Vụ Trung Nguyên: Toà có ghi nhận cấp dưỡng con trên 18 tuổi?

14 giờ hôm nay, 1-3, HĐXX TAND TP.HCM sẽ tuyên án vụ ly hôn và tranh chấp tài sản chung vợ chồng giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (48 tuổi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).

Tại toà, riêng về phần nuôi con và cấp dưỡng, bà Thảo đề nghị được trực tiếp nuôi dưỡng bốn người con chung. Bà đề nghị ông Vũ chi 20% cổ phần để hoán đổi tiền cấp dưỡng cho bốn người con, để các con kế nghiệp sản nghiệp lâu dài của cha mẹ.

Về yêu cầu này của bà Thảo, ông Vũ trình bày ban đầu ông chỉ đồng ý cấp dưỡng 5% cổ tức/người con nhưng bà Thảo cho rằng cổ tức liên quan đến lời lỗ của tập đoàn và việc điều chỉnh sổ sách kế toán nên ông Vũ đưa ra con số sẽ cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm/4 con, trong đó có cả người con đã thành niên (trên 18 tuổi).

Tại phiên tòa, ông Vũ trình bày rằng sẽ thực hiện việc cấp dưỡng từ năm 2013 (thời điểm ông Vũ lên núi để thiền) cho đến khi bốn người con của ông bà học xong đại học.

Tại phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị toà ghi nhận sự tự nguyên cấp dưỡng luôn đối với người con đã thành niên của ông Vũ.

Vấn đề đặt ra là theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, ông Vũ không có trách nhiệm phải cấp dưỡng cho người con đã thành niên. Theo đó, khi cha mẹ ly hôn, cấp dưỡng của cha mẹ đối với con chỉ xảy ra trong hai trường hợp: con chưa thành niên hoặc con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Vậy nếu ông Vũ tự nguyên cấp dưỡng trong trường hợp này thì toà có ghi nhận không?

Theo nhiều chuyên gia, sự tự nguyên của ông Vũ hoàn toàn không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội mà còn thể hiện tình thương yêu con cái vô bờ bến của người Việt, lo lắng cho con đến khi con thực sự trưởng thành, nuôi con cho đến khi chúng có thể tự nuôi sống mình, thậm chí trợ giúp chúng cả khi chúng lập gia đình mà vẫn gặp khó khăn về tài chính... Tuy nhiên, toà sẽ không ghi nhận sự tự nguyên này.

Vì sao?

Bởi lẽ luật không quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đã thành niên khi cha mẹ ly hôn. Nếu toà ghi nhận thì ngoài việc đương sự phải đóng án phí, sẽ còn dẫn đến khó khăn trong quá trình thi hành án.

Giả sử, trong quá trình cấp dưỡng theo sự tự nguyên mà ông Vũ vi phạm cam kết, cơ quan thi hành án cũng khó buộc ông thực hiện một nghĩa vụ mà luật không quy định. Còn bà Thảo hoặc người con đã thành niên này cũng không thể kiện buộc ông thực hiện nghĩa vụ không có trong luật.

Nếu tự nguyện hỗ trợ con thì ông Vũ có thể cho con bằng nhiều cách khác, thông qua một lời hứa, một hợp đồng dân sự, hoặc chỉ đơn giản là chuyển khoản hoặc trao tay con số tiền mà ông muốn cho.

Vậy nếu ông Vũ tự nguyên cấp dưỡng cả con đã thành niên thì toà có ghi nhận không?

Một thẩm phán chuyên xét xử án dân sự và hôn nhân gia đình (đề nghị không nêu tên) nhận xét thêm: “Luật HNGĐ không có quy định về việc cấp dưỡng cho con là người trên 18 tuổi. Bà Thảo đề xuất cấp dưỡng cho người con đã thành niên, ông Vũ đồng ý cấp dưỡng thì Trung Nguyên (sinh năm 1999, con ông Vũ) có quyền tự định đoạt số tiền này và Tòa bắt buộc phải triệu người con này tham gia tố tụng và ý kiến của người con mới là ý kiến quyết định. Khi đó gọi là “cấp dưỡng” thì sẽ không phù hợp với quy định của Luật HN&GĐ nữa mà đây là tài sản riêng ông Vũ cho con.

Khi đó, tòa phải làm rõ các vấn đề sau đây: 1) Ông Vũ cho người con tên Trung Nguyên bao nhiêu tiền (hay tài sản gì)? 2) Cho từ thời điểm nào, cho đến khi nào? 3) Số tiền này cho riêng Trung Nguyên tự quyết hay giao cho bà Thảo để bà đưa cho Trung Nguyên.

Vì vậy, tòa bắt buộc phải triệu tập Trung Nguyên tham gia tố tụng để làm sáng tỏ những vấn đề trên.

Giả định là ông Vũ có cho Trung Nguyên một số tiền trên đề xuất của bà Thảo thì Tòa phải triệu tập để xem quyết định của Trung Nguyên là có nhận số tiền này hay không. Nếu đồng ý nhận mà sau này ông Vũ không thực hiện như cam kết thì căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự, Trung Nguyên có thể khởi kiện ra Tòa và yêu cầu thi hành án số tiền mà ông Vũ đã hứa cho".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm