Vũ ‘nhôm’ xin được triển khai tiếp các dự án dang dở

Ngày 28-1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và bốn cựu cán bộ ngành công an trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án này, hai cựu tướng, thứ trưởng Bộ Công an (BCA) là Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên đại tá, phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục V (BCA) Nguyễn Hữu Bách , nguyên trung tướng, phó tổng cục trưởng Tổng cục V (BCA) Phan Hữu Tuấn và Phan Văn Anh Vũ (chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty Nova Bắc Nam 79, nguyên thượng tá, phó trưởng phòng Tổng cục V, BCA) cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Vũ “nhôm” xin rút lại việc giao nộp tài sản

Tại tòa, Phan Văn Anh Vũ khai kinh doanh từ năm 2000, tới nay là 18 năm. Bị cáo được tuyển vào ngành tình báo từ năm 2009, đến khi xuất ngũ là năm 2017 và được giao đúng một việc là làm kinh tế, phát triển tiềm lực, ngoài ra không được giao bất cứ nghiệp vụ nào khác.

Theo Vũ “nhôm”, Tổng cục V lấy hai công ty của bị cáo là Công ty Xây dựng Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 làm tổ chức bình phong, ngoài ra không giao bất cứ một nghiệp vụ nào khác. “Tất cả việc làm của bị cáo, bị cáo đều có báo cáo về Tổng cục V” - Phan Văn Anh Vũ khẳng định.

Trong một diễn biến đáng chú ý, một luật sư đã hỏi Vũ “nhôm” vì sao tại cơ quan điều tra bị cáo đã làm đơn xin giao nộp lại bảy khối tài sản công nêu trong vụ án nhưng sau đó lại làm đơn xin rút lại việc giao nộp này.

“Khi mới bị khởi tố, bị cáo rất buồn, hoang mang, tinh thần không ổn định. Cơ quan điều tra đặt vấn đề bị cáo nên nộp lại toàn bộ tài sản này để họ đề xuất lên cấp trên không xử lý hình sự, không khởi tố vụ án này” - Vũ “nhôm” nói. Vũ cũng khẳng định: “Cái lớn nhất của bị cáo là gia đình và vợ con, ngoài ra bị cáo không ham hố bất cứ tài sản gì. Bị cáo không muốn liên lụy vợ con, gia đình nên đồng ý đề nghị trên”.

Sau đó qua quá trình điều tra vụ án, Vũ “nhôm” cho rằng bị cáo không phạm tội như bị truy tố bởi tiền mua là tiền của bị cáo; quá trình mua, việc lợi dụng các yếu tố của BCA để nhận các dự án này là không chính xác...

“Bị cáo thấy bị cáo không sai, bị cáo làm đúng điều pháp luật cho phép, do vậy bị cáo đã làm đơn xin rút lại đơn xin nộp lại bảy tài sản” - Vũ “nhôm” khai tại tòa.

Phan Văn Anh Vũ trình bày muốn giao nộp lại hết bảy tài sản, không muốn giữ lại làm gì nhưng có một số khó khăn. “Có hai dự án chưa triển khai, bị cáo sẵn sàng giao nộp lại hai tài sản này. Còn những dự án đang triển khai, nếu nộp lại sẽ rất khó, phát sinh nhiều hệ lụy nên xin HĐXX xem xét, đánh giá cho bị cáo tiếp tục triển khai” - Vũ “nhôm” đề nghị.

Nghe Vũ “nhôm” trình bày, chủ tọa Trương Việt Toàn cung cấp thông tin, đơn tự nguyện giao nộp tài sản bị cáo viết vào ngày 21-4-2018, trong khi việc tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bị cáo là ngày 7-2-2018.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ tại tòa. Ảnh: TTXVN

Người nhận tội danh, người chỉ nhận trách nhiệm

Trả lời câu hỏi của luật sư về cáo trạng truy tố, bị cáo Bùi Văn Thành nói: “Tôi thừa nhận tội danh theo cáo trạng đã truy tố với tôi. Tôi cũng đề nghị HĐXX xem xét thêm nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, một số chi tiết nêu trong cáo trạng để có đường lối xử lý phù hợp với chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Ông Thành cũng cho biết những chi tiết cụ thể sẽ được ông trình bày thêm trong phần tự bào chữa.

Trả lời luật sư, bị cáo Trần Việt Tân cho hay ông nhận trách nhiệm với tư cách là người quản lý của cơ quan. “Tôi là lãnh đạo BCA, được phân công phụ trách Tổng cục V. Khi xảy ra sự việc như vậy, với tư cách là một thủ trưởng của BCA, tôi thấy có trách nhiệm của mình. Tôi không nhận trách nhiệm về mặt tố tụng hình sự” - ông Tân nói.

Với tư cách là một bị cáo, ông Tân cũng kiến nghị Tổng cục V là một đơn vị nghiệp vụ của BCA, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. Ông Tân đề nghị chủ tọa phiên tòa loại trừ những câu hỏi nào liên quan những vấn đề về tổ chức, mạng lưới, quy chế hoạt động hay các quy định là bí mật.

HĐXX cho biết chấp nhận kiến nghị của bị cáo, những câu hỏi liên quan sâu và rộng quá đến hoạt động nghiệp vụ thì HĐXX sẽ cắt.

Cũng trong phần xét hỏi, cựu trung tướng Phan Hữu Tuấn khai cho đến thời điểm ông về hưu, các dự án vẫn chưa hoàn thành, chưa sử dụng vào việc gì nên không phải là sử dụng sai mục đích. Sau khi ông nghỉ hưu, hai dự án mới được sang tên cho Vũ…

Tại tòa, ông Nguyễn Hữu Bách khai “công việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ thì lãnh đạo đều giao cho bị cáo soạn thảo văn bản cả”. Tuy nhiên, ông Bách cho biết thêm nếu không có các văn bản này, Vũ vẫn nhận được dự án. Các văn bản không mang tính quyết định được hay không được mà chỉ thúc đẩy quá trình nhanh hơn. Chủ tọa cho rằng tất cả văn bản do bị cáo Bách soạn thảo gửi chính quyền Đà Nẵng và TP.HCM đều có nội dung “để phục vụ hoạt động nghiệp vụ”. “Thực tế, bị cáo Vũ không dùng để hoạt động nghiệp vụ mà để chuyển nhượng hoặc cho thuê” - chủ tọa nhấn mạnh.

Trước khi kết thúc ngày làm việc đầu tiên, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận. Hôm nay, tòa tiếp tục làm việc với phần luận tội của VKS.

Vũ “nhôm” khai làm được nhiều việc cho ngành công an và các địa phương

Tại tòa, Vũ “nhôm” nói không muốn kể lể về những đóng góp của bản thân nhưng bị cáo rất buồn vì cáo trạng này.

“Cuộc đời bị cáo 10 phần thì tám phần làm đúng, hai phần làm chưa đúng. Cuộc đời ai cũng có đúng, có sai nhưng không ai ghi nhận cái đúng của bị cáo” - Vũ “nhôm” nói và khẳng định mình đã làm nhiều việc cho lãnh đạo BCA, cho ngành và cho các địa phương. Bị cáo Vũ sau đó dẫn chứng một số trường hợp và cho biết tất cả đều có chứng từ…

Vũ cũng khai Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ biết doanh nghiệp của bị cáo là công ty bình phong của BCA, có xin công ty hỗ trợ 100 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống camera cho TP. Bị cáo đồng ý và xin đóng góp lần đầu cho TP 50 tỉ đồng mà không đặt vấn đề là phải cấp cho bị cáo cái này cái kia.

Công ty bình phong Bắc Nam 79 có vốn góp của Bộ Công an không?

Một vấn đề được HĐXX và đại diện VKS tập trung thẩm vấn liên quan đến việc góp vốn vào công ty bình phong Bắc Nam 79. Theo cáo trạng, công ty này do Phan Văn Anh Vũ lập ra, kinh doanh tại Đà Nẵng với số vốn 700 tỉ đồng. Khi Vũ được tuyển vào ngành tình báo, công ty này trở thành công ty bình phong của Tổng cục V, BCA. Tổng cục V không đầu tư, góp vốn hay điều hành hoạt động của công ty này.

Tuy nhiên, tại tòa, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục V Phan Hữu Tuấn lại khai trên danh nghĩa cơ quan này góp 20% vốn, tình báo Công an TP Đà Nẵng có 10%. Trong khi Vũ “nhôm” khẳng định toàn bộ tiền vốn góp vào công ty này do mình và gia đình lo…

Về vấn đề này, cựu phó cục trưởng Cục B61, Tổng cục V Nguyễn Hữu Bách lý giải vì đây là công ty bình phong được BCA sử dụng nên muốn có sự tham gia trên danh nghĩa của các cơ quan trên…

_____________________________

Bảy nhà, đất công được Vũ “nhôm” biến thành của riêng

1. Nhà, đất tại 319 Lê Duẩn, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Diện tích: 410 m2 nhà, 190 m2 đất. Định giá 31 tỉ đồng. Hưởng lợi 5,2 tỉ đồng. Nhà nước bị thiệt hại 25 tỉ đồng.

2. Nhà, đất tại 16 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Diện tích: 2.165 m2 nhà, 1.800 m2 đất. Tổng giá trị hơn 187 tỉ đồng. Nhà nước bị thiệt hại 142 tỉ đồng.

3. Khu đất đường Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng (Công viên An Đồn cũ). Diện tích: 3.260 m2. Trị giá gần 168 tỉ đồng. Thu lời bất chính hơn 500 triệu đồng. Số tiền Nhà nước bị thiệt hại hơn 150 tỉ đồng.

4. Khu đất dự án vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến Khu du lịch Bến Thành Non Nước, đường Trường Sa, phường Hoa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Diện tích: 15.500 m2. Trị giá 488 tỉ đồng. Số tiền Nhà nước bị thiệt hại gần 436 tỉ đồng.

5. Nhà, đất tại 15 Thi Sách, quận 1, TP.HCM. Diện tích: 2.600 m2 nhà, 2.300 m2 đất. Tổng giá trị 763 tỉ đồng. Nhà nước bị thiệt hại 6,7 tỉ đồng.

6. Nhà, đất tại số 8 Nguyễn Trung Trực, quận 1, TP.HCM. Diện tích: 1.297 m2đất. Tổng giá trị 364 tỉ đồng. Số tiền Nhà nước bị thiệt hại 6,4 tỉ đồng.

7. Nhà, đất tại 129 Pasteur, phường 6, quận 3, TP.HCM. Diện tích: Gần 1.500 m2 nhà và 2.264 m2 đất. Tổng giá trị 517 tỉ đồng. Nhà nước bị thiệt hại hơn 200 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.