Xài lụi ca khúc trong phim: Coi chừng bị tù

Ngày 29-8, trên trang cá nhân của mình, ca sĩ Noo Phước Thịnh (Noo) có trình bày về việc ca khúc anh hát bị xài lụi. Đây là vấn đề pháp lý không mới nhưng ít được những người trong giới để ý để hành xử cho đúng.

Yêu cầu bồi thường 500 triệu đồng

Theo ca sĩ Noo, bộ phim Ngôi nhà bươm bướm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh (đang được khởi chiếu trên các cụm rạp toàn quốc) có sử dụng ca khúc Mãi mãi bên nhau (do nhạc sĩ Đỗ Hiếu sáng tác và anh thể hiện) mà chưa được sự đồng ý từ phía nam ca sĩ này.

“Việc sử dụng bản thu của Noo như thế này đồng nghĩa là mình đang tham gia hát nhạc phim cho dự án này nhưng sự thật thì... Noo hoàn toàn không dính dáng hoặc tham gia vào bộ phim này và cũng đồng nghĩa với việc êkíp đang sử dụng chất xám và sức sáng tạo của Noo một cách bất hợp pháp” - Noo chia sẻ trên trang cá nhân.

Ngoài ra, phía ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng chính thức ủy quyền cho luật sư xử lý vụ việc và yêu cầu nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm bồi thường 500 triệu đồng.

Được biết nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm đã gửi lời xin lỗi đến nhạc sĩ Đỗ Hiếu và Noo Phước Thịnh cùng một số nhạc sĩ, ca sĩ khác mà họ sử dụng các ca khúc đưa vào phim khi chưa có sự đồng ý của tác giả.

Vấn đề pháp lý bạn đọc đặt ra là việc xài lụi ca khúc đưa vào một bộ phim thương mại có thể bị xử lý như thế nào.

Nam ca sĩ Noo Phước Thịnh. (Ảnh lấy từ trang Facebook của nam ca sĩ Noo Phước Thịnh)

Xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

ThS Nguyễn Phương Thảo (chuyên gia về Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), ĐH Luật TP.HCM) cho biết tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả (CSHQTG) có các quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định của Luật SHTT (Điều 18, 19, 20).

“Việc sử dụng các ca khúc đưa vào một bộ phim thương mại như trường hợp của ca sĩ Noo Phước Thịnh là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả (quyền khai thác, sử dụng tác phẩm, biểu diễn tác phẩm trước công chúng, làm tác phẩm phái sinh, truyền đạt tác phẩm đến công chúng). Các quyền này thuộc độc quyền khai thác của tác giả/CSHQTG. Chủ thể nào muốn sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền này đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho CSHQTG (khoản 3 Điều 20 Luật SHTT). Nếu không, đây sẽ bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật SHTT” - ThS Phương Thảo nhận định.

Theo ThS Phương Thảo, bộ phim sử dụng tác phẩm âm nhạc trong trường hợp này còn khác với trường hợp sử dụng tác phẩm để đi hát biểu diễn ở chỗ sản phẩm sử dụng không chỉ là bài hát mà còn là phần biểu diễn, bản ghi âm của ca sĩ. Cho nên ngoài trách nhiệm xin phép, trả tiền cho CSHQTG thì người sử dụng còn có trách nhiệm xin phép, trả tiền đối với chủ sở hữu quyền liên quan đến quyền tác giả (Điều 29, Điều 30 Luật SHTT).

Theo Điều 198 Luật SHTT, tác giả các tác phẩm đó có quyền yêu cầu người đã tiến hành sử dụng ca khúc đưa vào phim mà không xin phép phải chấm dứt hành vi xâm phạm (gỡ bỏ các sản phẩm trên), trả một khoản tiền tương ứng cho việc sử dụng tác phẩm, bồi thường thiệt hại (nếu có).

Từ bị kiện dân sự đến chịu trách nhiệm hình sự

Hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan theo Điều 211 Luật SHTT, Nghị định 131/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017).

Trong trường hợp các bên không thể thương lượng giải quyết vụ việc, chủ sở hữu phần biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có thể khởi kiện tại tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Phó Trưởng Khoa luật, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM), trường hợp hành vi vi phạm cấu thành tội phạm hình sự được quy định tại Điều 225 BLHS.

“Theo điều luật trên, nếu xác định được việc “ăn cắp” bản quyền mà thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 500 triệu đồng trở lên… thì cá nhân có thể bị phạt tù lên đến ba năm. đối với pháp nhân thương mại có thể bị phạt lên đến 3 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động đến hai năm” - TS Hồng Nhung nói.

Mua bản quyền nhầm chỗ?

Xác nhận với PV, một thành viên trong êkíp sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm cho biết đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - Chi nhánh phía Nam để mua bản quyền cho ca khúc và trả tiền sử dụng quyền tác giả cho trung tâm này để sử dụng tác phẩm Mãi mãi bên nhau (nhạc sĩ Đỗ Hiếu) trong phim Ngôi nhà bươm bướm với giá 66 triệu đồng.

Về vấn đề trên, ThS Nguyễn Phương Thảo cho rằng hợp đồng giữa nhà sản xuất phim Ngôi nhà bươm bướm với trung tâm nói trên là sự thỏa thuận của hai bên về việc sử dụng tác phẩm thuộc quyền tác giả được bảo hộ theo quy định tại Điều 20 Luật SHTT. Đây chỉ là quyền tài sản thuộc quyền tác giả, chưa bao gồm quyền của các chủ thể liên quan. Do vậy, với việc đưa ca khúc vào trong phim thương mại thì chủ sở hữu phần biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình hoàn toàn có thể yêu cầu nhà sản xuất phim có trách nhiệm xin phép, trả tiền khi sử dụng các sản phẩm này. Đây là hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả theo Điều 35 Luật SHTT.

“Thay vì liên hệ với ca sĩ Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu để mua bản quyền mới phù hợp thì phía nhà sản xuất phim lại đi mua bản quyền ở trung tâm nói trên. Đây là việc mua bản quyền nhầm chỗ, chưa rõ do lỗi vô tình hay cố ý” - ThS Phương Thảo nhận xét. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm