Vụ mua nhà 58 tỉ bán lại 28 tỉ siêu tốc: Kiến nghị xử hình sự

Ngày 4-9, TAND TP.HCM tiếp tục phần tranh luận vụ “Mua nhà 58 tỉ, bán lại 28 tỉ siêu tốc".

VKSND TP.HCM phát biểu quan điểm giải quyết vụ án đã chỉ ra hàng loạt vi phạm tố tụng của tòa sơ thẩm và đề nghị hủy toàn bộ bản án của TAND quận Tân Bình. Tuy nhiên, tòa phúc thẩm chỉ hủy một phần bản án.

Vụ mua nhà 58 tỉ bán lại 28 tỉ siêu tốc: Kiến nghị xử hình sự ảnh 1
VKS đề nghị hủy toàn bộ bản án nhưng tòa chỉ hủy phần buộc bị đơn mất 11 tỉ đồng tiền cọc. 

Tòa nhận định hợp đồng mua bán giữa vợ chồng nguyên đơn Nguyễn Văn Quyện và bị đơn Trần Vũ Trường có hiệu lực do căn cứ Luật Nhà ở 2005 thì quyền sở hữu được chuyển giao kể từ khi công chứng hợp đồng. 

Hợp đồng bổ sung, sửa đổi giữa Trường với ông Quyện về việc mất 11 tỉ đồng tiền cọc, phải bồi thường và trả lại chính chủ cho ông Quyện nếu vi phạm nghĩa vụ thanh toán được ký sau khi Trường đã không còn là chủ sở hữu. Vì ngay sau khi ký hợp đồng công chứng, được ông Quyện giao giấy tờ nhà bản chính thì chỉ vài tiếng sau Trường đã sang tên thành công cho mình, rồi đem bán cho bà Hoàng Ngọc Điệp lấy 28 tỉ đồng. 

Tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu buộc Trường mất 11 tỉ đồng tiền cọc nhưng lại không giải thích cho ông Quyện về quyền được yêu cầu Trường thanh toán số tiền mua nhà còn thiếu. Tòa sơ thẩm cho rằng bổ sung, sửa đổi vô hiệu nhưng lại không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. 

Do đó, tòa phúc thẩm tuyên hủy án phần yêu cầu của ông Quyện đối với việc buộc Trường mất cọc để cấp sơ thẩm giải quyết lại. Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị xem xét hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Quyện đối với Trần Vũ Trường, đủ căn cứ thì xử lý hình sự.

Ông Quyện (giữa) trao đổi ngoài phiên tòa.

Riêng hợp đồng giữa ông Trường và bà Hoàng Ngọc Điệp thì tòa phúc thẩm công nhận có hiệu lực nên tuyên cho bà Điệp được nhận nhà, được nhận giấy tờ bản chính để sang tên đổi chủ. Tòa phúc thẩm buộc vợ chồng ông Quyện và những người thực tế đang cư trú trong nhà ra khỏi nhà để giao cho bà Điệp.

Sau phiên xử, ông Quyện nói: "Công lý đã bị tổn thương. Tôi rõ ràng đã bị lừa. Việc mua bán của Trường khuất tất từ đầu đến cuối. Trước đây CQĐT trả lời không tiếp xúc được Trường, nay Trường đã ra tù thì cần điều tra làm rõ hành vi lừa nhà của tôi".

Bị đơn Trần Vũ Trường tiếp tục vắng mặt như những phiên tòa trước.
Tại tòa, phía ông Quyện khẳng định hợp đồng giữa ông Quyện và ông Trường chỉ có hiệu lực khi đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng như thanh toán đủ tiền mua. Cần làm rõ sự ngay tình của bà Điệp khi mua nhà nhưng không cần biết căn nhà ra sao, kết cấu thế nào... Theo hợp đồng, bà Điệp cam đoan đã xem xét, biết rõ về hiện trạng cũng như tình trạng pháp lý của thửa đất… nhưng thực tế không đến xem nhà, không đặt cọc, mua và giao tiền ngay mà không biết nhà, đất mình mua ở đâu, kết cấu, kiến trúc ra sao, từ khi giao đủ tiền cũng không đến nhận nhà…
Đại diện bà Điệp tranh luận rằng hợp đồng giữa Trường và ông Quyện có hiệu lực vì trong hợp đồng không có điều khoản nào nêu Trường không trả đủ thì hủy hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực nên Trường có quyền bán, bán giá bao nhiêu là quyền của Trường. Hợp đồng giữa Trường và bà Điệp cũng có hiệu lực. Bà Điệp đã thanh toán đủ 28 tỉ đồng tiền mua nên có quyền nhận nhà. Bà Điệp có đến xem nhà, mà cho dù không đến thì cũng không sao vì luật không quy định buộc bên mua phải đến xem nhà trước khi mua. Vì vậy, không thể nói mua nhà giá trị lớn nhưng không đến xem nhà là có khuất tất vì khái niệm giá trị lớn nhỏ là tùy theo năng lực tài chính của mỗi người.
Nội dung vụ án
Câu chuyện xảy ra từ tháng 10-2014, ông Trường mua căn nhà mặt tiền 335 bis Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM của vợ chồng ông Nguyễn Văn Quyện với giá 58 tỉ đồng, chưa trả đủ thì bán cho bà Điệp giá 28 tỉ đồng. Bà Điệp đi đăng bộ, sang tên thì ông Quyện phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Ông Quyện kiện ra tòa, đề nghị hủy hợp đồng giữa ông Quyện với ông Trường, tuyên bố hợp đồng giữa ông Trường với bà Điệp vô hiệu, hủy phần cập nhật biến động đối với ông Trường trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, buộc ông Trường mất cọc 11 tỉ đồng. Ông Trường cho rằng mình chỉ cầm cố nhà cho bà Điệp lấy 28 tỉ đồng chứ không bán nhà cho bà này. Ông chấp nhận hủy hợp đồng với ông Quyện, chấp nhận mất cọc và đề nghị chuyển chính chủ căn nhà lại cho vợ chồng ông Quyện.
Tháng 10-2018, TAND quận Tân Bình đã bác yêu cầu của ông Quyện. Tòa cũng tuyên cho bà Điệp được nhận nhà.
VKSND quận Tân Bình kháng nghị đề nghị buộc ông Trường phải mất tiền cọc 11 tỉ đồng...
Ông Quyện đã kháng cáo, chỉ ra rằng ông Trường vi phạm cam kết thanh toán tiền mua nhà nên chưa có đầy đủ quyền của một chủ sở hữu hợp pháp.
Về hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Trường và bà Điệp, ông Quyện cho rằng hợp đồng này đã vi phạm điều cấm. Cụ thể, theo hợp đồng thì ông Trường cam đoan “thửa đất có tài sản gắn liền với đất không có tranh chấp”, trong khi rõ ràng là ông Trường vi phạm những điều đã cam kết với ông Quyện về việc thanh toán 47 tỉ đồng còn lại.

Điều đặc biệt là cùng thời gian chuyển nhượng căn nhà 58 tỉ đồng của vợ chồng ông Quyện nói trên thì ông Trường cũng đi thương lượng mua một căn nhà mặt tiền đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM) rộng gần 700 m2 của bà Trần Thị Hoa.
Ông Quyện mong cấp giám đốc thẩm nhìn nhận rõ những vấn đề trong vụ án của ông như cách TAND quận 1 giải quyết vụ án căn nhà của bà Hoa.
Ngày 9-4-2019, TAND TP.HCM đã y án của TAND quận 1, tuyên bố hủy hợp đồng mua bán này, buộc bên mua nhà phải mất tiền thanh toán đợt 1 là 15 tỉ đồng. Bên mua đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán nhưng lại nhiều lần mang giấy tờ nhà của bà Hoa đi bảo lãnh cho các công ty vay ngân hàng 40 tỉ đồng. Rất may là bà Hoa kịp thời ngăn chặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm