Vụ LS Trần Vũ Hải: Mua bán nhà khi nào bị tội trốn thuế?

LTS: Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM có ghi nhận ý kiến băn khoăn của vài luật sư (LS), giảng viên về đề nghị truy tố LS Trần Vũ Hải. Số này, chúng tôi tiếp tục mổ xẻ các dấu hiệu của tội trốn thuế nhằm làm rõ tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của nhiều trường hợp mua bán nhà, đất để bảo đảm việc xử tội đúng luật định chứ không có ý bênh vực cá nhân LS Trần Vũ Hải hay những người có sai phạm tương tự.

Thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết sau bốn tháng điều tra tính từ thời điểm khởi tố, cơ quan này đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị VKS cùng cấp truy tố bốn bị can, trong đó có vợ chồng luật sư (LS) Trần Vũ Hải (Đoàn LS Hà Nội) về tội trốn thuế theo khoản 1 Điều 161 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Theo kết luận điều tra này, vợ chồng LS Hải được xác định có dấu hiệu phạm tội trốn thuế do đã đồng ý ký hợp đồng mua bán nhà, đất giá thấp hơn giá giao dịch thực tế hơn tám lần nhằm giúp người bán trốn thuế hơn 280 triệu đồng.

“Bốn bị can đó liệu có bị VKS tỉnh truy tố ra tòa hay không?”. “Nếu vợ chồng LS Hải và hai người bán nhà bị xét xử tội trốn thuế thì tới đây có rất nhiều người mua bán nhà cũng sẽ bị dính tội này hay sao?”… Đã có nhiều thắc mắc, lo lắng như vậy vì trước giờ hầu hết trường hợp mua bán nhà, đất đều trốn thuế bằng cách làm giống như bốn bị can trên nhưng dường như không ai bị truy cứu tội trốn thuế và vụ việc của LS Hải là trường hợp đầu tiên.

Công an khám xét Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải, thu giữ nhiều tài liệu. Ảnh nhỏ: Luật sư Hải tại văn phòng chiều 2-7.  Ảnh: T.PHAN

Tội trốn thuế và thông tư hướng dẫn

Theo pháp luật về thuế, khi cá nhân mua bán nhà, đất thì bên bán phải nộp thuế thu nhập cá nhân tính trên giá bán ghi trên hợp đồng công chứng. Trường hợp giá ghi trên hợp đồng thấp hơn giá quy định của UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất) thì bên bán đóng thuế theo giá quy định.

Từ chỗ mua bán giá càng cao thì đóng thuế càng nhiều mà nhiều người đã cố ý khai thấp giá mua bán nhằm làm giảm số tiền thuế phải nộp. Ngoài đời thì ai nấy đều thấy đó là “trốn thuế” chứ gì nữa. Song về pháp lý muốn cáo buộc hành vi trốn thuế đó là tội phạm trốn thuế thì bắt buộc phải căn cứ vào quy định của BLHS và các văn bản hướng dẫn xét xử tội này.

Điều 161 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội trốn thuế như sau: “Người nào trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này (hoặc về một trong các tội theo quy định), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm” (khoản 1).

Thông tư liên tịch số 10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tài chính hướng dẫn thêm: Người phạm tội trốn thuế đồng thời với việc thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 của BLHS thì còn là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung) mà theo đó có chín hành vi trốn thuế, gian lận thuế (xem BOX bên dưới).

Luật sư Trần Vũ Hải trao đổi với phóng viên tại buổi khám xét văn phòng làm việc của ông. Ảnh: TUYẾN PHAN

9 hành vi trốn thuế, gian lận thuế

1. Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế…;

2. Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

3. Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;

4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn…;

5. Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;

6. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan;

7. Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

8. Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế;

9. Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

(Theo Điều 108 Luật Quản lý thuế 2006 đã được sửa đổi, bổ sung) 

Là hành vi trốn thuế nào?

Lần lượt đối chiếu Điều 108 trên thì có thể thấy việc khai sai giá mua bán nhà, đất không thuộc hành vi 1, 2, 3… về “sổ kế toán”, “xuất hóa đơn”… Chỉ có hành vi 5 “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp” là có vẻ sát hợp nhưng xem xét kỹ hơn nữa thì cũng không phải luôn.

Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ khai thuế của cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản gồm có: Tờ khai thuế theo mẫu; bản chụp giấy chủ quyền nhà đất; hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã được công chứng; các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế (nếu có)…

Thử hỏi chứng từ, tài liệu nào khác có thể bị xem là không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp ứng với những trường hợp mua bán nhà đất?

Theo khoản 4 Điều 21 nêu trên của Thông tư 92/2015, người đóng thuế và các cơ quan thuế đều cùng dựa vào các giấy tờ khai thuế nêu trên chứ không dựa vào giấy tờ nào khác để xác định số tiền thuế phải nộp. Do giấy chủ quyền hay một số giấy khác khi được cơ quan có thẩm quyền cấp thật thì là hoàn toàn hợp pháp nên chỉ còn có tài liệu, chứng từ quan trọng này cần được soi rọi về sự hợp pháp, đó là hợp đồng công chứng.

Luật Công chứng quy định văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký, đóng dấu và chỉ bị coi là vô hiệu theo tuyên bố của tòa. Căn cứ theo đúng luật này, hợp đồng công chứng nào cũng là hợp pháp khi được công chứng đúng trình tự, thủ tục quy định; hội đủ các điều kiện của Luật Công chứng, không bị tòa phủ nhận.

Như vậy, khi hợp đồng công chứng cùng các giấy tờ quy định đều hợp pháp và không thể có tài liệu nào khác để có sự bất hợp pháp dẫn đến việc số tiền thuế phải nộp bị xác định sai thì hành vi trốn thuế của nhiều người mua, bán nhà đất không thể thuộc hành vi 5.

Đây là lý do mà những trường hợp có căn cứ để xác định đã trốn thuế mua, bán nhà đất (đa phần do được các bên tự thừa nhận khi ra tòa yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự về nhà, đất đã giao dịch) hiếm khi bị công an đề nghị xử lý hình sự. Những người trốn thuế như thế thường chỉ bị xử phạt hành chính.

Nếu không có những chứng cứ xác định hành vi phạm tội trốn thuế và cũng không thể điều tra bổ sung về các hành vi thuộc chín hành vi trốn thuế thì VKSND tỉnh Khánh Hòa khó có thể ra cáo trạng truy tố bốn bị can, trong đó có vợ chồng LS Trần Vũ Hải. Ảnh: LS Hải lúc bị khám xét văn phòng. Ảnh: TUYẾN PHAN

Luật sư Hải có hai gian dối nhưng…

Trở lại trường hợp của LS Hải, khi kết luận vợ chồng ông có hai gian dối để phải bị đề nghị truy tố tội trốn thuế, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa chỉ căn cứ vào các hợp đồng công chứng chứ không dựa trên tài liệu khác nào.

Theo đó, cơ quan này cho rằng giá mua bán thật là hơn 16 tỉ đồng nhưng vợ chồng ông Hải làm đến hai hợp đồng công chứng đều ghi sai giá giao dịch thực tế. Một bản ghi giá 1,8 tỉ đồng để bên bán được đóng ít thuế. Một bản đầu (đã bị hủy) ghi giá 12 tỉ đồng được vợ chồng ông dùng bản sao để thế chấp ngân hàng nhận 12 tỉ đồng để thanh toán đúng thời hạn cho bên bán nhà.

Đối với gian dối thứ nhất thì như các phân tích nêu trên, việc gian dối giá ghi trên hợp đồng công chứng không được những nhà làm luật đưa vào chín hành vi trốn thuế, gian dối thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế để các cơ quan pháp luật có thể dựa theo đó xử tội trốn thuế. Nói thêm là cũng chín hành vi này giờ nằm luôn trong tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS 2017.

Đối với gian dối thứ hai thì không có liên quan gì đến việc trốn thuế cả.

Vì các lẽ trên, nếu không có những chứng cứ xác định hành vi phạm tội trốn thuế và cũng không thể điều tra bổ sung về các hành vi thuộc chín hành vi trốn thuế thì VKSND tỉnh Khánh Hòa khó có thể ra cáo trạng truy tố bốn bị can ra tòa. Trong trường hợp nơi này vẫn cứ ra cáo trạng thì TAND tỉnh Khánh Hòa cần xem xét thấu đáo để không có những phán quyết có thể gây oan sai.

Đề xuất của chúng tôi: Sửa điều luật hình sự

Theo chúng tôi, BLHS cần phải được sửa đổi thì mới có thể dễ dàng xử lý hình sự những hành vi trốn thuế tựa như của LS Trần Vũ Hải. Chẳng hạn, hành vi 5 có thể sửa là “sử dụng chứng từ, tài liệu có nội dung gian dối, không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp”.

Trước mắt, để giảm thiểu vi phạm về thuế trong mua, bán nhà đất, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao... cần thống nhất chỉ đạo các tòa, cơ quan công an khi phát hiện có việc khai thấp giá để trốn thuế qua việc xét xử án hay qua công tác điều tra thì phải tích cực chuyển hồ sơ, kiến nghị cơ quan thuế xử lý hành chính vi phạm này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm