Xử án hành chính: Thẩm phán phải tổ chức đối thoại

Cạnh đó, luật mới cũng bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc đối thoại, về những vụ án không tiến hành đối thoại được, về thông báo phiên họp đối thoại, thành phần, thủ tục đối thoại...

Các quy định trên được đánh giá là bước hoàn thiện đáng kể so với Luật Tố tụng hành chính hiện hành: Luật hiện hành quy định trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, tòa án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án, có nghĩa là đối thoại không phải là thủ tục bắt buộc. Mặt khác, luật hiện hành chưa quy định việc ai có quyền yêu cầu đối thoại, trình tự, thủ tục và phương thức đối thoại; thành phần tham gia phiên đối thoại; xử lý kết quả đối thoại... nên việc đối thoại chưa được áp dụng một cách hiệu quả trong quá trình tòa án giải quyết án.

Bên cạnh đó, Luật Tố tụng hành chính 2015 bổ sung quy định mới về thủ tục rút gọn. Theo đó, vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau: Có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và tòa không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị tòa giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một thẩm phán thực hiện. Ngoài ra, luật cũng quy định về phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn, về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn; về khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn; về phiên tòa theo thủ tục rút gọn... Cũng cần lưu ý, trong thủ tục rút gọn, tòa áp dụng mức tạm ứng án phí, án phí thấp hơn so với mức tạm ứng án phí, án phí áp dụng đối với vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường...

Ngoài ra, để phù hợp với BLDS 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015 bổ sung quy định về người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người được tòa án chỉ định. Về người đại diện theo ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính, luật quy định các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện.

Ở đây, cần lưu ý là Luật Tố tụng hành chính 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân thì có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 vì các quy định này được bổ sung theo BLDS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm