời hạn tối đa để ra quyết định xử phạt VPHC chỉ là 67 ngày (trường hợp đặc biệt nghiêm trọng). Như vậy đến nay biên bản này không còn giá trị và hết thời hiệu ra quyết định xử phạt. Nói cách khác, bây giờ Công an huyện Bình Chánh có muốn xử phạt ông Tấn về hai hành vi này thì cũng không thể được nữa.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên thẩm phán TAND Tối cao

HÀNH TRÌNH "THEO ĐUỔI" VÀ XỬ HÌNH SỰ ÔNG TẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm