Vụ Vinasun kiện Grab: Vi sao tòa vẫn chưa thể tuyên án?

Chiều nay, 29-10, sau 12 ngày xét hỏi, tranh luận và nghị án kéo dài vụ án Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng, HĐXX TAND TP.HCM do thẩm phán Lê Công Toại làm chủ tọa đã quay lại phần hỏi.
Chủ tọa tiếp tục hỏi các bên về vấn đề giám định thiệt hại của Vinasun nhằm làm rõ cơ sở của các khoản thiệt hại mà Vinasun yêu cầu Grab phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Do đại diện công ty giám định không có mặt tại tòa nên HĐXX đề nghị đại diện Vinasun trình bày thêm về căn cứ và cách xác định thiệt hại.
Theo đại diện của Vinasun, khi Grab tham gia vào thị trường thì tăng trưởng của Vinasun giảm mạnh. Grab đã tung ra các chiêu bài như khuyến mãi, giảm giá 0 đồng gây thiệt hại nặng nề cho Vinasun. Từ năm 2015, khi Grab hoạt động tại Việt Nam thì có hơn 12.000 tài xế Vinasun nghỉ việc do chính sách chiêu dụ tài xế của Grab. Hiện nay số lượng tài xế chạy cho Vinasun chỉ còn hơn 8.000. Chính hoạt động của Grab khiến doanh thu của Vinasun ngày càng sụt giảm. Thiệt hại lớn hơn 41,2 tỉ đồng. Việc Grab liên tục tăng số lượng đầu xe gây ảnh hưởng tới hoạt động của Vinasun.
Thiệt hại của Vinasun được xác định khi lượng xe nằm bãi vì không hoạt động cũng phải chịu các chi phí như chi phí khấu hao, trả lãi suất ngân hàng, các chi phí đường bộ…
Phía Grab yêu cầu HĐXX trưng cầu giám định lại thiệt hại vì số liệu trong báo cáo giám định là thiếu chính xác. Việc xác định thiệt hại dựa trên sự sụt giảm vốn hóa thị trường (cổ phiếu Vinasun rớt giá) là không hợp lý, vì cổ phiếu không thuộc sở hữu của công ty mà thuộc sở hữu của các cổ đông. Đồng thời, Vinasun không chỉ ra được quan hệ nhân quả giữa hành vi của Grab dẫn đến thiệt hại của Vinasun. Ngoài ra, dù Công ty Cửu Long được tòa trưng cầu nhưng không trực tiếp thực hiện việc giám định mà lại thuê các công ty khác.

Sau phần hỏi, HĐXX tạm nghỉ hội ý, rồi quay lại phòng xử thông báo tạm ngưng phiên toà để xác minh các kết quả giám định thiệt hại và làm rõ một số chứng cứ, từ đó mới quyết định có chấp nhận đề nghị của Grab về việc giám định lại hay không. Toà sẽ mở lại phiên xử vào ngày 22-11.

Từ trưa, các tài xế phía Vinasun và một số hãng taxi khác đã có mặt tại sân TAND TP.HCM "hóng" tin phán quyết của tòa về vụ kiện.

Trước đó, tại phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND TP.HCM đã đề nghị TAND TP.HCM xem Grab như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi truyền thống và tuyên xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng đã gây ra cho Vinasun…

Đại diện VKSND TP.HCM cho rằng Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo Đề án 24 của Bộ GTVT. Thực tế, Grab đã lợi dụng đề án này để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi tương tự Vinasun.

Ngoài ra, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi trên giá cước vận chuyển, trong đó có những chuyến xe giá 0 đồng. Grab cũng có hành vi khuyến mãi trái quy định khiến khách hàng của Vinasun đã chuyển qua sử dụng xe của Grab do giá cước rẻ và được hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi, nên đã gây thiệt hại cho doanh thu của Vinasun...

Từ buổi trưa 29-10, các tài xế phía Vinasun và một số hãng taxi khác đã có mặt tại sân TAND TP.HCM hóng tin phán quyết của tòa về vụ kiện.

Vụ Vinasun kiện Grab: Vi sao tòa vẫn chưa thể tuyên án? ảnh 2
Phía Vinasun chờ nghe phán quyết của tòa chiều 29-10.

Vụ Vinasun kiện Grab: Vi sao tòa vẫn chưa thể tuyên án? ảnh 3
Phía Grab chờ nghe tòa tuyên án chiều 29-10.

Vụ Vinasun kiện Grab: Vi sao tòa vẫn chưa thể tuyên án? ảnh 4
HĐXX TAND TP.HCM.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học-công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, thực tế Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi - một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.

Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, đánh tráo khái niệm, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên Vinasun đề nghị tòa buộc Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng.

Viansun cũng đề nghị HĐXX định danh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi, không phải là doanh nghiệp kinh doanh phần mềm theo Đề án 24, bởi lẽ trong quá trình thực hiện Đề án 24, Grab đã có hành vi vi phạm pháp luật, kinh doanh taxi trái phép. 

Vinasun khẳng định kiện hành vi khuyến mãi của Grab gây thiệt hại cho Vinasun theo các quy định về khuyến mãi của Luật Thương mại 2005. Do đó, vụ kiện thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án chứ không thể là Bộ Công Thương hay Bộ GTVT.

Ngược lại, Grab khẳng định hình thức kinh doanh của Grab chỉ là “cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng”. Grab vào thị trường Việt Nam từ khi chưa có Đề án 24. 

Mô hình hợp tác kinh doanh giữa Grab và các đối tác kinh doanh vận tải về cơ bản hoàn toàn phù hợp với đề án thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT. Đề án đưa ra các quy định phù hợp nhằm phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực kết nối vận tải trong giai đoạn chờ đợi Chính phủ ban hành một khung pháp lý hoàn thiện cho hoạt động này. 

Grab không đồng ý với việc Vinasun yêu cầu tòa định danh Grab là doanh nghiệp taxi bởi đây là trách nhiệm của Bộ GTVT, đồng thời trước đây yêu cầu khởi kiện của Vinasun chỉ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo Grab, việc định danh Grab như Vinasun đề nghị nếu được chấp nhận thì sẽ hết sức nguy hiểm bởi có thể sẽ tạo tiền lệ xấu khi một doanh nghiệp lợi dụng hệ thống tư pháp và tòa án để thay đổi chính sách thượng tầng, gây bất ổn chính trị, xã hội...

Từ đó, Grab đề nghị hoặc tòa đình chỉ để Bộ Công Thương giải quyết vì vụ này không thuộc thẩm quyền của tòa; hoặc bác yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm