Vua Lý Thái Tông, nhân vật lịch sử còn gây tranh cãi

Trao đổi với PLO, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết ông tham gia tư vấn chuyên môn cho TAND Tối cao, nên đã phối hợp tổ chức một cuộc hội thảo lớn ở Ninh Bình về chủ đề chọn nhân vật lịch sử làm biểu tượng cho ngành tòa án.

“Ban đầu đưa ra nhiều nhân vật, sau thảo luận rồi mới đi đến lựa chọn nhân vật Lý Thái Tông” - ông Quốc cho hay.

Theo ông, cuộc hội thảo với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, cả sử học, cả pháp lý, được TAND Tối cao tiến hành nghiêm túc, tiến hành cả lấy phiếu bình chọn, mà kết quả nghiêng về nhân vật Lý Thái Tông.

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Internet

“Tôi thấy lựa chọn ấy là hợp lý nhất. Lý Thái Tông là con cụ Lý Công Uẩn, nằm trong triều đại nhà Lý có công xây dựng nền tảng văn hiến quốc gia. Trực tiếp ông cho tổ chức biên soạn bộ hình pháp đầu tiên, được ghi nhận trong chính sử. Cũng ông cho làm treo cái chuông nơi cửa quan, chứ không phải cái trống, để người dân có việc oan ức thì thỉnh. Và thứ ba, ông giao con cái trị nước phải quan tâm tới công cụ pháp luật, phải đưa pháp luật vào đời sống”.

Ông Quốc chia sẻ như vậy và cho hay sẽ tiếp tục dự cuộc hội thảo sâu hơn do TAND Tối cao tổ chức chiều nay (28-4).

Nói về hội thảo tại Ninh Bình, Chánh văn phòng - người phát ngôn TAND Tối cao Ngô Tiến Hùng cho biết ngoài ông Dương Trung Quốc còn có nhiều chuyên gia khác, mà điểm tên có GS TSKH Vũ Minh Giang. Ông Giang nguyên là Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện là ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ thứ hai và tham gia Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trong vai trò phó chủ tịch.

Trả lời PLO, ông Giang cho biết có được mời dự hội thảo do TAND Tối cao tổ chức ở Ninh Bình mà mục đích là chọn nhân vật lịch sử làm biểu tượng cho ngành tòa án Việt Nam. “Cũng đưa ra mười mấy nhân vật đấy nhưng rồi các anh ấy thảo luận thế nào rồi đi đến chọn cụ Lý Thái Tông”.

Về quan điểm của mình, ông Giang cũng đánh giá vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử oanh liệt. Cũng như các vua triều Lý thì vị hoàng đế này cũng có đóng góp lớn, đáng dựng tượng. “Nhưng chọn làm biểu tượng cho ngành tòa án thì theo tôi, phải rất cân nhắc”.

Theo GS Vũ Minh Giang, văn hóa pháp đình Việt Nam từ xa xưa đến thời đại Hồ Chí Minh không đề cao trừng phạt, không truy cùng đuổi tận:

“Trung Quốc cũng có biểu tượng xét xử là ông Bao Công đấy, hô trảm một cái là chém bay đầu.

Nhưng Việt Nam không như thế. Việt Nam là hòa giải, là nhận thức vô phúc đáo tụng đình, mất hết tình bà con, anh em, là nhân hòa, là nhân ái, độ lượng. Ca dao, tục ngữ cũng tinh thần ấy cả, là đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại, là trị bệnh cứu người.

Mới nhất là TAND Tối cao trình và Quốc hội xem xét ban hành Luật Hòa giải là trên tinh thần ấy. Đúng đúng, sai sai thế nào chưa biết, trước khi ra tòa phân xử cứ phải hòa giải đã”.

GS TSKH Vũ Minh Giang. Ảnh: khoahocphattrien.vn

Từ quan điểm ấy, chiếu vào sử sách, nhất là câu chuyện gắn liền với cuộc chinh phạt, ông Giang cho rằng nhân vật Lý Thái Tông không phù hợp. Về căn cứ vua Lý Thái Tông soạn bộ hình luật đầu tiên, theo GS Vũ Minh Giang, sử sách có ghi lại nhưng chỉ được một dòng, còn tư liệu lịch sử bộ luật ấy không tìm thấy nữa. Nên cơ sở ấy cũng không vững chắc.

“Theo tôi, lựa chọn nhân vật lịch sử làm biểu tượng cho ngành tòa án Việt Nam phải ưu tiên tiêu chuẩn là không tì vết. Chứ làm vua mà đòi cả vợ đối thủ, đến mức nhiều vở chèo đã diễn tích này rồi thì không nên chút nào” - ông Giang góp ý.

Vậy thì nên chọn nhân vật lịch sử nào làm biểu tượng cho ngành tòa án? Có nhất thiết cứ phải vua, hoàng đế không? GS Vũ Minh Giang trả lời: 

“Hội thảo cũng đưa ra nhiều nhân vật, kể cả không phải vua. Nhưng ở chế độ phong kiến thì vua là quan tòa tối cao. Đến như Trung Quốc, phim ảnh, sử sách dựng Bao Công là biểu tượng xử án thì thực ra đấy là ông quan đứng đầu phủ Khai Phong, thủ đô của nhà nước phong kiến Trung Quốc vậy…

Còn nhân vật lịch sử Việt Nam, xứng tầm đại diện cho ngành tòa án thì nhiều lắm. Mà tiêu biểu theo tôi là vua Trần Nhân Tông. Sử sách còn lưu truyền nhiều về xét xử của nhà vua này, trọng hòa giải, xử xong đôi bên tâm phục khẩu phục, thôi thù oán, mà vẫn giữ nghiêm kỷ cương phép nước”.

Từ ý kiến của hai nhà sử học, kết hợp với quan điểm giới luật sư, các vị nguyên thẩm phán mà PLO ghi nhận, tổng hợp cho thấy việc lựa chọn nhân vật biểu tượng cho ngành tòa án Việt Nam (nếu vẫn tiến hành) thì cần tiếp tục thảo luận kỹ hơn nữa để có được sự đồng thuận cao nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm