Xác định côn đồ, phải xem xét nhiều mặt

BLHS hiện hành quy định phạm tội có tính chất côn đồ là tình tiết định khung hình phạt trong tội giết người (Điều 93) và tội cố ý gây thương tích (Điều 104). Tình tiết này còn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt trong một số tội như bức tử (Điều 100), đe dọa giết người (Điều 103), hành hạ người khác (Điều 110), làm nhục người khác (Điều 121), cướp tài sản (Điều 133)…

Xác định côn đồ, phải xem xét nhiều mặt ảnh 1
Một bị cáo trong một vụ án gây tranh cãi về việc phạm tội có tính chất côn đồ hay không. Ảnh: H.YẾN.

Ngang ngược, càn quấy

Lịch sử ra đời của tình tiết này có từ những năm 70 của thế kỷ trước và nó được “tổng kết” tại Bản chuyên đề của Tòa Hình sự 2 TAND Tối cao (sau này đưa vào BLHS cũng lấy lại nội dung của bản chuyên đề này). Qua thực tiễn xét xử, vài tiêu chí được sửa đổi, bổ sung và thể hiện tại Công văn số 38/NCPL ngày 6-1-1976 của TAND Tối cao cùng kết luận của chánh án TAND Tối cao tại hội nghị tổng kết ngành tòa án năm 1995 (các văn bản này chỉ có ý nghĩa tham khảo, không có giá trị bắt buộc đối với các cơ quan tố tụng).

Qua tham khảo các văn bản trên, tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác, chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt nhưng cũng cố tình gây sự để phạm tội. Tính chất côn đồ của hành vi phạm tội phụ thuộc vào các yếu tố: Nhân thân người phạm tội, không gian, địa điểm nơi xảy ra tội phạm và hành vi cụ thể. Khi xem xét nhân thân người phạm tội không chỉ xem xét quá khứ của họ mà phải xem xét đến cả tính cách, thái độ xử sự của họ trong cuộc sống hằng ngày.

Thực tiễn xét xử cho thấy không phải bao giờ người có nhiều tiền án, tiền sự khi phạm tội đều có tính chất côn đồ mà không ít trường hợp, người phạm tội chưa có tiền án, tiền sự nhưng hành vi phạm tội của họ lại có tính chất côn đồ. Ví dụ: Ba thanh niên NVT, VQM, TCH (đều chưa có tiền án, tiền sự) ra quán của chị L. uống bia rồi sàm sỡ, trêu ghẹo chị L. Chị L. yêu cầu họ thanh toán tiền và không bán thêm bia cho họ nữa nhưng họ bắt chị L. phải bán thêm bia, khi nào uống đã mới thanh toán, nếu không sẽ đập phá quán. Để uy hiếp chị L., mỗi thanh niên này đập vỡ một ly bia tại bàn. Sợ hãi, chị L. buộc phải đem thêm bia ra cho họ uống. Trong khi uống, ba thanh niên tiếp tục giở trò sàm sỡ với chị L. Chị L. phản ứng nên họ gây sự, đập phá quán rồi bỏ đi không trả tiền bia cho chị L. và dọa nếu báo công an thì sẽ đốt quán.

Phải xem xét nhiều mặt

Khi xác định hành vi phạm tội có tính chất côn đồ hay không cần phải xem xét một cách toàn diện, không nên xem xét một cách phiến diện như chỉ nhấn mạnh đến nhân thân hoặc chỉ nhấn mạnh đến địa điểm xảy ra vụ án hay hành vi cụ thể mà người phạm tội thực hiện.

Tuy nhiên, nếu một người phạm tội do phòng vệ chính đáng hoặc trong trạng thái tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân thì không nên coi hành vi phạm tội của họ có tính chất côn đồ nữa vì không phải do vô cớ hoặc vì những lý do nhỏ nhặt mà họ phạm tội.

Để áp dụng pháp luật thống nhất, tôi thấy rất cần có hướng dẫn chính thức về tình tiết này. Trước đây, nhiều lần lãnh đạo TAND Tối cao cũng rất muốn có một văn bản hướng dẫn chính thức (thông tư liên tịch hoặc nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn chỉ dừng lại ở các văn bản có ý nghĩa tham khảo. Mỗi lần sửa đổi, bổ sung BLHS cũng từng có ý kiến cho rằng nên bỏ hoặc nếu có quy định thì chỉ coi là tình tiết tăng nặng chứ không nên coi là tình tiết định khung hình phạt nhưng đến nay tình tiết này vẫn được quy định trong BLHS 2015.

Hy vọng rằng sắp tới, khi hướng dẫn áp dụng BLHS 2015, tình tiết này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan tố tụng trung ương quan tâm.

Đâm bạn vì chửi mẹ mình, chưa hẳn là côn đồ

Báo Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh vụ Nguyễn Văn Linh dùng dao đâm chết bạn nhậu Trần Trung Tiến vì người này hỗn hào chửi mẹ của Linh. Tòa sơ thẩm phạt Linh 12 năm tù về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS (trường hợp phạm tội giết người bình thường, khung hình phạt từ bảy năm tù đến 15 năm tù). Bản án này bị tòa phúc thẩm hủy vì cho rằng hành vi của Linh có tính chất côn đồ, phải xử theo điểm n khoản 1 (khung hình phạt từ 12 năm tù đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) mới đúng.

Ở vụ này, rõ ràng nạn nhân đã có lỗi là chửi mẹ của bị cáo. Theo quan niệm người Á Đông, việc người khác xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cha mẹ mình một cách trái pháp luật là việc tối kỵ, dễ làm cho con cái, người thân của người bị xúc phạm bị kích động về tinh thần. Theo tôi, không thể coi đây là nguyên cớ nhỏ nhặt được.

Sau khi nghe mẹ mình kể lại, Linh đã gọi điện thoại bảo Tiến tới nhà xin lỗi mẹ mình nhưng Tiến không tới mà nói Linh đến quán rồi nói chuyện. Khi quay lại quán nhậu, đến chỗ Tiến đang ngồi, Linh còn hỏi: “Lúc nãy sao mày chửi má tao?”. Tiến trả lời: “Ừ, rồi sao?”. Lúc này Linh mới cầm dao đâm Tiến nhưng không trúng. Sau đó hai bên giằng co và Tiến bị Linh đâm dẫn đến tử vong. Ở đây rõ ràng nạn nhân đã có lời nói khích bác, thách đố, còn bị cáo đã bực tức sẵn, lại bị nạn nhân khích bác nên tinh thần bị kích động, dẫn đến phạm tội.

Tòa phúc thẩm cho rằng Linh nên tìm hiểu kỹ là có đúng Tiến đã xúc phạm mẹ mình hay không, xúc phạm như thế nào để tìm cách giải quyết ổn thỏa là nhận định chủ quan vì Linh đã chủ động gọi điện thoại bảo Tiến đến nhà xin lỗi mẹ mình. Đó không phải là tìm cách giải quyết ổn thỏa hay sao? Tiến không chấp nhận, Linh ra quán gặp Tiến cũng không lao vào đâm ngay mà còn hỏi xem có đúng Tiến đã chửi mẹ mình không nhưng Tiến vẫn cố chấp, thách đố Linh. Chỉ đến lúc này Linh mới dùng dao đem theo đâm Tiến nên nói Linh phạm tội có tính chất côn đồ là chưa thuyết phục.

Tiêu điểm

 Coi tính mạng, sức khỏe người khác như rơm rác

Theo kinh nghiệm xét xử của tôi, phạm tội có tính chất côn đồ là coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của người khác, tỏ ra hung hăng, dù người bị hại chẳng có mâu thuẫn gì với bị cáo cả nhưng bị cáo lại đi gây gổ, kiếm chuyện. Hoặc đó chỉ là mâu thuẫn rất nhỏ, không đáng gì nhưng bị cáo lại thổi phồng lên, chuyện bé xé ra to để tạo ra cái cớ mà phạm tội. Như vậy, bị cáo coi tính mạng, sức khỏe của người khác như rơm rác, bất chấp cả pháp luật để thực hiện tội phạm.

Luật sư PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm