Vụ MB24: Mua gian hàng được mời đi ăn, ngủ khách sạn

Sáng nay 6-6, phiên tòa xét xử vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản đối với bốn bị cáo Ngô Văn Chiến, Trần Văn Sự, Đặng Anh Tuấn và Bùi Thị Chiên (công ty MB24 Đắk Lắk) tiếp tục bước vào ngày xét xử thứ 2 với phần thẩm vấn.

Lực lượng chức năng phải bố trí thêm lực lượng bảo vệ để đảm bảo phiên tòa

Tòa phải bố trí nhiều điểm lấy lời khai do số lượng bị hại quá đông

Các bị cáo nguyên lãnh đạo MB24 Đắk Lắk tại tòa

Trước đó, tại phiên xét xử ngày 5-6, HĐXX đã hoàn tất phần kiểm tra căn cước. Trong số 505 người bị hại được toà triệu tập chỉ có 93 người có mặt; 196 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được mời thì chỉ có 38 người có mặt.

Tại phiên xét xử này, các luật sư tham gia bào chữa đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, phải triệu tập nguyên bốn lãnh đạo của công ty MB24 Hà Nội gồm Nguyễn Tuấn Minh (chủ tịch hội đồng quản trị), Ngô Văn Huy (giám đốc), Lê Văn Cường (phó giám đốc) và Nguyễn Mạnh Hà (trưởng phòng kỹ thuật) nhằm thẩm vấn, làm rõ các tình tiết của vụ án.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đã đề nghị Bộ Công an trích xuất nguyên bốn lãnh đạo MB24 Hà Nội nhưng các bị án đang thụ án nhiều nơi khác nhau nên không thể trích xuất để tham gia phiên tòa. HĐXX đã bác yêu cầu của các luật sư và tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Tại buổi thẩm vấn, bốn bị cáo nguyên lãnh đạo MB24 Đắk Lắk đều không đồng ý nhiều nội dung ghi trong bản cáo trạng. Các bị cáo khai chưa hề được công ty MB24 Hà Nội trả tiền mặt (tiền hoa hồng) từ việc bán gian hàng mà chỉ được nhận điểm. Bởi vào thời điểm các bị cáo bị bắt, công ty MB24 Hà Nội chưa quy đổi điểm thành tiền để trả cho các bị cáo; mặt khác chi nhánh MB24 Đắk Lắk cũng chưa thu được lợi nhuận mà chỉ đang trong giai đoạn liên kết các doanh nghiệp

Bốn bị cáo cũng khai, không biết công ty MB24 Hà Nội đã được cấp phép sàn Giao dịch thương mại điện tử hay chưa.

“Thời điểm chi nhánh MB24 Đắk Lắk được thành lập thì có nhiều đài truyền hình, các tờ báo của Đảng đã đưa tin về hoạt động của MB24, trong đó có ghi rõ đây là sàn giao dịch thương mại điện tử. Bên cạnh đó, tên miền trên website của MB24 Hà Nội và các chi nhánh ở các tỉnh thành khác đều ghi rõ là sàn giao dịch thương mại điện tử” – các bị cáo nguyên lãnh đạo MB24 Đắk Lắk lý giải tại tòa.

Tại buổi thẩm vấn, nhiều bị hại đã tỏ ra bức xúc khi nói đến số tiền đã nộp cho MB24 Đắk Lắk.

Bị hại Bùi Xuân Hưng (trú huyện Ea Kar, Đắk Lắk) khai, được “vận động” tham gia gian hàng của MB24 Đắk Lắk để được hưởng nhiều tiện ích như mua hàng giá rẻ, ngồi một chỗ mua hàng và chuyển, nhận tiền mà không cần phải thông qua hệ thống tài khoản của các gian hàng; nếu mời được nhiều người tham gia mua gian hàng ảo thì sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Ngoài ra, còn có thể quảng bá sản phẩm của mình lên website và được hướng dẫn, hiểu biết thêm về mạng máy vi tính. Do thiếu hiểu biết nên ông tin tưởng bỏ tiền ra mua gian hàng.

Bị hại Phạm Thị Thêu (trú huyện Cư Jút, Đắk Nông) khai là hộ nghèo. Nghe công ty MB24 quảng bá nếu mời được một người tham gia mua gian hàng thì sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng và hưởng tất cả những ưu đãi của công ty. Bà đi vay 8,9 triệu động để mua hai gian hàng. Sau khi nghe thông tin gian hàng của MB24 là ảo nên bà đã đòi lại tiền nhưng đến nay vẫn không nhận được đồng nào.

Tương tự, bà Đinh Thị Kim Tính khai, gia đình làm ăn thua lỗ, khi nghe một người quen giới thiệu và mời tham gia mua gian hàng của MB24, chồng bà mua 3 gian hàng với tổng số tiền 13,5 triệu đồng với mong muốn kinh doanh sinh lãi nhưng không ngờ “mất cả chì lẫn chài”.

Bị hại Lê Phương Thanh (trú Ea H’leo, Đắk Lắk) tố tại tòa, sau nhiều lần được bị cáo Đặng Anh Tuấn và người của MB24 Đắk Lắk thuyết phục, anh đã đi vay ngân hàng để mua gian hàng của công ty này.

Theo anh Thanh, ban đầu anh rất ngần ngại không muốn tham gia vì trong nhà chẳng có đồng tiền nào và cũng không biết thực hư về lợi ích từ MB24 mang lại.Tuy nhiên, người của MB24 đã xuống tận nhà để hỏi thăm, cho quà cáp, thậm chí dẫn đi ăn, ngủ khách sạn và thuyết phục nên anh đã đi vay ngân hàng về mua ba gian hàng.

“Người của MB24 cho biết, mỗi tháng tôi sẽ thu được lợi nhuận 230 triệu đồng. Sau khi trở thành hội viên, tôi và hàng trăm người khác được công ty thuê xe ô tô đi xuống Sài Gòn để tham gia hội thảo. Khi các bị cáo bị truy tố, tôi mới vỡ lẽ bị lừa, đi đòi lại tiền thì không được nữa.” – bị hại Thanh cho hay.

Như tin đã đưa, Công ty Cổ phần Đào tạo mua bán trực tuyến (gọi tắt là Công ty MB24 Hà Nội) được Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 5-2011, vốn điều lệ hơn 9 tỉ đồng. Ngô Văn Huy là người đại diện pháp luật, chức danh giám đốc.

Thông qua giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số với tên miền www.muaban24.vn, Công ty MB24 Hà Nội xây dựng mô hình và phương thức hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử muaban24.vn theo sơ đồ nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng.

Vào tháng 10 và tháng 12-2011, chi nhánh MB24 Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột lần lượt được thành lập. MB24 Đắk Lắk do bị cáo Chiến đứng đại diện pháp luật, sau đó Sự thay thế; MB24 Buôn Ma Thuột do Chiên làm giám đốc, sau đó Tuấn lên thay.

Các bị cáo Chiến, Sự, Tuấn và Chiên đã trực tiếp gặp gỡ hoặc gián tiếp thông qua các hội viên của hai chi nhánh tiếp xúc nhiều người, mở các lớp giới thiệu về muaban24.vn lôi kéo nhiều người tham gia mua gian hàng ảo. Khi một người muốn tham gia vào hội viên MB24 thì phải đóng số tiền 5,2 triệu đồng và quy ra điểm (Đ) tương đương với 520 (Đ).

Quá trình hoạt động từ tháng 10-2011 đến tháng 7-2012, hai chi nhánh MB24 tại Đắk Lắk đã phát triển được 2.054 gian hàng với tổng doanh thu hơn 10 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền được chuyển về MB24 Hà Nội. MB24 Hà Nội sau đó trích hoa hồng cho các bị cáo Chiến, Sự, Tuấn, Chiên thụ hưởng số tiền hơn 3 tỉ đồng.

Phiên tòa vẫn đang tiếp tục…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm