Vụ trao nhầm con: Trách nhiệm ra sao?

Về vụ trao nhầm con sáu năm mới phát hiện tại BV đa khoa huyện Ba Vì, ngày 13-7, UBND TP Hà Nội có Công văn 3205 gửi giám đốc Sở Y tế TP. Công văn do Chánh Văn phòng thừa lệnh Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký yêu cầu giao giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra sai phạm.

Yêu cầu Sở Y tế làm rõ

UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế phải chủ trì làm việc với BV đa khoa huyện Ba Vì và đại diện các gia đình để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, Sở phải chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc và giao nhận trẻ sơ sinh theo đúng quy định. Kết quả báo cáo với Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 20-7.

Cùng ngày, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV đa khoa huyện Ba Vì, cho biết gia đình anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, trú xã Tây Đằng) đã gửi đơn khởi kiện BV ra TAND huyện Ba Vì, yêu cầu BV bồi thường về sự cố này. Anh Sơn chính là người phát hiện ra sự việc BV trao nhầm con trai của anh cho chị Vũ Thị Hương (35 tuổi, trú xã Phú Sơn) và ngược lại.

Trong khi theo ông Vinh, phía chị Hương lại không muốn đưa vụ việc ra tòa mà muốn hai bên tự giải quyết, thỏa thuận, tránh tổn thương cho hai cháu nhỏ. Vì thế, TAND huyện Ba Vì đã ba lần có giấy mời đến làm việc nhưng chị Hương mới chỉ đến một lần.

Trước đó, Giám đốc BV đa khoa Ba Vì Nguyễn Quốc Hùng đã thừa nhận đây là sự cố hy hữu, nghiêm trọng. BV đã xin lỗi hai gia đình và nhận trách nhiệm khi để xảy ra sai sót, đồng thời chi trả toàn bộ chi phí đi lại, xét nghiệm ADN... Đối với mức bồi thường thì BV sẽ chờ phán quyết của tòa án.

Nhưng liên quan đến vụ việc này vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý đặt ra, nhất là hồ sơ hộ tịch của hai gia đình trong việc nhận lại con thật của mình sau sáu năm nuôi nhầm.

BV đa khoa huyện Ba Vì, nơi xảy ra sự cố trao nhầm con. Ảnh: TP

Trách nhiệm của hai hộ lý ra sao?

Theo PGS-TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) và luật sư (LS) Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn LS TP.HCM), việc xử lý trách nhiệm của hai hộ lý trực tiếp trao nhầm trẻ tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Bước đầu lãnh đạo BV cho rằng đây là lỗi vô ý của hai nữ hộ sinh nhưng để kết luận chính xác thì phải có xác minh và kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Nếu là vô ý thì họ phải bồi thường và bị xử lý kỷ luật theo quy định của BV. Còn nếu là cố ý trao nhầm trẻ thì có thể xử lý hình sự theo Điều 152 BLHS (tội đánh tráo người dưới một tuổi, mức án cao nhất đến 12 năm tù, có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm hành nghề 1-5 năm).

Theo hai chuyên gia, việc bồi thường thiệt hại phía BV đã nhận lỗi và chấp nhận bồi thường là một động thái đáng hoan nghênh. Nếu khởi kiện, gia đình hai cháu bé có quyền yêu cầu BV bồi thường thiệt hại về mặt vật chất như thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con, chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch (cần hóa đơn). Những thiệt hại về tinh thần như vì sự cố mà vợ chồng nghi ngờ nhau dẫn đến hôn nhân đổ vỡ; bị dị nghị, gièm pha khiến tinh thần sa sút, suy giảm sức khỏe...

Đồng tình, LS Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho rằng trách nhiệm bồi thường trước mắt là của BV bởi hành vi trao nhầm con là của nhân viên BV gây ra. Sau đó BV có quyền yêu cầu nhân viên làm sai bồi hoàn lại.

Cách nào để nhận đúng con?

Vấn đề pháp lý khác là với bản giám định ADN thì hai gia đình có thể tự làm thủ tục hộ tịch để nhận con ruột của mình hay phải căn cứ vào bản án của tòa? Ông Nguyễn Triều Lưu (Trưởng phòng Hộ tịch-Quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng về nguyên tắc phải có bản án của tòa.

Ông Lưu giải thích Điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đều quy định: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định. Người không được nhận là cha, mẹ con của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ con của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình. Như vậy, mặc nhiên hai đứa trẻ bị trao nhầm là con của cha mẹ - người đang nuôi dưỡng lâu nay, dù họ không phải cha mẹ ruột.

Đồng thời theo công văn hướng dẫn nghiệp vụ hộ tịch của Bộ Tư pháp thì một trong hai gia đình trẻ bị trao nhầm nếu muốn đăng ký nhận cha, mẹ, con đẻ (theo đúng giám định ADN) thì họ phải yêu cầu tòa án xem xét, giải quyết. Như vậy, mặc dù đã có kết quả giám định ADN xác định con của mình nhưng cha, mẹ cháu bé không thể tự đăng ký nhận cha, mẹ con tại UBND xã mà phải chờ bản án của tòa.

“Việc này là bắt buộc kể cả trường hợp hai bên có tranh chấp hay không về việc nhận cha, mẹ con. Tức là chỉ có tòa án mới có thẩm quyền giải quyết nội dung này, trước khi điều chỉnh giấy tờ tại cơ quan đăng ký hộ tịch” - ông Lưu nói.

Cần tái thẩm vụ ly hôn của chị Hương

Sự việc còn liên quan đến bản án ly hôn của vợ chồng chị Hương, vì lục đục con cái mà hai bên chia tay. Trong quyết định đã có hiệu lực pháp luật, TAND huyện Ba Vì ghi rõ: Cháu Đoàn Nhật M. (thực tế là con ruột của vợ chồng anh Sơn - PV) là con chung của hai vợ chồng chị Hương.

Theo LS Đỗ Ngọc Thanh, khi có căn cứ là kết luận giám định ADN xác định cháu M. không phải là con chung của vợ chồng chị Hương thì đây được xem là tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án để xét tái thẩm. Theo Điều 355 BLTTDS 2015 thì thời hạn kháng nghị tái thẩm là một năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị. Nếu tái thẩm hủy bỏ được phần con chung thì tòa án huyện xét xử lại để trao đúng con ruột về với vợ chồng chị Hương.

Trước đó, Chánh án TAND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Thưởng cũng cho rằng tòa này sẽ kiến nghị lên TAND cấp cao tại Hà Nội tái thẩm vụ án, bỏ phần con chung trong quyết định ly hôn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm