Vụ tòa xử sai thẩm quyền: VKS bất ngờ rút kháng nghị

Ngày 21-5, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên phúc thẩm xét xử vụ tranh chấp dân sự giữa ông Nguyễn Văn Thinh và bà Bùi Thị Ninh.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của VKS huyện Lương Sơn. Đây cũng là vụ án từng được PLO phản ánh, có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng.

Theo đó, ông Thinh khởi kiện bà Ninh giành quyền sử dụng mảnh đất rộng 744m2, vì cho rằng đã được bà Ninh chuyển nhượng (trong tổng số 1.488m2 của bà). Tuy nhiên, bà Ninh khẳng định không hề có việc chuyển nhượng nói trên mà thực tế là chỉ cho mượn.

Đáng chú ý, trong quá trình giải quyết, ông Thinh xuất trình hồ sơ đã bán 120m2 trong tổng số 744m2 đất đang tranh chấp cho bà Nguyễn Thị Ánh (hiện đang cư trú tại Đài Loan).

Phiên tòa xét xử vụ tranh chấp dân sự giữa ông Thinh và bà Ninh

Bất ngờ rút toàn bộ kháng nghị

Ngay từ phần hỏi, đại diện VKS tỉnh Hòa Bình cho biết cơ quan này rút toàn bộ kháng nghị. Quyết định này khiến nhiều người theo dõi phiên tòa vô cùng bất ngờ.

Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1-2019, đại diện VKS huyện Lương Sơn cương quyết không phát biểu quan điểm về nội dung vụ án, vì cho rằng tòa xét xử không đúng thẩm quyền. Sau đó, cơ quan này đã kháng nghị, đưa ra hàng loạt vi phạm nghiêm trọng của tòa cùng cấp.

Theo VKS huyện Lương Sơn, cần phải triệu tập bà Nguyễn Thị Ánh với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Lý do: nếu HĐXX bác đơn kiện của ông Thinh hoặc chấp nhận yêu cầu phản tố của bà Ninh sẽ đều ảnh hưởng tới quyền lợi của bà Ánh (diện tích đất chuyển nhượng 120 m2 bị vô hiệu).

Ngoài ra, do bà Ánh đang cư trú ở nước ngoài, thẩm quyền giải quyết vụ án phải thuộc về TAND tỉnh Hòa Bình.

Giải thích việc rút toàn bộ kháng nghị, đại diện VKS tỉnh Hòa Bình cho rằng ông Thinh thay đổi yêu cầu khởi kiện từ việc đòi quyền sử dụng 744m2 đất xuống còn 624m2 (trừ đi 120m2 đã bán), không liên quan đến quyền lợi của bà Ánh. Phần đất của bà Ánh đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), không liên quan đến ông Thinh nữa. Do đó, TAND huyện Lương Sơn không đưa bà Ánh vào vụ án là đúng.

Như vậy, lập luận của VKS tỉnh Hòa Bình trái ngược hoàn toàn so với quan điểm của VKS cấp dưới.

Một điểm lưu ý khác, VKS huyện Lương Sơn cho biết có một nhân chứng không thừa nhận đã chứng kiến và viết vào giấy biên nhận tiền giữa nguyên đơn và bị đơn, nhưng tòa lại không trưng cầu giám định chữ viết của nhân chứng này để xác định có hay không việc chuyển nhượng đất. Nhưng, khi giải thích về việc rút kháng nghị, đại diện VKS tỉnh Hòa Bình không đề cập tới vấn đề này.

Trong khi VKS bất ngờ rút toàn bộ kháng nghị, LS của bị đơn tiếp tục chỉ ra nhiều điểm vi phạm tố tụng của tòa sơ thẩm

7 năm mới xét xử, chỉ “rút kinh nghiệm

Tại tòa, luật sư (LS) bảo vệ quyền lợi cho bị đơn, tiếp tục chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng của cấp tòa sơ thẩm.

Theo LS, vụ án này được thụ lý từ năm 2012, nhưng tới 7 năm sau mới mở phiên tòa xét xử, điều này là vi phạm nghiêm trọng về thời hạn thụ lý xét xử. Hơn thế, biên bản phiên tòa không ghi lại toàn bộ diễn biến phiên tòa, bỏ sót rất nhiều tình tiết là sự thật và có lợi cho bị đơn.

Cùng với đó, thư ký phiên tòa giữa bà Ninh và ông Thinh lại chính là thư ký từng ngồi ở phiên hình sự xét xử con trai bà Ninh (hiện bản án đã bị cấp phúc thẩm tuyên hủy), cả hai vụ án đều xuất phát từ mảnh đất đang tranh chấp. Điều này là không khách quan, vi phạm thủ tục tố tụng.

Đặc biệt, tòa sơ thẩm không đưa bà Nguyễn Thị Ánh vào trong vụ án, dẫn tới xét xử không đúng thẩm quyền. Bên cạnh đó, bà Ninh cũng có đơn phản tố đề nghị tuyên hủy GCN của ông Thinh, lẽ ra  thẩm quyền giải quyết phải thuộc TAND tỉnh Hoà Bình.  

LS cũng đưa ra nhiều căn cứ cho thấy việc chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn và bị đơn là không có thật. Tuy nhiên, sau gần một ngày xét xử, HĐXX cho rằng có cơ sở xác định bà Ninh chuyển nhượng 744 m2 đất cho gia đình ông Thinh, vì vậy không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Tòa phúc thẩm cũng nhận định việc tòa sơ thẩm không đưa bà Ánh vào vụ án với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là có thiếu sót. Tuy nhiên, sau khi nhận chuyển nhượng đất của ông Thinh, bà Ánh đã được cấp GCN, yêu cầu phản tố của bà Ninh chỉ đề nghị hủy GCN của ông Thinh, do vậy, việc bà Ánh không tham gia phiên tòa không ảnh hưởng tới quyền lợi của bà, không cần thiết phải hủy án sơ thẩm.

Đối với vấn đề vi phạm thời hạn thụ lý xét xử và nguồn gốc đất chuyển nhượng, tòa cho rằng “cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm”.

Án dân sự của mẹ quyết định hình phạt tù của con

Bùi Văn Thìn – con trai bà Ninh đang vướng vào một vụ án hình sự xuất phát từ chính mảnh đất đang tranh chấp nói trên. Thìn bị cáo buộc cậy phá phần móng nhà của ông Thinh xây dựng trên mảnh đất, gây thiệt hại hơn 11 triệu đồng.

Tháng 11-2013, TAND huyện Lương Sơn tuyên phạt Thìn 12 tháng tù về tội hủy hoại tài sản. Thìn kháng cáo kêu oan.

Tháng 3-2014, TAND tỉnh Hòa Bình quyết định hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng biên bản phạm pháp quả tang đối với Thìn vi phạm về trình tự, thủ tục; lời khai của bị hại có nhiều mâu thuẫn trong việc xác định giá trị tài sản bị hủy hoại; CQĐT chưa xác định được hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất 744m2 giữa ông Thinh và bà Ninh có hợp pháp, ông Thinh có đúng là chủ sở hữu của móng nhà hay không,…

Sau nhiều lần trả hồ sơ của tòa cũng như VKS, hiện Công an huyện Lương Sơn đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can đối với Thìn.

LS Vũ Thị Nga (người bảo vệ quyền lợi cho bà Ninh, cũng là người bào chữa cho Thìn) nhận định hai vụ của mẹ con bà Ninh có quan hệ mật thiết. Trong đó, việc xác định quyền sử dụng đối với diện tích đất 744 m2 thuộc về bà Ninh hay ông Thinh sẽ là một phần rất quan trọng để quyết định Thìn có phạm tội hay không.

“Việc rút toàn bộ kháng nghị không có căn cứ thuyết phục, bởi quan điểm của VKS tỉnh Hòa Bình hoàn toàn đối lập với kháng nghị trước đó của VKS huyện Lương Sơn, điều này cho thấy có sự bất thường”– LS Nga nêu ý kiến.

Bà Ninh cho biết sẽ chờ bản án phúc thẩm để chuẩn bị các thủ tục đề nghị xem xét vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của gia đình mình.   

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm