Xác nhận độc thân: Hiểu đúng để đỡ hành dân!

Trong việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nói gọn là xác nhận độc thân), quy định cũ cho phép người dân được viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình ở các nơi đã sống. Nay theo Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người dân phải được từng nơi xác nhận.

Trong quá trình triển khai luật này, có người từng ở nhiều chỗ khác nhau, trong đó có thời gian sống ở nước ngoài, đang bị yêu cầu hoặc lo ngại gặp vất vả đi xin xác nhận độc thân để được đăng ký kết hôn (bài “Bở hơi tai xác định độc thân vì… đi du học” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 29-2). Nhiều ý kiến cho rằng luật mới gây khó thêm cho dân nhưng theo tôi chính cách hiểu chưa đúng của một số phường, xã đã gây ra các rắc rối không đáng có cho người dân.

Chỉ xin xác nhận ở nơi thường trú

Có một điều chỉnh cần lưu ý trong Luật Hộ tịch, đó là nếu phải xin xác nhận ở nhiều nơi thì đó chỉ là nơi đăng ký thường trú, tức là nơi mà người dân có hộ khẩu. Điều này được thể hiện rõ ở khoản 4 Điều 22 Nghị định 123/2015 của Chính phủ: Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình”.

Trong khi đó, quy định cũ yêu cầu phải cam kết việc độc thân ở các nơi cư trú, tức nếu chiếu theo Luật Cư trú thì là nơi thường trú hoặc tạm trú. Nguyên văn của quy định nêu tại khoản 2d mục II Thông tư 01/2008 của Bộ Tư pháp là:Đối với những người đã qua nhiều nơi cư trú khác nhau (kể cả thời gian cư trú ở nước ngoài), mà UBND cấp xã, nơi xác nhận tình trạng hôn nhân không rõ về tình trạng hôn nhân của họ ở những nơi đó, thì yêu cầu đương sự viết bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian trước khi về cư trú tại địa phương...”.

Anh Đỗ Phan Nam Tiến, người đang gặp khó khăn khi xác định độc thân vì có thời gian bốn năm du học bên Pháp. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Căn cứ vào quy định “đăng ký thường trú” đã nêu của Nghị định 123/2015 thì UBND phường, xã chỉ cần quan tâm đến nơi đương sự có đăng ký hộ khẩu là đủ. Từ đó có thể nhận thấy đòi hỏi của UBND phường và nỗi lo của một người dân từng đi du học và làm việc ở nhiều nước được nêu trong bài viết trên là không đúng.

Cụ thể, khi đương sự trước giờ chỉ đăng ký hộ khẩu ở một nơi duy nhất thì anh chỉ cần đến nơi này làm giấy xác nhận độc thân và UBND phường có thể dựa vào sổ sách lưu trữ để xác nhận bình thường. Việc UBND phường buộc anh phải xin xác nhận tình trạng hôn nhân của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp do anh có bốn năm du học ở Pháp là không cần thiết và tất nhiên là không đúng Luật Hộ tịch. Bởi lẽ nếu trước đây anh có đăng ký kết hôn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thì chắc chắn anh đã phải xin xác nhận độc thân tại chính phường này để bổ túc hồ sơ kết hôn.

Tương tự, với việc trước có hộ khẩu ở Quảng Trị và giờ có hộ khẩu ở TP.HCM, người phụ nữ được nhắc đến trong bài chỉ cần hai nơi này (tức không phải là cả bốn nước đã từng ở) xác nhận độc thân.

Không dễ kết hôn ở nhiều nơi

Theo Luật Hộ tịch, người dân được đăng ký kết hôn ở nơi thường trú hoặc tạm trú của một trong hai bên nam, nữ. Nơi cấp giấy xác nhận độc thân cho đương sự là UBND cấp xã nơi thường trú. Trường hợp không có nơi thường trú thì mới là UBND cấp xã nơi tạm trú cấp xác nhận.

Với Thông tư 15/2015 và các thông tư trước đây của Bộ Tư pháp thì giấy xác nhận này được cấp rất chặt chẽ. Đơn cử là trong giấy phải ghi rõ mục đích sử dụng, nếu để kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn. Ví dụ, giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với chị…, sinh năm…, CMND số…, tại UBND xã…, huyện…, tỉnh… Trường hợp cá nhân muốn được cấp lại giấy xác nhận để sử dụng vào mục đích khác hoặc do giấy đã hết thời hạn sử dụng theo quy định thì phải nộp lại giấy xác nhận đã được cấp trước đó.

Vì các lẽ này, tôi cho rằng UBND các phường, xã đừng quá lo ngại có sự lợi dụng giấy xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn với nhiều người ở nhiều nơi khác nhau. Trường hợp ai đó cố tình vi phạm pháp luật để làm điều sai trái này thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý theo quy định.

Đăng ký thường trú là việc công dân đăng ký nơi thường trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký thường trú, cấp sổ hộ khẩu cho họ.

(Theo Điều 18 Luật Cư trú 2006)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm