Vụ 'mua bánh mì phải lấy hóa đơn': Người bị ngộ độc thắng kiện

Hội đồng xét xử của phiên tòa. Ảnh: H.Nam

Chủ tọa phiên tòa hôm nay là Thẩm phán Huỳnh Ngọc Dũng. Ngoài bà Nguyễn Thị Biết, đại diện Hội Luật gia tỉnh Bến Tre  là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn còn có Luật sư Nguyễn Trung Trực,  Đoàn Luật sư TP.HCM cũng tham gia bảo vệ miễn phí cho ông Hoàng.

Đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bến Tre cũng quan tâm đến tham dự phiên tòa.

Theo hồ sơ, ngày 22-5-2013, ông Hoàng có mua 2 ổ bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì Minh Tuyến do bà Nguyễn Thị Minh Tuyến làm chủ.

Sau khi ăn 1 ổ rưỡi bánh mì (vợ ông Hoàng ăn nửa ổ bánh mì cũng bị đau bụng nhẹ nên tự uống thuốc ở nhà), ông Hoàng đau bụng, nôn mửa phải đi cấp cứu tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) từ ngày 25-5 đến ngày 27-5. Sau đó ông được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị từ ngày 27-5 đến ngày 1-6-2013 và được bệnh viện kết luận bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì.

Sau đó, ông Hoàng đã khởi kiện yêu cầu cơ sở Minh Tuyến bồi thường hơn 10 triệu đồng do sức khỏe bị xâm phạm.

Xử sơ thẩm, TAND TP Bến Tre đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng với lý do ông Hoàng không chứng minh thực tế ông có ăn bánh mì của cơ sở Minh Tuyến vào ngày 22-5. Ông Hoàng đã kháng cáo.

Niềm vui của ông Hoàng khi thắng kiện 

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền và luật sư của nguyên đơn trình bày: “Các báo cáo, kết luận điều tra của Chi cục ATVSTP Bến Tre và phiếu xét nghiệm mẫu thực phẩm, Viện Vệ sinh-Y tế công cộng TP.HCM trước đó đã chứng minh các mẫu thịt heo ram, Pa tê gan, chả lụa mà cơ sở Minh Tuyến dùng để chế biến bánh mì đều phát hiện có nhiễm khuẩn là căn nguyên gây nên ngộ độc thực phẩm. Do đó, theo Luật An toàn thực phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm phải chịu trách nhiệm.

Mặt khác, các nguyên liệu chế biến bánh mì của cơ sở này là do các cơ sở khác sản xuất. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm đã không đưa các cơ sở nói trên vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chưa thực hiện đầy đủ việc chứng minh và thu thập chứng cứ. Ngoài ra, án sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của ông Hoàng vì cho rằng ông không chứng minh được đã ăn bánh mì của cơ sở Minh Tuyến là không đúng với quy định của pháp luật. Bởi theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bị đơn là cơ sở bánh mì Minh Tuyến mới là bên phải cung cấp các chứng cứ liên quan”.

Tại phần tranh luận, luật sư của bên bị đơn lại cho rằng ông Hoàng khai ăn bánh mì ngày 22, nhưng đến ngày 25 mới nhập viện có thể là ăn cái gì khác chứ chưa chắc đã ăn bánh mì, ăn bánh mì thì nửa tiếng sau đã bị ngộ độc rồi.

Đại diện của nguyên đơn đã phản bác các ý kiến này, bởi dựa vào hồ sơ của cơ quan y tế lẫn tham khảo ý kiến của các chuyên gia, quá trình ngộ độc tùy theo cơ địa mỗi người mà thời gian ủ bệnh khác nhau, nói ăn bánh mì thì nửa tiếng sau phải bị ngộ độc là phi khoa học.

Đại diện VKSND tỉnh Bến Tre trình bày, các văn bản của cơ quan y tế đã xác định bánh mì là thực phẩm nguyên nhân, ông Hoàng cũng đã ăn bánh mì và bị ngộ độc, có hồ sơ chứng minh đã điều trị tốn chi phí. Do đó, việc tòa sơ thẩm bác yêu cầu bồi thường của ông Hoàng là chưa đủ cơ sở nên cần chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng.

HĐXX cho rằng, trước đó dù việc lấy mẫu sau ngày mua và ăn bánh mì, nhưng qua các hồ sơ của cơ quan y tế cũng là căn cứ để xác định quy trình chế biến tại cơ sở Minh Tuyến là không an toàn. Các chứng cứ của cơ quan y tế cũng đã chứng minh ông Hoàng bị ngộ độc là do ăn bánh mì của cơ sở Minh Tuyến. Lẽ ra cấp sơ thẩm phải chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của ông Hoàng.

Tuy nhiên, trong số tiền ông Hoàng đòi bồi thường hơn 10 triệu, có một số khoản không có hóa đơn chứng từ cụ thể nên tòa tuyên chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, buộc cơ sở bánh mì Minh Tuyến phải bồi thường cho ông Hoàng số tiền 8.477.000 đồng.

Những nguyên đơn khác 

Cùng với vụ án này, tòa cũng tiếp tục xử vụ kiện thứ 2 đòi bồi thường thiệt hại do ăn xong bánh mì bị ngộ độc, giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Kim Thuyên (Bến Tre) với cùng bị đơn là chủ tiệm bánh mì Minh Tuyến ở TP Bến Tre.

Trước đó, theo hồ sơ, khoảng 16 giờ ngày 23-5-2013, bà Thuyên mua bánh mì tại cơ sở Minh Tuyến (P. Phú Khương, Tp. Bến Tre).

Sau khi bà Thuyên cùng con gái ăn mỗi người nửa ổ, đến khoảng 2 giờ ngày 24-5, hai mẹ con đều bị đau bụng, tiêu chảy, sốt. Đến 17 giờ ngày 24-5, hai mẹ con bà Thuyên được đưa đi nhập viện tại Bệnh viện Quân y Bến Tre, đến ngày 28-5 mới xuất viện. Do cơ sở Minh Tuyến không đồng ý bồi thường nên bà Thuyên khởi kiện yêu cầu bồi thường tiền thuốc hơn 2 triệu đồng.

Xử sơ thẩm, tòa thừa nhận nghĩa vụ cung cấp hóa đơn là của cơ sở bánh mì Minh Tuyến chứ không phải của người mua cũng như khẳng định vẫn có vụ việc bà Thuyên bị ngộ độc. Tuy nhiên theo tòa, các chứng cứ chưa đủ căn cứ để xem xét. Bởi khi bệnh nhân vào bệnh viện điều trị phải xét nghiệm bệnh phẩm có vi khuẩn giống vi khuẩn trong bánh mì mới có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bà Thuyên nên đã tuyên xử bà Thuyên thua kiện.

Tương tự như vụ ông Hoàng, HĐXX nhận định có cơ sở xác định bà Thuyên bị ngộ độc phải nhập viện điều trị là do ăn bánh mì tại cơ sở Minh Tuyến, nên tuyên xử chấp nhận kháng cáo của bà Thuyên, buộc cơ sở Minh Tuyến phải bồi thường cho bà Thuyên số tiền hơn 2 triệu đồng.

 

Cũng liên quan đến vụ ăn bánh mì của cơ sở Minh Tuyến bị ngộ độc, trong tổng số hơn 170 nạn nhân hiện có 20 nạn nhân đã nộp đơn khởi kiện cơ sở Minh Tuyến.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm